Gần 189.000 tài khoản đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia

09:55, 10/07/2020

Sau 7 tháng vận hành chính thức, Cổng Dịch vụ công quốc gia do Tập đoàn VNPT phát triển và triển khai đã nhận được sự quan tâm và sử dụng của người dân, doanh nghiệp cả nước.  

Tính từ ngày 03/7/2020, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có 725 dịch vụ công được thực hiện, 188.425 tài khoản đăng nhập, trên 49 triệu lượt truy cập, trên 11 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 16.000 cuộc gọi đến tổng đài, 6.500 phản ánh kiến nghị. Những con số này thể hiện rõ, sự tham gia, tương tác tích cực và nhu cầu sử dụng dịch vụ công rất lớn của người dân và doanh nghiệp hướng tới tính minh bạch, công khai, giảm thời gian,công sức và tiết kiệm chi phí.

Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách, Cổng Dịch vụ công quốc gia là đầu mối giúp công khai, minh bạch thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng.Dự kiến, ngày 15/8/2020, tại sự kiện Khai trương Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ và Hệ thống Thông tin báo cáo Quốc gia, dịch vụ công thứ 1.000 trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ chính thức được đưa vào sử dụng.

 

Mới đây Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu đối với các Bộ, ngành triển khai đẩy mạnh ứng dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia thông qua việc cung cấp các nhóm dịch vụ, thủ tục hành chính có tính liên thông, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo thuận lợi doanh nghiệp.

Cụ thể,  Thủ tướng yêu cầu Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ nghiên cứu tái cấu trúc quy trình xử phạt vi phạm giao thông đường bộ hoàn toàn trực tuyến, trước mắt thực hiện ra quyết định xử phạt điện tử; cung cấp dịch vụ xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền cấp phòng, cấp đội tại Cục Cảnh sát giao thông và 63 tỉnh, thành phố trên Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 7/2020 theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Văn phòng Chính phủ cung cấp dịch vụ khai báo tình hình sử dụng lao động liên thông với thủ tục đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 9/2020.

Đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu tích hợp, cung cấp 2 dịch vụ công là đóng tiếp Bảo hiểm xã hội tự nguyên và gia hạn thẻ Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia trong tháng 7/2020.

 

 


Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ nghiên cứu, đề xuất các sáng kiến cải cách, hoàn thiện, quảng bá cho Cổng dịch vụ công quốc gia đến cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đề xuất giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tập đoàn VNPT, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát triển, hoàn thiện Cổng dịch vụ công quốc gia và các dịch vụ công trực tuyến theo hướng cải thiện tính năng, chức năng bảo đảm thân thiện, dễ sử dụng; tăng cường chia sẻ, trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện việc tích hợp Cổng dịch vụ công quốc gia với Cổng thông tin một cửa quốc gia trong năm 2020.

Cổng dịch vụ công quốc gia lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức và cơ quan thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng CNTT.

Cổng dịch vụ công quốc gia được xem là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội.

VNPT