VNPT tập trung nguồn lực phát triển mạnh hệ sinh thái Chính phủ điện tử
13:39, 14/08/2019
Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi tham nhũng,nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, góp phần phát triển kinh tế. Đặc biệt, đây chính là tiền đề để xây dựng xã hội phát triển bền vững, tốt đẹp hơn trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
Nhiệm vụ chính trị quan trọng
Hiểu rõ chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, ngay từ năm 2000, bám sát các Nghị quyết của Bộ Chính trị đã ban hành về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng, phát triển CNTT trong tất cả các lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong các lĩnh vực liên quan tới doanh nghiệp, người dân như giáo dục, y tế, giao thông, nông nghiệp…, Tập đoàn VNPT đã không ngừng phát triển và làm chủ được nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ cốt lõi góp phần xây dựng chính phủ số và nền kinh tế số tại Việt Nam.
Tháng 7/2018, VNPT cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký kết hợp đồng thực hiện các đề tài KH&CN thuộc Chương trình KH&CN trọng điểm cấp nhà nước về Chính phủ điện tử. Mục tiêu chính của sự hợp tác này là VNPT sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng mô hình, nền tảng và các giải pháp kỹ thuật cho phát triển Chính phủ điện tử; nghiên cứu làm chủ công nghệ, thiết kế và chế tạo các thiết bị phần cứng, phần mềm chuyên dụng, dịch vụ CNTT phục vụ hoạt động Chính phủ điện tử; nghiên cứu, xây dựng một số tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật làm nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước.
Phát triển hệ sinh thái Chính phủ điện tử
Tháng 3/2019, Trục Liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ tổ chức được VNPT xây dựng chính là nền tảng cốt lõi cho Chính phủ số. Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng, trục liên thông văn bản quốc gia đi vào hoạt động không chỉ đảm bảo kết nối việc nhận và gửi văn bản giữa các Bộ, ngành, địa phương mà còn có thể chia sẻ và kết nối dữ liệu theo các chuẩn khác nhau, đáp ứng được vấn đề quản lý tập trung, đồng thời dữ liệu được phân tán để đảm bảo được tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong việc phát triển cơ sở dữ liệu đặc thù của riêng mình. Đây là hệ thống đặc biệt quan trọng và là nền tảng cốt lõi đảm bảo xây dựng thành công Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số trong thời gian tới.
VNPT trở thành đối tác chiến lược của rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là trong lĩnh vực Chính phủ điện tử
Đến nay, VNPT phát triển một số sản phẩm tiêu biểu cho các Bộ ngành địa phương như: VNPT-eCabinet: Giải pháp phòng họp không giấy tờ; VNPT- VXP: Giải phápNền tảng tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu; VNPT-IOC: Giải pháp Trung tâm chỉ đạo điều hành; VNPT-iGate: Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử VNPT iGate; VNPT-iOffice: Hệ thống quản lý văn bản điều hành; VNPT-Portal: Giải pháp cổng thông tin điện tử; VNPT-CCVC: Hệ thống quản lý cán bộ công chức viên chức… Và mới đây nhất, tháng 6/2019, Tp.HCM trở thành thành phố tiên phong triển khai Hệ thống Phòng hợp không không giấy e-Cabinet và ứng dụng Giao việc tức thời, nhắc việc thông minh” như một minh chứng cho sự phát triển phong phú, đa dạng hệ sinh thái Chính phủ điện tử mà VNPT nỗ lực xây dựng.
Cam kết xây dựng tương lai số
Cam kết chung tay, hợp tác cùng các doanh nghiệp CNTT trong nước và quốc tế nghiên cứu, đưa các ứng dụng tiên tiến nhất vào triển khai để xây dựng và hình thành nên một tương lai số tốt đẹp cho đất nước Việt nam trở thành kim chỉ nam của Tập đoàn trong xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững, xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ không chỉ ở các quốc gia phát triển mà còn ở các quốc gia đang phát triển. Các nền kinh tế trên toàn thế giới hiện nay đang được dẫn dắt bởi công nghệ số, nên đây là ưu tiên phát triển hàng đầu của các quốc gia, không riêng gì Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế số. Hội thảo Chính phủ điện tử được tổ chức tại Huế vừa qua
Và tương lai số đã dần hiện diện với những con số ấn tượng tính đến thời điểm hiện tại: VNPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với 53/63 UBND tỉnh/thành phố; triển khai các giải pháp Chính quyền điện tử cho 60/63 tỉnh thành phố, cung cấp Phần mềm quản lý Y tế cho hơn 7.200 cơ sở y tế (trên tổng số khoảng 13.000 cơ sở y tế trên cả nước), triển khai Hệ thống quản lý Giáo dục cho hơn 13.000 trường học với gần 4 triệu hồ sơ học sinh. VNPT hiện đang tập trung nguồn lực để sẵn sàng tiếp cận những công nghệ chủ lực của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn, Internet vạn vật…Trên những công nghệ nền tảng này, VNPT sẽ phát triển và triển khai cho các tỉnh thành phố những sản phẩm dịch vụ số toàn diện, phục vụ đắc lực hoạt động của các cấp chính quyền, của doanh nghiệp và cuộc sống của người dân.
Tại Hội thảo Chính phủ điện tử được tổ chức tại Huế mới đây, VNPT đã giới thiệu giải pháp định danh công dân điện tử nhằm hỗ trợ phát triển cho Cổng dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, VNPT tham gia tọa đàm về các thách thức gặp phải và giải pháp để phát triển cổng dịch vụ công quốc gia giai đoạn 2015-2021. Các hoạt động này đã thay lời muốn nói về uy tín và chất lượng của Tập đoàn CNTT hàng đầu đang tập trung mọi nguồn lực tinh túy nhất trên con đường xây dựng Chính phủ điện tử.
VNPT