Sau quý I/2018, VNPT sẽ thành lập Công ty VNPT-IT

14:37, 28/02/2018
Với định hướng đưa CNTT trở thành một trụ cột của VNPT trong giai đoạn phát triển mới, theo ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT, tập đoàn này dự kiến hết quý I năm nay sẽ thành lập và đưa vào hoạt động Công ty CNTT VNPT (VNPT-IT).
 
Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn VNPT cho biết, với việc thành lập Công ty VNPT-IT, tập đoàn có 3 trụ cột - 3 đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới là VNPT Media, VNPT Technology và VNPT-IT.
 
Cuối năm ngoái, phương án cơ cấu lại tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt. Mục tiêu của phương án này là xây dựng và phát triển VNPT thành tâp đoàn kinh tế nhà nước mạnh, năng động, hiệu quả, hiện đại, có năng lực cạnh tranh ở trong nước và quốc tế; thực hiện tốt nhiệm vụ công ích; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; làm nòng cốt để ngành viễn thông và CNTT Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
 
Phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018 - 2020 cũng hướng tới mục tiêu cơ cấu lại tập đoàn để trở thành Nhà cung cấp dịch vụ số (Digital Services) hàng đầu tại Việt Nam và Trung tâm giao dịch số (Digital Hub) tại thị trường Đông Nam Á và châu Á. Từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ viễn thông, CNTT và dịch vụ số theo chiến lược phát triển VNPT giai đoạn 2017 - 2025.
 
Đáng chú ý, theo kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại VNPT giai đoạn 2018 – 2020 đã được đề ra tại phương án cơ cấu lại tập đoàn, Công ty CNTT VNPT (VNPT-IT) hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ VNPT sẽ được thành lập trên cơ sở sắp xếp lại các bộ phận, đơn vị quản lý, sản xuất kinh doanh sản phẩm, dịch vụ CNTT của VNPT và Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo.
 
Trong chia sẻ tại buổi gặp mặt các cán bộ hưu trí cơ quan Tập đoàn nhân dịp đầu Xuân Mậu Tuất 2018 được tổ chức mới đây, cùng với việc thông tin với các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành TT&TT về kết quả hoạt động của VNPT trong năm 2017, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNPT cũng đã báo cáo về những định hướng phát triển của tập đoàn trong chặng đường sắp tới.
 
Ông Hùng cho biết, việc VNPT trong năm 2017 đã cơ bản hoàn thành Chiến lược VNPT3.0 giai đoạn 2017 - 2025 và tầm nhìn 2030 chính là một tiền đề quan trọng để VNPT tiếp tục triển khai cơ cấu lại tập đoàn, tiến tới cổ phần hóa theo như Quyết định 2129 ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020.
 
"Giai đoạn 2014 – 2015, VNPT đã thực hiện tái cơ cấu theo Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ. Và đến năm nay, tập đoàn triển khai cơ cấu lại theo Quyết định 2129 của Thủ tướng Chính phủ. Một nội dung quan trọng trong phương án cơ cấu lại VNPT giai đoạn tới là xây dựng trụ cột: Công ty CNTT VNPT. Như vậy, cùng với 2 trụ cột khác là VNPT Media, VNPT Technology, tập đoàn sẽ có thêm một trụ cột nữa về sản xuất phần mềm, đó là VNPT-IT", ông Hùng chia sẻ.
 
Cụ thể, theo ông Hùng, sắp tới, dự kiến là hết quý I/2018, VNPT sẽ thành lập VNPT-IT. Khi đó, tập đoàn sẽ có 3 trụ cột - 3 đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm, nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới. Trong đó, VNPT Technology lo sản xuất các sản phẩm thiết bị điện, điện tử; VNPT Media chuyên lo nghiên cứu phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, nội dung trên mạng; và VNPT-IT chuyên lo các sản phẩm phần mềm ứng dụng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, giáo dục… phục vụ cho chiến lược số hóa nền kinh tế.
 
Đề cập đến những kết quả đã đạt được của định hướng phát triển lĩnh vực CNTT của tập đoàn trong năm 2017 vừa qua, Chủ tịch VNPT Trần Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2017 chiến lược đầu tư mạnh cho lĩnh vực CNTT của VNPT đã gặt hái được nhiều thành quả. Đến hết năm 2017, VNPT đã tham gia mạnh mẽ và đóng vai trò dẫn dắt trong quá trình triển khai Chính phủ điện tử, với việc xây dựng và triển khai rộng rãi các giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT tới 61/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tập đoàn cũng đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với 52/63 tỉnh, thành phố. Trong 63 tỉnh, thành phố, đã có 5 tỉnh, thành phố triển khai phần mềm Chính phủ điện tử của VNPT tới 100% cấp xã/phường và liên thông 4 cấp; 14 UBND tỉnh, thành phố đã được kết nối liên thông phần mềm quản lý với trục liên thông quốc gia.
 
Cũng trong năm 2017, VNPT đã tiếp cận, giới thiệu, triển khai mô hình xây dựng thành phố thông minh tại 17 tỉnh, thành phố. Cuối tháng 10/2017, VNPT và UBND huyện đảo Phú Quốc đã chính thức công bố hoàn thành giai đoạn I Đề án xây dựng thành phố thông minh Phú Quốc. Tiếp đó, tập đoàn cũng đã hoàn thành việc tư vấn xây dựng Đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" cho TP.HCM và hoàn thành Đề án Du lịch thông minh cho TP.Hà Nội.
 
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho biết, bên cạnh những thành tích đã đạt được, năm 2017 vừa qua, VNPT cũng còn nhiều tồn tại yếu kém cần phải phân tích, đánh giá để đề ra các giải pháp tạo đà tăng trưởng cho năm 2018. Với tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào những tồn tại, Tập đoàn đã đề ra các nhiệm vụ, mục tiêu cho năm 2018, trong đó một nhiệm vụ đã được VNPT xác định rõ là tập trung phát triển các dịch vụ CNTT mang tính đột phá trong kinh doanh, chuyển từ khái niệm nhà mạng viễn thông (Telco) sang nhà cung cấp dịch vụ truyền thông kỷ nguyên số (DSP) nhằm chuyển đổi sang kinh doanh các dịch vụ số hóa, các dịch vụ giá trị gia tăng, CNTT, truyền thông và công nghiệp CNTT.
 
VNPT