Cáp AAG gặp sự cố, VNPT vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng
14:42, 22/02/2017
17h chiều 18/2/2017, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã gặp sự cố trên tuyến cáp hướng Việt Nam - HongKong, gây ảnh hưởng đến truy cập Internet từ Việt Nam đi quốc tế. Để đảm bảo truy cập internet quốc tế cho người dùng, ngay trong đêm 18, VNPT đã điều tiết lưu lượng qua một số tuyến cáp khác.
Cụ thể, VNPT đã mở ứng cứu lưu lượng tuyến TPHCM - Đà Nẵng để lưu thoát lưu lượng internet quốc tế khu vực Miền Nam qua cáp APG và SMW3, đồng thời 1 phần lưu lượng được định tuyến ra Hà Nội để lưu thoát lưu lượng qua hướng cáp CSC, đảm bảo duy trì tốt các hướng đi các nước châu Á, Âu, Mỹ, các kết nối với Google và Facebook. Ngoài ra, ngay trong đêm, VNPT đã ưu tiên xử lý định tuyến cho các khách hàng doanh nghiệp. Vì vậy, tuy có sự cố xảy ra, VNPT vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Do AAG đã nhiều lần xảy ra sự cố trong ba năm trở lại đây nên VNPT đã xây dựng sẵn kịch bản ứng cứu thông tin. Vì vậy, VNPT đã hoàn toàn chủ động trong việc chuyển tải lưu lượng sang các tuyến cáp quốc tế khác doanh nghiệp này đang khai thác (CSC, SMW-3 và APG) để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Cụ thể, VNPT đã định tuyến lưu lượng Internet quốc tế khu vực Miền Nam từ Cần Thơ, TPHCM ra Đà Nẵng để lưu thoát trên tuyến cáp APG và SMW3, đồng thời 1 phần lưu lượng được định tuyến ra Hà Nội để lưu thoát qua hướng cáp đất liền CSC.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng đường truyền internet quốc tế cho khách hàng, VNPT đã đồng thời tăng cường tuần tra giám sát các cung đoạn cáp quang trên hướng từ Hà Nội đi Lạng Sơn và qua hai cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị đảm bảo an toàn cho các kênh Internet quốc tế trên tuyến cáp CSC; Thực hiện mở rộng 40Gbps trên tuyến cáp Faster từ Nhật Bản đi Mỹ kết nối vào tuyến APG hướng Đà Nẵng để tăng cường băng thông phục vụ ưu tiên cho các khách hàng có nhu cầu Internet kết nối đi Mỹ.
Đối với các khách hàng đặc biệt quan trọng và để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho các sự kiện lớn của Việt Nam, VNPT cho biết đã chủ động định tuyến ưu tiên trên các kênh Internet trực tiếp của các khách hàng này sang hoạt động trên tuyến cáp CSC, SMW-3 và APG. Đặc biệt chú ý các địa điểm phục vụ cho Hội nghị APEC như: Trung tâm hội nghị, Trung tâm báo chí, nhà hàng, khách sạn …
Trong hai năm qua, VNPT đã liên tục mở rộng dung lượng kết nối quốc tế của mình. Năm 2015, tổng dung lượng Internet quốc tế của doanh nghiệp này đạt 696 Gbps, tăng gấp 2,3 lần so với cuối năm 2014. Đến cuối năm 2016, tổng dung lượng quốc tế của VNPT tiếp tục tăng 67%, đạt 1.015 Gbps. Cuối năm 2016, VNPT đã đưa vào khai thác tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất châu Á hiện nay (APG) với dung lượng truyền dẫn ban đầu lên tới gần 300 Gbps. Ngoài APG, hiện VNPT còn đang đầu tư vào tuyến cáp AAE-1 nối các nước châu Á đến châu Âu, châu Phi. Dự kiến tuyến cáp này sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.
Cũng trong khoảng thời gian đó, VNPT đã thực hiện mở mới và mở rộng các hệ thống caching, có khả năng cache (lưu trữ dữ liệu) rất lớn để khách hàng tại hầu hết các tỉnh/thành phố lớn trên cả nước nên các dịch vụ phổ biến như youtube, facebook,...vẫn truy cập bình thường mà không phải kết nối qua hướng quốc tế. Ví dụ Google cache của VNPT hiện có dung lượng lên tới 3.650Gbps, Facebook 600Gbps, Akamai 160Gbps,...
Có thể nói nhờ việc đầu tư hạ tầng kết nối quốc tế dung lượng lớn, hệ thống Cache cho các dịch vụ phổ biến và việc chuẩn bị sẵn các phương án dự phòng, chất lượng dịch vụ Internet của VNPT gần như không bị ảnh hưởng dù AAG gặp sự cố.
Hiện đơn vị quản lý AAG vẫn chưa có thông tin cụ thể về lịch trình khôi phục sự cố song VNPT khẳng định chất lượng dịch vụ của khách hàng sẽ hoàn toàn được đảm bảo. VNPT đã và đang tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm duy trì dịch vụ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho khách hàng, đồng thời chủ động liên lạc để thông tin và hỗ trợ khách hàng.
VNPT-Media