Lợi nhuận VNPT tăng gấp đôi sau 2 năm tái cơ cấu

15:23, 16/11/2016
Từ năm 2013 đến năm 2016 doanh thu của công ty mẹ VNPT tăng từ 42.675 tỷ đồng lên 47.697 tỷ đồng, doanh thu toàn Tập đoàn tăng từ 43.401 tỷ đồng lên 53.350 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty mẹ tăng từ 2.133 tỷ đồng lên 4.023 tỷ đồng, lợi nhuận toàn Tập đoàn tăng 2.187 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
 
Sáng ngày 14/11/2016, Tập đoàn VNPT đã tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2014-2015. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tới dự hội nghị.
 
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết, sau hai năm triển khai tái cơ cấu, Tập đoàn VNPT đã có tình hình tài chính rất lành mạnh. Mô hình tổ chức quản lý kinh doanh của Tập đoàn đã triển khai theo mô hình 3 lớp: “Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh” với nguyên tắc “Chuyên biệt – Khác biệt – Hiệu quả”. VNPT đã  thực hiện tinh giản và kiện toàn bộ máy quản lý của VNPT với 2 Ban trực thuộc Hội đồng thành viên, 8 ban trực thuộc Tổng giám đốc và Văn phòng VNPT, giảm trừ được lao động của bộ máy Tập đoàn từ 500 lao động xuống còn 300 lao động, hình thành được Trung tâm VNPT-RD.  Bước đầu VNPT đã chuyển dịch từ kinh doanh dịch vụ viễn thông truyền thống sang cung cấp dịch vụ và giải pháp. 

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT phát biểu.

VNPT cũng đã chuyên biệt hóa được hoạt động kinh doanh – kỹ thuật: Tổ chức hoạt động của VNPT-Net, VNPT-VinaPhone, VNPT-Media đã ổn định, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, cơ chế quản lý nội bộ đã được điều chỉnh cho phù hợp với mô hình mới và dần phát huy hiệu quả.
 
Với VNPT-VinaPhone đã hình thành được hệ thống kênh bán hàng thống nhất, xuyên suốt Tập đoàn với gần 160.000 điểm bán lẻ. Nhân viên kinh doanh bán hàng của VNPT đã được tăng cường từ hơn 4.000 lao động lên 15.000 lao động.
 
Tại Hội nghị, ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cũng cho hay, sau khi thực hiện tái cơ cấu, rất nhiều điểm yếu, điểm hạn chế trong mô hình bộ máy tổ chức sản xuất trước đây của VNPT đã được khắc phục.
 
Đầu tiên phải kể đến hạ tầng kỹ thuật mạng lưới của VNPT được quản lý tập trung, thống nhất không bị chia cắt, nhờ đó chất lượng mạng lưới, chất lượng dịch vụ được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao được hiệu quả đầu tư.
 
VNPT đã tổ chức được hệ thống kênh bán hàng thống nhất và xuyên suốt trên toàn quốc, công tác giám sát kinh doanh được triển khai đồng bộ. Trong khi đó, ở thời điểm trước khi tái cơ cấu hệ thống bán hàng chủ yếu chạy theo số lượng không đi vào chiều sâu.
 
VNPT cũng triển khai được giải pháp kinh doanh đồng bộ và xuyên xuốt, trước đây mỗi dịch vụ có một chính sách khác nhau, đến nay chính sách đã thống nhất và xuyên suốt. Chính sách đồng bộ này nhằm tạo động lực cho các đơn vị tăng thị phần, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
 
Đặc biệt hơn, sau khi tái cơ cấu VNPT đã xóa bỏ được cơ chế xin cho trong đầu tư. Cơ chế trước đây “xin gì cũng cho” nhưng thời gian phê duyệt rất lâu có khi 5-6 tháng mới được, làm chậm khả năng cạnh tranh của các đơn vị. Đến nay Tập đoàn chỉ phê duyệt danh mục, các đơn vị cấp dưới tự đầu tư mua sắm, tập đoàn chỉ đưa ra nguyên tắc, tiêu chí, các đơn vị tự mua sắm. Việc đầu tư mua sắm tập trung, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư.
 
Trước khi tái cơ cấu, VNPT chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, chưa có dịch vụ CNTT. Đến nay VNPT đã phát triển và triển khai cung cấp các phần mềm ứng dụng cho Chính phủ, cho các bộ ngành và đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần dịch vụ chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, chữ ký số… VNPT chiếm khoảng 50% thị phần nhiều dịch vụ CNTT. Dịch vụ nội dung trước đây hoàn toàn do các đối tác cung cấp, sau khi tái cơ cấu, các đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung đã chủ động phát triển và làm chủ nhiều dịch vụ như: tương tác truyền hình, nhạc chuông chờ,
 
Cũng theo ông Phạm Đức Long, các chỉ số kinh doanh, cả doanh thu, lợi nhuận và năng suất lao động bình quân, tiền lương bình quân đều tăng lên rõ rệt.
 
Cụ thể, từ năm 2013 đến năm 2016 doanh thu của công ty mẹ tăng từ 42.675 tỷ đồng lên 47.697 tỷ đồng, doanh thu toàn Tập đoàn tăng từ 43.401 tỷ đồng lên 53.350 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty mẹ tăng từ 2.133 tỷ đồng lên 4.023 tỷ đồng, lợi nhuận toàn Tập đoàn tăng 2.187 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng.
 
Ông Long cho hay, doanh thu tăng chưa nhiều là do khi chưa tái cơ cấu, doanh thu của VNPT có cả phần doanh thu quốc tế chiều về của MobiFone chưa bóc tách được. Nên khi MobiFone tách ra, doanh thu của Tập đoàn VNPT bị sụt giảm mạnh khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, VNPT phải phát triển tăng doanh thu rất nhiều dịch vụ khác để bù đắp doanh thu sụt giảm khi tách MobiFone. Toàn bộ phần doanh thu của VNPT sau khi tái cơ cấu là doanh thu từ dịch vụ mà ra, hoàn toàn không có doanh thu từ việc kinh doanh thương  mại.
 
“Lợi nhuận của VNPT đã tăng gấp đôi sau 3 năm nhờ triển khai tái cơ cấu đúng hướng”, ông Long khẳng định.
 
Sau 2 năm triển khai tái cơ cấu, thuê bao di động VinaPhone đã tăng từ 20.128.000 thuê bao lên 31.661.000 thuê bao, đạt 23,71% thị phần dịch vụ di động. Dịch vụ băng rộng cố định của VNPT mặc dù bị giảm mạnh số lượng thuê bao ADSL nhưng lại tăng trưởng mạnh thuê bao cáp quang, do đó đến cuối năm 2016, VNPT vẫn chiếm lĩnh 47% thị phần dịch vụ băng rộng cố định, trong đó thuê bao cáp quang chiếm 41%. Kênh bán hàng và số điểm bán lẻ 58.118 tăng lên 160.000 điểm trên toàn quốc.
 
Theo VNPT