VNPT kiến nghị điều chỉnh cước roaming quốc tế

14:24, 09/09/2016
Tại cuộc họp Giao ban quản lý Nhà nước Bộ TT&TT diễn ra mới đây, VNPT đã báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn này trong 8 tháng đầu năm. Trong đó báo cáo cả nội dung thực hiện chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Theo đó đã có gần 200.000 thuê bao di động đã bị chặn vì gửi tin nhắn rác. 
 
Kết quả kinh doanh khả quan
 
Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết sau 8 tháng thực hiện, VNPT đã hoàn thành 63% KH về doanh thu và 66,5% KH lợi nhuận của năm 2016. Cụ thể: Doanh thu 8 tháng đầu năm ước đạt hơn 83.000 tỷ đồng, bằng 63% kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt 2.838 tỷ đồng, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước, đạt 66,5% kế hoạch. Nộp ngân sách nhà nước 2.300 tỷ đồng, đạt gần 67%.  
Hop.jpg
 
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Trần Mạnh Hùng báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT tại cuộc họp
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT về việc chặn tin nhắn rác, riêng trong tháng 8 VNPT đã chặn hơn 4,3 triệu tin nhắn rác, tương đương trung bình mỗi ngày khoảng 143.000 tin nhắn bị chặn. Đã có 185.000 thuê bao di động bị chặn vì gửi tin nhắn rác, tương đương 6.100 thuê bao/ngày. Số tin nhắn rác bị chặn chiếm 0.02% tổng số tin nhắn (peer to peer) toàn mạng. 
 
Từ đầu năm tới nay, VNPT- VinaPhone đã phát triển được thêm khoảng 2,5 triệu thuê bao di động mới và hơn 1 triệu thuê bao cáp quang, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của VNPT đang được triển khai rộng khắp tại hơn 30 tỉnh thành phố trên cả nước (140 Quận/Huyện và hơn 1.500 xã/phường). Trong 6 tháng đầu năm, VNPT đã đóng góp vào Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích tổng số tiền lên tới 255 tỷ đồng. 
 
Kiến nghị điều chỉnh quy định về giá cước roaming
 
Cũng tại cuộc họp giao ban, đại diện VNPT kiến nghị cơ quan quản lý xem xét điều chỉnh sửa đổi các quy định về giá cước dịch vụ roaming quốc tế. Ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT cho biết hiện cả lưu lượng roaming chiều đi và đến đều bị sụt giảm, điều này không phù hợp với xu hướng hội nhập và phát triển của đất nước. Thông thường trong xu hướng phát triển và hội nhập kinh thế, xuất nhập khẩu tăng, giao thương quốc tế tăng thì lưu lượng thoại quốc tế phải tăng. Trong khi thực tế thì ngược lại, chứng tỏ giá cước dịch vụ đang có vấn đề và cần phải điều chỉnh các quy định về giá. 
 
Trong 8 tháng qua, riêng VNPT đã phát triển được hơn 1 triệu thuê bao internet cáp quang, tương đương với hơn một triệu điểm phát sóng wifi được kích hoạt. Con số này sẽ còn tăng hơn nữa nếu tính tới cả các ISP khác. Với tốc độ gia tăng như hiện nay, wifi đã gần như trở thành phổ cập với một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam. Cùng với sự phổ biến của các OTT, người dùng có xu hướng sử dụng các dịch vụ này để thay thế cho các dịch vụ gọi quốc tế của nhà mạng. Đây là xu hướng phát triển tất yếu trên toàn thế giới chứ không chỉ tại Việt Nam.
 
Trong khi phần lớn các OTT đều cho phép người dùng gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thậm chí là gọi thoại video miễn phí dịch vụ roaming hiện lại tính cước khá cao. Chính vì vậy, dù nhà mạng có giảm cước dịch vụ đến mức nào cũng khó có thể cạnh tranh được. Quy định cũ về giá cước roaming đã áp dụng được 2 năm và tới nay đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay nữa. 
 
MobiFone cũng đồng quan điểm với VNPT về vấn đề này. Ngay tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết theo các cam kết TPP, cước dịch vụ roaming của ta quá cao, trong khi các dịch vụ OTT đang ngày một thắng thế. Những quy định cũ liên quan đến vấn đề này đã lạc hậu, Cục Viễn thông cần sớm nghiên cứu đề xuất nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp, điều chỉnh sao cho hợp lý.
 
Theo VNPT