Vai trò IOC của VNPT trong Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số
10:01, 01/10/2020Tính đến thời điểm này, Tập đoàn VNPT đang triển khai xây dựng và đưa vào khai thác, vận hành khoảng 20 Trung tâm IOC trên cả nước và trở thành đơn vị tiên phong xây dựng IOC. Chỉ riêng trong tháng 9/2020, VNPT đã cùng với các tỉnh Kon Tum, Bình Phước, Trà Vinh, Phú Thọ khai trương hệ thống IOC. Trước đó, IOC của các tỉnh như Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, Hà Giang, Tây Ninh … cũng chính thức đi vào hoạt động.
IOC được xem là một trong các giải pháp trọng tâm nhằm đẩy nhanh phát triển Chính phủ điện tử, thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ. Việc xây dựng IOC là một mục tiêu quan trọng nhằm phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Khi đưa vào hoạt động, Trung tâm IOC do VNPT xây dựng sẽ vận hành hơn 10 dịch vụ về giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội; giám sát dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, dịch vụ kết nối người dân - chính quyền; giám sát, điều hành lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Du lịch; giám sát camera an ninh thông minh, camera an toàn giao thông và thông tin trên mạng xã hội…
Cụ thể, như thống giám sát môi trường giúp các tỉnh thống kê, tổng hợp số liệu giám sát môi trường nước, không khí, nhiệt độ, độ ẩm tại các trạm thủy văn của tỉnh, hỗ trợ Sở Tài nguyên và Môi trường trong công tác quản lý chất lượng môi trường; Hệ thống an toàn thông tin giúp theo dõi các cảnh báo về các nguy cơ tấn công mạng của các loại virus, mã độc... trong hệ thống mạng diện rộng của tỉnh bao gồm các cơ quan nhà nước từ tỉnh xuống tới cấp xã, để kịp thời xử lý và khắc phục. Hoặc như Hệ thống giám sát thông tin mạng xã hội giúp cho cơ quan, tổ chức lắng nghe, thu thập thông tin về lĩnh vực quản lý của cơ quan, tổ chức trên các kênh thông tin để từ đó theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân và đưa ra những chính sách phù hợp; Dữ liệu hành chính công giúp thống kê, báo cáo kết quả thực hiện công tác giải quyết thủ tục hành chính của Trung tâm hành chính công của tỉnh.
Là tỉnh, thành đầu tiên tiến hành xây dựng Trung tâm IOC, Tp. Đà Lạt đã kiểm soát và giải quyết được vấn đề “nóng” nhất, đó là quản lý và số hóa được toàn bộ dữ liệu về đất đai với khoảng 97.751 thửa đất trên toàn bộ địa bàn. Người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý chỉ cần mở ứng dụng, click vào có thể biết rõ thửa đất cần biết nằm ở vị trí nào, diện tích bao nhiêu, tình trạng sử dụng đất như thế nào, được phép xây dựng bao nhiêu tầng…
Theo ông Huỳnh Quang Liêm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, việc tích hợp thông tin, số liệu của nhiều lĩnh vực hoạt động lại được thể hiện trực quan, sinh động, IOC sẽ giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan toàn diện về mọi mặt hoạt động kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Từ đó, đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Các tính năng, dịch vụ của IOC cũng sẽ giúp tăng tính tương tác giữa người dân với chính quyền, góp phần tăng cường mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của chính quyền.
Nhưng giá trị thiết thực
Đánh giá về hoạt động của IOC Đà Lạt, ông Phan Văn Đa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc xây dựng thành công Trung tâm IOC Tp. Đà Lạt là một bước tiến lớn trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, nhằm tạo được những lợi ích thiết thực nhất trong phục vụ người dân, du khách, doanh nghiệp. Cùng với chủ trương, định hướng của tập thể lãnh đạo UBND tỉnh và sự vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin tin tưởng rằng phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sẽ là đơn vị đi đầu cả nước về ứng dụng CNTT, theo đúng chủ trương của Chính phủ.
Còn tại Kon Tum, ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cũng cho rằng, các sản phẩm, ứng dụng CNTT được tỉnh áp dụng, khai thác, bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, phù hợp với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Từ những kết quả đó, có thể thấy rằng, quá trình ứng dụng CNTT của tỉnh đã đi vào thực chất, hiệu quả, đem lại những chuyển biến tích cực cho công tác chỉ đạo, điều hành, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công của tỉnh; cải thiện Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của tỉnh.
Tại Bình Phước, qua 5 tháng thi công, ngày 25/9/2020, IOC tỉnh Bình Phước chính thức khánh thành. Đây là 1 trong 20 công trình chào mừng đại hội đảng bộ tỉnh và là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên được kết nối vào hệ thống điều hành thông tin của Chính phủ. Việc triển khai xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm IOC tỉnh sẽ tạo nền tảng, đòn bẩy và cú hích để các ngành, địa phương chung tay xây dựng chính quyền điện tử tại tỉnh; hướng đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tập trung để thay đổi cách thức quản lý nhà nước theo hướng “điện tử hóa”, đem đến hiệu quả và tiện ích trong công tác quản lý, giám sát điều hành của các cấp, ngành.
Theo Bà Trần Tuệ Hiền, Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh Bình Phước, để triển khai hiệu quả công trình này, ngoài sự hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn, thiết bị, còn phải kể đến cả nhiệt huyết của Tập đoàn VNPT. Có thể nói VNPT đã làm vượt lên trên trách nhiệm là một đối tác của tỉnh. Qua công trình này thể hiện sự hợp tác có hiệu quả giữa tỉnh và Tập đoàn VNPT. Hy vọng mối quan hệ hợp tác chiến lược này sẽ tiếp tục phát triển để đóng góp vào sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số
Với hơn 20 tỉnh, thành tin tưởng lựa chọn làm đối tác triển khai xây dựng và vận hành Trung tâm IOC, VNPT đã chứng minh được năng lực cũng như niềm tin mà các địa phương dành cho mình trên con đường hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công đô thị thông minh, chính quyền số hướng đến chính phủ điện tử, nền kinh tế số, xã hội số.
Không chỉ triển khai tại các địa phương, Tập đoàn VNPT đã phối hợp cùng Văn phòng chính phủ và các Bộ Ngành, thiết kế xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính thức được khai trương vào ngày 19/8/2020. Trung tâm được kết nối với các trung tâm điều hành của các Bộ, ngành, địa phương, trở thành một trong những thành phần cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Thông qua Trung tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý; thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.
Việc xây dựng, vận hành IOC của Chính phủ sẽ thúc đẩy các tỉnh hình thành IOC cấp tỉnh và hình thành mô hình IOC xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương và hình thành mô hình IOC tổng thể chung về phát triển Chính phủ số. Trung tâm IOC được xây dựng dựa trên việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được thiết kế với khả năng chịu tải cao, sẵn sàng mở rộng quy mô, cũng như bổ sung, điều chỉnh tính năng một cách linh hoạt, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.
Dựa trên mô hình vận hành và yêu cầu về chỉ tiêu giám sát, hệ thống trung tâm điều hành IOC liên tục được tích hợp bổ sung các hệ thống thông tin khác, khai thác dữ liệu được chuẩn hóa để ngày càng mở rộng và nâng cấp năng lực điều hành trên môi trường số. Chuyển đổi số hoạt động giám sát, chỉ đạo điều hành là một trong những bước đi đầu tiên của quá trình chuyển đổi số chính quyền và xây dựng đô thị thông minh.
Định hướng xây dựng và vận hành các IOC từ cấp Chính phủ đến các Bộ, Ngành địa phương đã, đang và sẽ góp phần xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, khẳng định vị thế tiên phong và dẫn dắt của VNPT trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.