Hậu Giang chuyển đổi số với các hệ thống thông minh do VNPT xây dựng
17:27, 05/10/2020Ngày 02/10, UBND tỉnh Hậu Giang đã tổ chức lễ công bố các Hệ thống thông tin, Trung tâm giám sát, Điều hành đô thị thông minh của địa phương này. Dự buổi lễ có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu. Về phía Tập đoàn có Thành viên HĐTV Hồ Đức Thắng và Phó TGĐ Nguyễn Nam Long.
Sau gần 9 tháng đồng hành cùng Tập đoàn VNPT xây dựng, đến nay Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh thông tin, Cổng dịch vụ công trực tuyến, Ứng dụng di động Hậu Giang, Tổng đài cải cách hành chính, Cổng thông tin điện tử, Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội trực tuyến, Hệ thống quản lý văn bản và Trục liên thông dữ liệu đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, bước đầu đáp ứng được nhu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Cụ thể, đối với dịch vụ công trực tuyến, từ địa chỉ website http://dichvucong.haugiang.gov.vn, người dân và doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ mà không cần đến các cơ quan hành chính. Đồng thời, có thể theo dõi tiến độ hồ sơ đang được cơ quan nào xử lý, sau đó đến nhận kết quả. Hiện cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Hậu Giang đã được triển khai, liên kết với bộ phận một cửa suốt từ cấp tỉnh đến các cơ sở, địa phương.
Tính đến thời điểm này, đã có 230 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 được đưa lên cổng, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ tăng lên khoảng 400 dịch vụ. Đây là đầu mối kết nối giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong xử lý các thủ tục hành chính, hướng đến xây dựng chính quyền phục vụ người dân tốt hơn theo mục tiêu “Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm”.
Trong khi đó, IOC được xem là trung tâm của chính quyền số với các tính năng: Giám sát cổng dịch vụ công trực tuyến; giám sát, điều hành giao thông; giám sát an ninh, trật tự xã hội; thông tin phản ánh hiện trường; hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; hệ thống giám sát thông tin báo chí, truyền thông; hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng.
Các hệ thống này được đánh giá là sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền và người dân, thông qua việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cũng như các tiện ích cho người dân trên môi trường internet; giúp cơ quan nhà nước tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của mọi người dân, doanh nghiệp một cách tức thời. Đồng thời, người dân được giám sát quá trình xử lý các phản ánh, kiến nghị đó một cách công khai, minh bạch.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu, với xuất phát điểm thấp, không nhiều lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên nên để tạo sự chuyển biến đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Hậu Giang phải tự tạo cho mình lợi thế cạnh tranh đặc thù trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ. Tỉnh cũng xác định xây dựng thành công chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số là một trong ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025, là chìa khóa cho sự phát triển của địa phương./.
VNPT