VNPT “tái sinh” để bắt đầu vòng phát triển mới

15:10, 11/08/2020

Để "tái sinh" thành công, VNPT lấy sứ mệnh của đất nước làm sứ mệnh của mình, góp phần giúp Việt Nam hùng cường thịnh vượng, tạo hạ tầng số, nền tảng số cho chuyển đổi số. Sứ mệnh đầu tư hạ tầng trước để VN bứt phá vươn lên.

Tại buổi làm việc giữa Bộ TT&TT và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT sáng 9/8, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã góp ý cho chiến lược phát triển của VNPT. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu góp ý tại buổi làm việc với tập đoàn VNPT.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu góp ý tại buổi làm việc với tập đoàn VNPT.

Tái sinh từ sứ mệnh doanh nghiệp 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng để "tái sinh" thành công, VNPT cần phải lấy sứ mệnh của đất nước làm sứ mệnh của mình. 

“Doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải có lợi nhuận. Lợi nhuận là phép đo hiệu quả. Nhưng sau lợi nhuận sẽ là gì? Sau lợi nhuận là sứ mệnh. Sứ mệnh trước dân tộc mình. Sứ mệnh góp phần giúp Việt Nam hùng cường thịnh vượng. Sứ mệnh tạo hạ tầng số, nền tảng số cho chuyển đổi số. Sứ mệnh đầu tư hạ tầng trước để Việt Nam bứt phá vươn lên”. 

Việc tổ chức lại VNPT là sự chuyển đổi cả tập đoàn thành tập đoàn công nghệ số. Cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ CNTT và dịch vụ số trên cùng một hạ tầng, cùng một nền tảng, cùng một nguồn nhân lực. Công nghệ viễn thông chuyển thành CNTT, rồi CNTT chuyển thành công nghệ số. 

VNPT muốn tạo hạ tầng cho chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, muốn tham gia dẫn dắt CĐS quốc gia thì đầu tiên, VNPT phải CĐS cho chính mình. Khó nhất của CĐS là thay đổi mô hình quản lý, mô hình kinh doanh, thay đổi tổ chức, con người và quy trình, sáng tạo dịch vụ mới trên nền tảng số. Tức là một sự thay đổi toàn diện.

Năm 2020 là một chu kỳ mới cho đầu tư hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, để tạo tiền đề cho CĐS. Doanh nghiệp viễn thông nói chung, VNPT nói riêng, đã đến lúc phải nhận lấy trách nhiệm trước đất nước để tạo ra một hạ tầng mới, hạ tầng viễn thông thế hệ mới, gọi là hạ tầng số. 

Có thể coi đổi mới lần 2 của ngành viễn thông là sự chuyển dịch qui mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc. Đó là hạ tầng viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế số. 

Những bài học của cuộc đổi mới lần một sẽ vẫn còn đúng cho cuộc đổi mới lần 2 này, đó là: Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt, vượt qua thử thách này để hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh trách nhiệm với xã hội của doanh nghiệp nền tảng, lưu ý tập đoàn VNPT không thể vẫn để SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác, không thể để các nền tảng khác chạy trên nền tảng của nhà mạng vi phạm pháp luật Việt Nam. 

Việt Nam xác định ngành ICT, ngành công nghệ số là mũi nhọn để đưa nước ta hùng cường thịnh vượng, thì các doanh nghiệp trong ngành không chỉ cạnh tranh trong nước, mà còn phải trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Thực tế chỉ ra rằng chỉ có những quốc gia đi ra nước ngoài thì mới trở thành nước phát triển. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện với các cán bộ chủ chốt của tập đoàn VNPT về chiến lược chuyển đổi số.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói chuyện với các cán bộ chủ chốt của tập đoàn VNPT về chiến lược chuyển đổi số.

Sẵn sàng cho các cuộc thí điểm 

Không chỉ góp ý chiến lược, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã chia sẻ với VNPT nhiều bài học với tư cách một người trong ngành. 

VNPT là nhà mạng viễn thông có nghề cung cấp công nghệ như dịch vụ lâu đời nhất và rộng nhất trong số các công ty công nghệ, và đây là thế mạnh để cung cấp các sản phẩm công nghệ số như  dịch vụ. Muốn thế, mạng lưới, tổ chức, con người của nhà mạng phải On-Demand, tức là phải được phân bổ linh hoạt theo yêu cầu. 

 "Để nâng cao năng suất lao động, VNPT có thể cân nhắc việc tập trung nhân lực khai thác mạng lưới vào thành một công ty chuyên khai thác hạ tầng cho Tập đoàn. Bộ máy còn lại sẽ được tinh gọn và nhẹ hơn, giúp tăng khả năng sáng tạo cho chuyển đổi số", Bộ trưởng góp ý. 

Đối với hai bệnh viện đang nằm trong tập đoàn VNPT, đây có thể trở thành nơi thí điểm chuyển đổi số bệnh viện rất tốt. Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số là thay đổi cả phương thức vận hành của bệnh viện chứ không chỉ là ứng dụng CNTT. Chẳng hạn như 30% bệnh nhân mắc các bệnh đơn giản có thể được tư vấn điều trị từ xa, hay những bệnh nhân nặng không cần phải chuyển lên tuyến trên điều trị mà vẫn có thể được hỗ trợ bởi các bác sĩ đầu ngành qua hệ thống truyền hình. 

Sau khi hình thành nên phương thức vận hành mới, tạo thành một platform chuyển đổi số hiệu quả cho các bệnh viện, Tập đoàn VNPT hoàn toàn có cơ hội triển khai chuyển đổi số đến hơn 14.000 bệnh viện trên toàn quốc. 

Để chuyển đổi số cho tập đoàn lớn như VNPT, thường sẽ có hai cách thực hiện. Một là thành lập một Trung tâm chuyển đổi số để kéo cả Tập đoàn chuyển đổi theo. Tuy nhiên cách này sẽ khó hiệu quả đối với những tập đoàn lớn có tới hàng vạn nhân sự vì một ca-nô nhỏ không thể kéo cả một con tầu lớn. 

Cách thứ hai là trang bị kỹ năng số cho hàng vạn nhân lực trong tập đoàn. VNPT nên tạo các nền tảng để đưa mô hình quản trị, mô hình kinh doanh, quy trình hoạt động lên môi trường số. Người lao động sẽ sử dụng các nền tảng đó để làm việc và thông qua đó mà nâng cao kỹ năng số một cách nhanh chóng. Công nghệ giúp con người đứng cao hơn. Mức tối thiểu của mỗi nhân sẽ được nâng lên mức của nền tảng. 

Hội tụ đủ yếu tố cho cuộc tái sinh 

VNPT là công ty viễn thông lâu đời nhất tại Việt Nam nên đổi mới sẽ khó khăn nhất. Nhưng doanh nghiệp khác con người ở chỗ có thể tái sinh. Nếu VNPT có thể tái sinh thì sẽ trở thành công ty viễn thông trẻ nhất. 

VNPT có lợi thế là đã đi qua điểm đáy của suy thoái và đang trên đà hồi phục. May mắn hơn nữa, VNPT đang trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đó là thiên thời. 

Thị trường viễn thông Việt Nam đã trở nên bão hòa và phải chuyển đổi sang thành hạ tầng của nền kinh tế số, đó là địa lợi.

Tập thể người lao động của VNPT cũng đã trải qua những khó khăn và hiện rất đồng thuận, quyết tâm đưa VNPT phát triển mạnh mẽ trở lại vị trí dẫn đầu, đó là nhân hòa. 

Đây có thể xem là thời cơ hiếm có để VNPT thực hiện cuộc đổi mới ngành viễn thông lần thứ 2, tiếp sau công cuộc đổi mới lần thứ nhất cách đây 30 năm, đã chuyển đổi mạng lưới từ thế hệ analog sang thế hệ số. 

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, đổi mới là sự phá hủy cái cũ, nên phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu, vì chỉ người đứng đầu mới có quyền phá hủy cái cũ để chuyển sang cái mới. 

ổng Giám đốc VNPT phát biểu tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT.
ổng Giám đốc VNPT phát biểu tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ TT&TT và Tập đoàn VNPT.

Chủ tịch, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long trân trọng cảm ơn những chia sẻ, góp ý quý báu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giúp các lãnh đạo VNPT định hướng lại tư duy và tầm nhìn trong công cuộc đổi mới của tập đoàn. Ông Phạm Đức Long cũng khẳng định khát vọng của tập thể cán bộ VNPT quyết tâm đưa Tập đoàn phát triển mạnh mẽ để quay trở lại vị trí dẫn đầu.

VNPT