Dịch vụ Tài chính số của VNPT: Từ VNPT Pay đến Mobile Money

08:36, 01/07/2020

Chính phủ đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo thúc đẩy phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Tập đoàn VNPT đã sẵn sàng xây dựng hệ sinh thái các dịch vụ tài chính số, trong đó dịch vụ VNPT Pay đã đạt được con số tăng trưởng khá, còn Mobile Money thì đã vượt qua các vòng kiểm thử và sẵn sàng ra thị trường.

Nở rộ dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam
Thời gian gần đây, các loại ví điện tử xuất hiện ngày càng nhiều kèm theo các chương trình khuyến mãi giúp người dùng tiện lợi hơn trong khâu thanh toán, nhưng việc lựa chọn loại ví phù hợp cũng khiến nhiều người bối rối. Nhiều ví điện tử đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, kể cả những ví điện tử có mặt đã khá lâu như MoMo hay Zalopay, Moca... với hình thức tặng tiền khi người dùng liên kết với tài khoản ngân hàng, rồi mua sắm trên các kênh bán hàng có liên kết với ví. Ngay cả các tập đoàn quốc tế cũng để ý đến mảng thanh toán dịch vụ của thị trường Việt Nam, ký kết hợp tác với các công ty trong nước. Mới đây nhất, Vietjet cũng đã công bố sẽ góp 51% vốn trong công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán của mình có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, với quan niệm hết sức kỳ vọng vào thị trường này: Nếu thị trường thanh toán không tiền mặt là cái bánh thì Vietjet là bột nở để làm cái bánh này lớn hơn; dịch vụ đa dạng và phương thức thanh toán trực tuyến phong phú, tiện lợi sẽ kích thích mạnh hơn đến thói quen tiêu dùng thông minh của thị trường.

 

Tỷ lệ chi tiêu tiền mặt ở Việt Nam trên thực tế vẫn còn phổ biến trong các giao dịch dân sự, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc thanh toán điện tử trong thương mại điện tử còn thấp… Để tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đặc biệt qua tình hình dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành liên quan, các địa phương tích cực, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu đã được giao.
Cùng với những yêu cầu cụ thể giao cho các bộ, ngành thì riêng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới. Đặc biệt, cần phối hợp với các bộ và cơ quan liên quan để trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt trước ngày 1/7/2020. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị rất tích cực để trình Chính phủ triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ - còn gọi là Mobile Money - Tiền di động. Loại hình dịch vụ này sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông như VNPT tham gia vào thị trường thanh toán số. 
Kinh nghiệm với VNPT Pay sẽ giúp làm Mobile Money tốt hơn  
Ngay từ khi bắt đầu làm VNPT Pay, Tập đoàn thực sự coi tài chính số là dịch vụ chiến lược, khẳng định hướng phát triển nhằm tiến sâu vào thị trường trung gian thanh toán ở Việt Nam, và đó cũng là quyết tâm của Tập đoàn trong việc thực hiện Chiến lược VNPT4.0. Cùng với đẩy mạnh nghiên cứu, từng bước cung cấp các dịch vụ cụ thể, Tài chính số là dịch vụ được Tập đoàn hết sức chú trọng và có những đột phá trên thị trường – phù hợp với những chỉ đạo sát sao từ Chính phủ là sớm đưa thanh toán số đến với người dân. 
Trong lộ trình đó, Tập đoàn đã đầu tư phát triển nâng cấp bộ phận làm dịch vụ tài chính số - từ Ban Triển khai dự án thanh toán điện tử VNPT Pay ở VNPT Media lên thành Trung tâm dịch vụ Tài chính số VNPT Fintech - với nhiều hạng mục dịch vụ hơn, trong đó Mobile Money đã hiện đã sẵn sàng “bấm nút” bất cứ lúc nào khi được cấp phép.
Trong quá trình triển khai, tất cả những yêu cầu cần thực hiện từ phía Ngân hàng Nhà nước đã được VNPT hoàn tất đúng theo quy định. Ngay cả việc lựa chọn các dịch vụ thí điểm và phạm vi thí điểm, VNPT cũng đã tập trung lựa chọn làm với các dịch vụ thiết yếu như: thu hộ cước viễn thông, điện, nước, dịch vụ liên quan tới nghiệp vụ tiền tệ và ngân hàng…; đồng thời, không ngừng mở rộng nghiên cứu và thiết kế dịch vụ hoàn thiện để đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

 

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn về việc đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ thanh toán trung gian, giai đoạn 2018-2020, Cổng thanh toán VNPT Pay đã được tập trung triển khai mạnh và đã bước đầu khẳng định được vị thế trên thị trường. Hiện VNPT Pay đã kết nối trực tiếp với hàng chục ngân hàng lớn có mạng lưới giao dịch rộng khắp, áp dụng cho nhiều nghiệp vụ thanh toán khác nhau nên đòi hỏi đội ngũ chăm sóc phần mềm phải am hiểu kiến thức về ngân hàng và thanh toán. Cùng đó, việc triển khai số hóa kênh bán hàng, thu cước bằng ví VNPT Pay trên toàn quốc đã cho phép toàn bộ các đại lý/CTV, nhân viên kinh doanh - bán hàng của Tập đoàn thực hiện thu cước và gạch nợ, chuyển tiền về đơn vị hàng ngày. 
Nâng cao trải nghiệm khách hàng, mở rộng các tính năng, tiện ích và kênh thanh toán, VNPT Pay đã tập trung mở rộng các tính năng phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng như đặt và thanh toán vé máy bay, vé xe, vé xem phim, đặt phòng khách sạn, phí tài chính bảo hiểm, thanh toán cước truyền hình, tiền điện, tiền nước… Các hình thức thanh toán cũng liên tục được đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, giúp họ có thể thanh toán qua các kênh như Thẻ quốc tế, sử dụng công nghệ Token-Nization cho phép khách hàng có thể lưu thông tin thanh toán mà không cần phải nhập lại trong các lần sau, thanh toán cước qua tài khoản ví VNPT Pay, thanh toán tự động định kỳ qua dịch vụ AutoPay, thanh toán qua hình thức scan QR code…
Quyết tâm tiến sâu hơn vào thị trường tài chính số, Trung tâm VNPT Fintech hiện đang tích cực triển khai sâu vào kinh doanh các dịch vụ trung gian thanh toán, dịch vụ tư vấn và xây dựng giải pháp, dịch vụ công nghệ bảo hiểm phục vụ khách hàng cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp theo định hướng chiến lược của Tập đoàn. Nhất là sau những tháng ngày Covid vừa qua, VNPT Pay đã mở rộng kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia – cùng với hàng chục ngân hàng khác để hỗ trợ người dùng cả nước dễ dàng thanh toán hàng trăm dịch vụ công trực tuyến thông qua ví điện tử VNPT Pay, không phụ thuộc thời gian cũng như địa giới hành chính.
Để gia tăng các tiện ích cho hệ thống sản phẩm như đã làm Ví điện tử VNPT Pay, các loại công nghệ cần dùng để làm Mobile Money cũng đều là những công cụ dùng chung cho toàn bộ các dịch vụ thanh toán số. Hiện đội ngũ CNTT của Tập đoàn đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt chắc chắn các công nghệ tiên tiến trên thế giới trong việc sử dụng để việc xây dựng Mobile Money. 

 Mobile Money trên thế giới:

- Hiện có hơn 90 quốc gia đang triển khai dịch vụ tiền di động với gần 900 triệu tài khoản được đăng ký, lượng giao dịch trung bình hơn 1 tỷ USD/ngày.

- Giao dịch qua Mobile Money toàn cầu tăng trưởng 20%, riêng Châu Á 31%, có nhiều nước tỷ lệ người dân sử dụng lên tới trên 50%

Những con số phát triển ấn tượng của VNPT Pay thời gian qua cho thấy tiềm năng lớn của dịch vụ tài chính số mà Tập đoàn đang đặt nhiều kỳ vọng phát triển. Chỉ trong năm 2019, nghĩa là trước thời gian có Covid-19 thì số khách hàng đã tăng gấp 4 lần so với năm 2018 dòng tiền chạy qua VNPT Pay ước tính đạt hơn 3.000 tỷ - gấp khoảng 70 lần. Còn thống kê sơ bộ cho thấy, chỉ qua 4 tháng đầu năm 2020 này, lượng tiền giao dịch và thanh toán qua VNPT Pay đã bằng cả năm 2019 cộng lại. Phát huy những kết quả đó và với quyết tâm đẩy mạnh kinh doanh phát triển dịch vụ tài chính số, tin rằng Mobile Money mang thương hiệu VNPT đi xa hơn nữa, trở thành phương tiện thanh toán tiện lợi và thân thiện với mỗi người dân, khách hàng./.

VNPT