Sửa xong tuyến cáp APG, Internet Việt Nam đi quốc tế được khôi phục hoàn toàn
08:00, 01/07/2020Dung lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế được khôi phục hoàn toàn sau khi tuyến cáp quang biển APG đã được sửa chữa xong.
Trước đó, lần lượt vào các ngày 4/6 và 7/6, các sự cố trên hai tuyến cáp biển quốc tế AAE-1 và AAG đã được khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn lưu lượng trên các tuyến cáp biển này.Theo đó, các sự cố trên nhánh S9 và S1.7 của tuyến cáp quang biển Asia Pacific Gateway - APG đã được sửa xong vào khoảng 22 giờ ngày 27/6/2020, sớm hơn so với kế hoạch trước đó. Việc tuyến cáp quang biển APG được sửa chữa xong, hiện cả 3 tuyến cáp biển gặp sự cố trong thời gian cuối tháng 4/2020 đến đầu tháng 6/2020 gồm AAE-1, AAG và APG đều đã khôi phục 100% kênh truyền trên các tuyến. Như vậy, hiện dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế đã trở lại bình thường.
APG là tuyến cáp quang biển cập bờ tại Đà Nẵng do VNPT trực tiếp tham gia đầu tư được đưa vào khai thác từ tháng 10/2016. Tuyến cáp này có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps với tổng chiều dài khoảng 10.400 km, được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. APG có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo các chuyên gia, về nguyên nhân khiến cáp quang biển hay gặp sự cố là do vị trí chôn cáp cập bờ được đặt ở những khu vực cảng biển lớn nên khi tàu biển vào cảng thả neo có thể gây ra sự cố. Ngoài ra, sự tác động của các yếu tố địa lý cũng gây ra sự cố cho vị trí cáp đặt dưới biển, hoặc có thể do hệ thống nguồn cáp bị dò, dẫn đến mất nguồn và mất lưu lượng. Tuy nhiên, theo các nhà mạng, dù hay xảy ra sự cố nhưng cáp quang biển vẫn là phương án kết nối hiệu quả nhất với ước tính suất đầu tư cho tuyến cáp quang biển chỉ khoảng 40-50 triệu USD, không chỉ thấp hơn nhiều so với chi phí đầu tư vệ tinh (suất đầu tư khoảng 200 triệu USD) mà dung lượng kết nối còn cao gấp nhiều lần dung lượng của vệ tinh. Không chỉ có vậy, tuyến cáp quang này con góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.
Để không ảnh hưởng quá nhiều đến người dùng Internet tại Việt Nam, nên mỗi khi một trong các tuyến cáp quang biển gặp sự cố, VNPT cũng như các nhà mạng khác đã triển khai nhiều phương án điều chuyển lưu lượng sang các hướng cáp đất liền và cáp biển khác. Mới đây, VNPT cũng cho biết đang tham gia đầu tư tuyến cáp quang biển mới SJC 2 (South East Asia Japan Cable) kết nối Đông Nam Á với Nhật Bản có điểm cập bờ ở thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Dự kiến trong năm nay dự án này đưa vào khai thác sẽ góp phần bảo đảm dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.
VNPT