MẮT BIẾC - Chính thức có mặt tại gói dịch vụ Galaxy Play trên truyền hình MyTV
09:39, 21/04/2020Đây là bộ phim mới nhất của đạo diễn Victor Vũ trở thành tác phẩm điện ảnh Việt thứ 5 trong năm 2019 đã thu hơn 100 tỷ đồng tại phòng vé.
Mắt biếc là chủ đề điện ảnh được quan tâm trong những ngày qua. Bộ phim có nội dung dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh vốn gây chú ý từ khi công bố dự án và những trailer đầu tiên.
Số đông báo giới nhìn nhận tích cực về Mắt biếc và coi đây là màn trở lại xứng đáng của đạo diễn Victor Vũ sau hai tác phẩm liên tiếp gây tranh cãi là Lôi báo (2017) cùng Người bất tử (2018).
Tại phòng vé, Mắt biếc hoàn toàn lấn át các đối thủ. Một lợi thế dành cho bộ phim là không có tác phẩm điện ảnh ngoại nào đình đám ra rạp trong quãng thời gian qua, và tác phẩm của Victor Vũ trở thành cái tên đáng chú ý nhất trong dịp lễ Giáng sinh 2019.
‘Mắt biếc’ - ta thấy gì khi hoài niệm về thời thanh xuân? |
Lần thứ hai chuyển thể truyện Nguyễn Nhật Ánh, đạo diễn Victor Vũ chọn “Mắt biếc” và làm thỏa ước mong của nhiều độc giả từng coi nguyên tác là một phần thuộc về thời thanh xuân.
Bằng phong cách làm phim hoa mỹ đã trở thành thương hiệu từ thời Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, đạo diễn Victor Vũ biến từng khung cảnh trong Mắt biếc trở thành những bức tranh hoàn mỹ.
Khán giả nay được thấy câu chuyện hiện ra, không còn bằng tưởng tượng qua câu chữ, mà trực tiếp bởi hình ảnh, màu sắc và âm thanh. Trên khung cảnh rừng sim hoa tím, làng Đo Đo mộc mạc đơn sơ, thành phố Huế với kinh thành cổ kính, hay những cửa hiệu san sát xanh đỏ ánh đèn neon, là đôi mắt biếc của Hà Lan, là vẻ trầm ngâm và ánh mắt đau đáu của Ngạn…
Có cảm giác bộ phim được xây dựng nên bằng nỗi hoài niệm - cơ chế giúp xoá bỏ nhiều điều thiếu sót, trong khi không ngừng tô đậm thêm điều tốt đẹp hoặc tìm ra lý do để chấp nhận sai lầm.
Các nhân vật trong Mắt biếc từ đó hiện ra như những bông hoa sim trong bức tranh Hà Lan vẽ tặng Ngạn trước ngày cô lên thành phố. Tất cả vẫn luôn tím rịm sắc màu nhớ nhung, dù nhiều thập kỷ đã trôi qua và thứ bột màu vẽ nên tác phẩm lẽ ra đã phai nhạt.
Hà Lan, hay hoài niệm về kết thúc “mãi mãi hạnh phúc bên nhau” không có trong sách
Ai chẳng từng có thời yêu đơn phương ai đó, sẵn sàng dành tặng đối phương cả trái tim với hy vọng mong manh rằng người ấy sẽ đáp lại mình. Có lẽ bởi vậy, sau gần ba thập kỷ, Mắt biếc vẫn đủ sức gây nhớ thương, day dứt cho nhiều thế hệ độc giả.
Chắc hẳn không ít người trong số đó mong muốn, dù chỉ một lần thôi, Hà Lan cũng hướng về phía Ngạn bằng tình cảm giống như Ngạn dành cho cô gái. Hà Lan trong phim của Victor Vũ vẫn là cô gái thích nơi phồn hoa phố xá hơn chốn quê nhà xác xơ, rung động trước chàng lãng tử phong trần miệng nói tay đàn hơn là cậu bạn thân kể chuyện cây bàng ở quê mà không khen mái tóc cô mới làm.
Có lẽ bất cứ độc giả nào của Mắt biếc cũng từng mong muốn Hà Lan một lần đáp lại tình cảm của Ngạn. |
Sau bao nhiêu năm nhìn lại, tâm lý ấy của Hà Lan chẳng phải là một điều rất đỗi bình thường trong cuộc sống hay sao? Chỉ tiếc cho cô, lần đầu sa vào tình yêu cũng là lần đầu cô gái trẻ nếm trái đắng cuộc đời.
Hà Lan trên phim cũng dành tình yêu cho Ngạn, nhưng tình yêu ấy không thể chiến thắng được mặc cảm trong cô. Nhân vật đã phải thú nhận rằng cô nhìn con gái mà như thấy sai lầm lớn nhất cuộc đời, nhìn Ngạn mà như thấy mọi thứ cô đã đánh mất - không chỉ ký ức ấu thơ êm đềm, không chỉ người con trai mà cô đem lòng thương mến, mà còn cả tương lai hạnh phúc của bản thân.
Khán giả theo dõi bộ phim ngậm ngùi cho Hà Lan, cho Ngạn, cho cả mối nhân duyên giữa hai người. Định mệnh đã không đưa họ trở về bên nhau trên trang sách. Và giờ, vài giây chậm trễ tiếp tục đẩy họ ra xa nhau mãi mãi trên màn ảnh rộng.
Sau cùng, bí mật về tình yêu mà Hà Lan dành cho Ngạn - cái kết ai cũng mong ước - chỉ là món quà nhỏ mà Victor Vũ dành tặng người hâm mộ. Đó là kiểu bí mật “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”, chỉ khiến biết bao thế hệ độc giả, khán giả đã buồn nay lại càng buồn thêm.
Dũng - khi độ lùi thời gian cho kẻ phản diện cơ hội giãi bày
Mắt biếc của Victor Vũ thực tế là một thế giới không có kẻ xấu. Ngay cả nhân vật phản diện như Dũng “phong trần” từ nguyên tác bước lên màn ảnh cũng khoác lên mình một diện mạo rất khác.
Dũng của Victor Vũ là một tay lãng tử, đam mê hội hè, yêu thích đàn ca, với bản chất là một cậu quý tử được chiều quá hoá hư, ích kỷ và ấu trĩ. Nhưng thẳm sâu bên trong nhân vật, người xem vẫn có thể thấy mầm mống của sự tử tế.
Phim Mắt biếc đưa ra một vài thay đổi về Dũng, giúp nhân vật trở nên đắt giá hơn. |
Gã đã chủ động đỡ Ngạn dậy sau khi hai người đánh nhau tới mức nhân vật chính phải đo đất. Gã đã xin bố cho mình cưới Hà Lan làm vợ sau khi khiến cô mang thai. Và qua lời kể của Hà Lan, gã vẫn cố gắng cứu vãn chuyện tình cảm giữa hai người, dù sau đó nhanh chóng bỏ cuộc…
Phiên bản điện ảnh của Mắt biếc dường như đã thi vị hoá Dũng, biến nhân vật từ chỗ là gã sở khanh thành chàng “Casanova”. Còn mối tình giữa Dũng với Hà Lan, từ chỗ là chiến tích tình trường nay trở thành sai lầm bồng bột của tuổi trẻ.
Người đọc, người xem từ chỗ thuần tuý khinh bỉ, ghét bỏ Dũng giờ có cơ hội nhìn gã với ánh mắt dịu dàng hơn. Tổng thể bộ phim không vì điều đó mà trở nên sai khác với nguyên tác. Nhưng rõ ràng, sự điều chỉnh ở Dũng giúp bầu không khí chung trở nên bớt nặng nề. Cứ như thể độ lùi thời gian khiến công chúng bắt đầu nhìn nhận mọi thứ bằng con mắt bao dung hơn, thấu hiểu hơn.
Ngạn - kẻ si tình rốt cuộc cũng có thể khép lại quá khứ
Giống như nguyên tác, Ngạn của Victor Vũ là chàng trai vì mãi vương vấn quá khứ mà tự ràng buộc bản thân với mối tình vô vọng. Song, anh chưa bao giờ là kẻ trốn chạy. Anh đánh lại những kẻ bắt nạt Hà Lan, anh chất vấn Dũng hay thậm chí chấp nhận đọ sức với kẻ trên cơ để đòi lại công bằng cho người thương.
Ngạn đã ở bên Hà Lan, sốt sắng giúp cô chăm sóc đứa bé mới sinh khi chính họ hàng của Hà Lan còn muốn xua đuổi cô… Khi không thể mở lòng đón nhận tình cảm của Trà Long, anh ra đi với tư thế của một người đã sẵn sàng buông bỏ. Ngạn bỏ lại Đo Đo, cây đàn, tập nhạc, và cả bức tranh Hà Lan vẽ tặng mà bản thân luôn trân trọng mang theo suốt mấy chục năm.
Những giọt nước mắt cuối phim của Ngạn tuy buồn, nhưng đồng thời giúp mở ra chương mới trong cuộc đời anh. |
Trong bức thư để lại, nhân vật giãi bày với Trà Long sự thật rằng anh chỉ yêu duy nhất một người là Hà Lan. Cuối cùng, Ngạn đã có thể thú nhận tình cảm của mình với Hà Lan - điều khiến anh loay hoay khổ sở suốt từ thời niên thiếu.
Tuy Ngạn buộc phải thừa nhận tình yêu ấy chỉ để thoái thác một tình yêu khác, nhưng hành động đã giải thoát cho cả bản thân anh lẫn Trà Long khỏi tình thế mập mờ chỉ mang lại khổ đau.
Bởi thế, những giọt nước mắt của Ngạn trên chuyến tàu đi xa khỏi Đo Đo không còn là nước mắt nhớ thương Hà Lan, mà giống như tự thương chính mình. Anh hẳn đã hiểu rằng có những mối tình mà tốt nhất là nên buông tay.
Người đàn ông 35 tuổi khóc thương chính mình, khóc thương làng quê nơi có bóng dáng Hà Lan mà anh đã dứt lòng bỏ lại phía sau. Nhưng những giọt nước mắt ấy cũng như lời chào cho một chương mới của cuộc đời sắp mở ra trước mắt anh.
Hồng, hay sự hiện diện của chính độc giả trong không gian Mắt biếc
Về tổng thể, Mắt biếc là một tam giác tình yêu vắt qua hai thế hệ, với trung tâm là Ngạn - anh giáo làng đa đoan. Nhưng trong bộ phim mà Ngạn chi phối mọi thứ, sự xuất hiện không ai ngờ tới của nhân vật Hồng đem tới điều bất ngờ thú vị.
Hồng thực tế đã ở Đo Đo với Ngạn trước cả khi Hà Lan chuyển đến. Cô tồn tại âm thầm như một cái bóng - cái bóng của Ngạn. Hồng suy nghĩ theo cách suy nghĩ của Ngạn. Cô lặp lại những lựa chọn của anh, như việc về quê dạy học hay ở vậy non nửa đời người, cốt cũng chỉ để chờ đợi một người chưa chắc đã yêu mình.
Lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất mà Hồng giành quyền chủ động, đó là khi cô quyết định từ bỏ Ngạn và rời khỏi Đo Đo. Sự ra đi ấy đồng thời dự báo tương lai của chính Ngạn. Bởi xuyên suốt bộ phim, hai người đều kể cùng một câu chuyện, khác biệt có chăng chỉ là từ góc nhìn của hai giới tính khác nhau.
Hồng tuy chỉ là một nhân vật phụ, không hề tạo ra bất cứ xáo trộn nào trong mạch phim, nhưng lại sở hữu sức mạnh và vị thế mà không ai khác trong tác phẩm điện ảnh có được: đứng ngang hàng với Ngạn.
Cô không mang ơn anh như Hà Lan, không nằm trong sự bao bọc của anh từ tấm bé như Trà Long. Trái lại, Ngạn nợ Hồng những tháng năm thanh xuân mà cô đã hy sinh để âm thầm đi bên anh. Do đó, Hồng là nhân vật duy nhất có thể trách móc Ngạn, nói với Ngạn rằng cô sẽ không theo đuổi anh nữa, sẽ ra đi để không bị kẹt lại ở Đo Đo.
Phải chăng những câu nói từ Hồng là những lời mà độc giả của cuốn sách, và những khán giả của bộ phim, không ít hơn một lần muốn “gào vào” mặt Ngạn, để anh tỉnh táo mà sống một cuộc đời cho ra sống? Hay Hồng ở đây chính là đại diện của những độc giả, khán giả ấy, được Victor Vũ phản chiếu vào trong phim?
Khán giả sẽ nhận ra, bằng dư âm ngọt ngào xen lẫn chút tiếc nuối, Mắt biếc trên màn ảnh không chỉ là Mắt biếc của Nguyễn Nhật Ánh hay Victor Vũ. Bộ phim phản ánh những điều mà bất cứ độc giả nào của nguyên tác văn học từng ít nhất một lần mong muốn xảy ra với các nhân vật mà mình đã gắn bó.
Bằng cách đó, Mắt biếc phiên bản điện ảnh đã thành công tạo ra mối liên kết tình cảm mới với khán giả, khi cả hai bên cùng chia sẻ góc nhìn có tên “hoài niệm”.
Đón xem MẮT BIẾC tại gói ADD ON Galaxy Play trên truyền hình MyTV. Phim sẽ được phát sóng từ ngày 19.04.2020.
VNPT - Media