Sản phẩm, dịch vụ số: "Miền đất hứa" để VNPT bứt phá
08:16, 06/01/2020Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông truyền thống suy giảm, năm 2020, VNPT đặt trọng tâm phát triển vào mảng cung cấp sản phẩm, dịch vụ số…
Năm 2019, thị trường viễn thông Việt Nam bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt, bởi nhu cầu thị trường gần bão hòa. Cũng như các doanh nghiệp viễn thông khác, VNPT phải đối mặt với vấn đề giảm doanh thu từ dịch vụ thoại, SMS, data... Các dịch vụ viễn thông, chỉ tiêu phát triển thuê bao phát sinh cước chưa đạt kỳ vọng.
Ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc VNPT đánh giá, xu thế giảm doanh thu viễn thông truyền thống tại Việt Nam nhanh hơn so với thế giới; thị trường cạnh tranh thả nổi, khiến doanh thu viễn thông suy giảm. Dịch vụ truyền thống số bão hòa, điện thoại cố định, di động giảm tốc, nên việc VNPT bảo đảm được doanh thu, lợi nhuận có thể coi là thắng lợi.
Cụ thể, năm 2019, tổng doanh thu toàn VNPT đạt 167.983 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2018; lợi nhuận đạt 7.100 tỷ đồng, tăng 10%; nộp ngân sách nhà nước 4.926 tỷ đồng, tăng 10%. Các dịch vụ định hướng phát triển theo dịch vụ số tăng trưởng mạnh. Dịch vụ fintech (công nghệ tài chính) với ứng dụng VNPT Pay đạt dòng tiền giao dịch tăng gấp 60 lần. Thương hiệu VNPT đã vươn lên đứng thứ hai trong Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam (1,683 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2018).
Đặc biệt, năm 2019 là năm đầu tiên VNPT dấn thân vào cuộc cách mạng chuyển đổi số, thực hiện “VNPT 4.0”. Ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT cho rằng, chuyển đổi số là điểm nhấn lớn nhất của VNPT trong năm 2019. VNPT đã triển khai thành công Trục liên thông văn bản quốc gia và Cổng dịch vụ công quốc gia, thể hiện vị trí tiên phong của VNPT trong việc đồng hành cùng Chính phủ triển khai chính phủ điện tử.
Ngoài ra, VNPT còn tăng trưởng mạnh mẽ trong triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin ở 63 tỉnh, thành phố và 32 bộ, ngành.
Đặt mục tiêu cao trong năm 2020
Năm 2020, VNPT phấn đấu đạt tổng doanh thu 171.300 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2019, lợi nhuận tăng trưởng 5 - 10%. “So với nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong kế hoạch 2016 - 2020, doanh thu hợp nhất trong cả giai đoạn của VNPT sẽ vượt 2%, lợi nhuận trước thuế vượt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng khoảng 20%”, ông Huỳnh Quang Liêm cho biết.
Cũng theo ông Liêm, năm 2020 là năm bản lề để VNPT phát triển, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số mới như trung tâm điều hành IOC thông minh, dịch vụ fintech… một cách chuyên sâu, chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng cho biết, Ủy ban vừa ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của Công ty mẹ - Tập đoàn VNPT. Theo đó, giao chỉ tiêu năm 2020 cho VNPT đạt lợi nhuận sau thuế hơn 4.000 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu 6,2%, nộp ngân sách gần 4.000 tỷ đồng.
Ủy ban cũng yêu cầu VNPT sử dụng và quản lý nguồn vốn nhà nước đảm bảo hiệu quả, bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. VNPT cần rà soát lại toàn bộ danh mục dự án dự kiến đầu tư trong năm 2020, chỉ quyết định đầu tư các dự án thật sự cần thiết, phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, chống dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp….
Cùng với đó, VNPT cần tập trung phát triển các dịch vụ tài chính số nhằm đem lại tiện ích cho khách hàng và tăng nguồn thu, bù đắp một phần cho sự sụt giảm doanh thu của các dịch vụ viễn thông truyền thống…
Để thực hiện các nhiệm vụ này, theo ông Huỳnh Quang Liêm, Ban Tổng giám đốc Tập đoàn, cán bộ chủ chốt đã thống nhất phải thực hiện các giải pháp đột phá trong năm 2020 và các năm tiếp theo, coi đó là những nhiệm vụ quan trọng để tiến công vào cuộc cách mạng số, đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu.
Theo đó, VNPT tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng nhân sự theo tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn bị đội ngũ nhân sự quản lý trẻ, chuyển đổi văn hóa phù hợp xu thế và vận dụng cơ chế lương, thưởng để thu hút tài năng.
Song song với đó, VNPT thực hiện đột phá đầu tư hạ tầng cho mạng di động, băng rộng cố định, dịch vụ công nghệ thông tin và dịch vụ số; trong đó, triển khai hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin theo định hướng hội tụ, tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng điện toán đám mây, tập trung nguồn lực vào hình thành nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và fintech, đồng thời phát triển hệ sinh thái dịch vụ số VNPT Digital Ecosystem...
Một số sản phẩm, dịch vụ cốt lõi của VNPT trong năm 2019 Bộ sản phẩm Chính phủ điện tử (tại 53 tỉnh, thành phố) Phần mềm VNPT-iOffice (tăng thêm 59% số cơ quan cấp tỉnh) Giải pháp phòng họp không giấy tờ VNPT-eCabinet tại UBND TP.HCM và gần 150 đơn vị. Trung tâm điều hành thông minh IOC tại Đà Lạt, Hà Nam, Kiên Giang và sẽ xúc tiến triển khai tại 20 tỉnh trọng điểm. Giải pháp du lịch thông minh cho gần 50 tỉnh, thành phố. Giải pháp quản lý VNPT-HIS triển khai tại gần 55% cơ sở y tế trên toàn quốc. Dịch vụ hóa đơn điện tử vnEdu triển khai tại gần 60% trường học trên toàn quốc. |
VNPT