Chung khảo Nhân tài Đất Việt: Góp ý loạt sản phẩm ứng dụng thực tiễn
09:02, 13/11/2019Chiều ngày 12/11, Hội đồng chấm thi Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt tiếp tục làm việc với các các nhóm lĩnh vực CNTT Số Triển vọng và lĩnh vực CNTT Kết nối, Di động.
Lĩnh vực CNTT Kết nối, Di động có 3 sản phẩm lọt vào vòng Chung khảo, gồm: sản phẩm VietSearch - Kết nối và Phát triển cộng đồng Việt; Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức (Cổng 1022); Cổng thông tin kết nối khách hàng vay.
Mở đầu buổi bảo vệ sản phẩm, nhóm tác giả sản phẩm VietSearch - Kết nối và Phát triển cộng đồng Việt đã có màn giới thiệu gây chú ý cho cả Hội đồng chấm thi.
Nhóm tác giả VietSearch gồm 8 thành viên nhưng tới bảo vệ trước Hội đồng chỉ có đại diện 4 thành viên, trong đó có 3 thành viên là tiến sĩ đang làm việc tại các nước như Mỹ, Thụy Sĩ…
Thành viên Nguyễn Đình Quý – Tiến sĩ từng tốt nghiệp đại học Nanyang (Sigapore), hiện đang là kỹ sư cấp cao của Mitsubishi Electric Ltd. tại Mỹ, giới thiệu VietSearch là mạng kết nối cộng đồng người Việt trên toàn thế giới, giúp tìm kiếm, gợi ý thông tin về chuyên gia, dịch vụ và sự kiện Việt dựa trên các thông tin đầu vào như tên, lĩnh vực, địa điểm, mô tả dịch vụ, mô tả chuyên môn...
Nhóm tác giả của sản phẩm VietSearch bảo vệ trước Hội đồng giám khảo chiều ngày 12/11.
Hệ thống VietSearch với tính năng cơ bản là tích hợp và hỗ trợ tìm kiếm thông tin cộng đồng Việt toàn cầu được xây dựng tại website https://vietsearch.org với phiên bản dùng cho máy tính (desktop) và ứng dụng trên điện thoại (mobile). Nguồn dữ liệu chỉ tập trung vào cộng đồng người Việt tại các nước khác nhau trên thế giới nhưng rất đa dạng và phong phú với hàng nghìn lĩnh vực dịch vụ và chuyên ngành, giúp hỗ trợ người sử dụng tìm thông tin thiết yếu và nhanh chóng về cộng đồng Việt toàn cầu theo các đề mục.
Mới thành lập từ năm 2017 và từ tháng 4/2019, nhóm tiếp tục hoàn thiện thêm, VietSearch hiện đã có dữ liệu lớn và tiếp tục cập nhật thường xuyên về cộng đồng Việt (hiện hơn 500.000 người, hơn 15.000 công ty và hơn 1.000 sự kiện Việt). Dữ liệu bao gồm nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt và gốc Việt có uy tín trong và ngoài nước như giáo sư và các nhà nghiên cứu, chuyên gia, bác sỹ, luật sư, kỹ sư, cử nhân, sinh viên…; tổ chức, cộng đồng người Việt; doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tư nhân người Việt... VietSearch cung cấp các số liệu thống kê và các kênh thông tin như website, email, số diện thoại liên hệ để hỗ trợ kết nối cộng đồng Việt trong rất nhiều lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục, kinh tế, dịch vụ, du lịch, thiện nghiện....
Về lĩnh vực giáo dục, VietSearch giới thiệu các học bổng du học và cơ hội nghiên cứu tại nước ngoài cho các học sinh, sinh viên Việt Nam. Về lĩnh vực kinh tế, VietSearch quảng bá các doanh nghiệp, start-up và thu hút đầu tư của các quỹ đầu và các tập đoàn Việt. Về lĩnh vực thiện nguyện, VietSearch đăng tải các thông tin thiện nguyện và các hình thức tham gia, ủng hộ, tài trợ từ cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Đánh giá cao sản phẩm VietSearch, Hội đồng giám khảo đã đặt khá nhiều câu hỏi cùng những góp ý cho nhóm hoàn thiện thêm. TS. Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo là người đặt khá nhiều câu hỏi cho nhóm tác giả. Không chỉ vậy, TS. Long đã thử tải app vietsearch để thử tìm kiếm thông tin và yêu cầu nhóm thử test sản phẩm tìm kiếm con người cụ thể. Ngoài ra, các giám khảo cũng đặt câu hỏi về tính tương tác của sản phẩm này như thế nào.
Bảo vệ trước Hội đồng, nhóm tác giả đã thao tác những tính năng ưu việt trên VietSearch. Tuy nhiên, theo một số yêu cầu của các thành viên giám khảo thì nhóm sẽ phải hoàn thiện sản phẩm hơn. Hội đồng giám khảo góp ý, trong thời gian tới nhóm cần có mô hình tổ chức để phát triển sản phẩm, vì sản phẩm cần thời gian, đầu tư công sức.
Bảo vệ sau nhóm sản phẩm VietSearch là nhóm có sản phẩm Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức (Cổng 1022) của Sở Thông tin và Truyền thông Tp.HCM.
Là 1 trong 19 sản phẩm lọt vào Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, Cổng 1022 được giới thiệu là sáng kiến của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh.Đây là kênh tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức.
Cổng 1022 có đến 6 kênh để người dân phản ánh (nhiều nhất trong số các sản phẩm tương tự tại Việt Nam) là Điện thoại, Nhắn tin, Email, Web, Mobile App, và Mạng Xã hội Facebook. Trong đó, kênh di Mobile app đang dần trở thành kênh tiếp nhận quan trọng nhất của Cổng 1022.
Tiếp nhận phản ánh tự động qua mạng xã hội Facebook chính là một trong những điểm sáng tạo của Cổng 1022 (tại thời điểm 2018) so với các sản phẩm tương tự của cơ quan nhà nước.
Nhóm tác giả của sản phẩm Cổng 1022
Tính sáng tạo của Cổng 1022 còn thể hiện ở việc tự động hóa giao tiếp với người dùng qua Facebook Messenger. Khi tiếp nhận phản ánh qua FB Messenger, người dùng chỉ cần nhập đoạn text phản ánh. Hệ thống sẽ tự động phân tích cú pháp xem các thông tin phản ánh đã đầy đủ hay chưa, nếu chưa đầy đủ sẽ yêu cầu nhập thông tin bổ sung cho đầy đủ.
Cổng 1022 đặc biệt còn có sự tích hợp các lớp dữ liệu quản lý hạ tầng đô thị và dữ liệu camera vào hệ thống 1022 phục vụ công tác xử lý sự cố được phản ánh. Đây cũng là điểm độc đáo mà chưa có hệ thống tương tự nào tại các cơ quan nhà nước tại nước ta thực hiện được.
Sau khi nghe nhóm tác giả Cổng 1022 thuyết trình những sáng tạo của sản phẩm, các giám khảo đánh giá cao phần mềm phục vụ người dân, phản ánh những bức xúc trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, với câu hỏi quy chế thưởng phạt như thế nào đối với việc xử lý thông tin từ Cổng 1022?, nhóm tác giả cho biết “hệ thống này chưa hoàn thiện phần quy chế thưởng phạt”.
Giám khảo Hội đồng Chung khảo Nhân tài Đất Việt cho rằng, sản phẩm này cần phải có quy chế thưởng phạt rõ ràng, nếu không thông tin sẽ bị “đùn đẩy” chuyển đi chuyển lại, khó xử lý. Ngoài ra, sản phẩm cần tự động hóa đầu vào.
Bảo vệ cuối cùng trong nhóm lĩnh vực CNTT Kết nối, Di động, nhóm tác giả của sản phẩm Cổng thông tin kết nối khách hàng Vay gồm 7 thành viên cũng đã có buổi thuyết trình khá tốt. Nhóm này đã khá dày dặn kinh nghiệm trong dự thi Nhân tài Đất Việt khi từng 2 lần đoạt giải Nhì, Ba. Ngoài ra, sản phẩm hóa đơn điện tử từng đạt giải Nhì Giải thưởng Nhân tài Đất Việt hiện đang được phát triển khá tốt.
Sản phẩm dự thi lần này là Cổng Thông tin Kết nối Khách hàng Vay được ra đời với mục tiêu trở thành nơi kết nối nhanh nhất và tin cậy nhất giữa các tổ chức tín dụng và người dân.
Xuất phát từ những nhu cầu thực tế, CIC đã kết hợp với Softdreams phát triển Cổng Thông tin Khách hàng Vay theo dạng đầu tư Công – Tư để cung cấp sản phẩm dịch vụ cho thị trường tốt nhất, cập nhật nhất với mọi xu thế phát triển của công nghệ và xã hội.
Nhóm tác giả sản phẩm Cổng thông tin kết nối khách hàng Vay bảo vệ trước Hội đồng giám khảo
Khách hàng vay có thể đăng ký và sử dụng sản phẩm trên môi trường Web sử dụng Mobile cũng như môi trường Mobile App. Mobile hệ thống cho phép người dùng sử dụng trên hai hệ điều hành Android và IOS. Với các hệ điều hành trên Mobile khách hàng có thể sử dụng cho các dòng điện thoại thông minh cũng như máy tính bảng. Người dùng có thể đễ dàng xem các báo cáo tin dụng của bản thân, tìm kiếm các gói tín dụng hoặc nhu cầu mở thẻ phù hợp cũng như đăng ký nhu cầu vay và mở thẻ trên các nền tảng web, Mobile tại website: https://cic.gov.vn
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng có thể đăng ký cho các user, phục vụ quản lý và báo cáo phục vụ riêng cho tổ chức tín dụng. Cán bộ tín dụng có thể dùng trên đồng thời trên Web và Mobile để tìm kiếm các nhu cầu vay phục vụ khách hàng tốt nhất.
Ngay sau thuyết trình của nhóm tác giả, các giám khảo ngay lập tức đề cập đến yếu tố bảo mật thông tin của hệ thống và cần xác nhận rõ quan hệ giữa hai bên (CIC với Softdreams).
Nhóm tác giả đã cho biết khá kỹ thông tin về hợp đồng hợp tác giữa CIC và Softdreams. Giải đáp câu hỏi của một giám khảo “về hoạt động liên quan tới CIC và tín dụng cá nhân, thì hoạt động bảo mật thông tin của hệ thống là rất quan trọng, nhưng vấn đề này rất mờ?”, đại diện nhóm tác giả, anh Vũ Văn Luật cho biết: Về server và các app đầu cuối thì nằm trong hệ thống CIC. Riêng 2 ứng dụng mobile Android và iOS thì buộc phải đưa lên App Store của apple, Google và trước khi đưa lên thì tất cả các ứng dụng này đều phải bảo mật để đảm bảo “source code” không có lỗ hổng…
Kết thúc buổi bảo vệ của 3 nhóm, hội đồng của Ban giám khảo đã có cuộc họp kín để thẩm định và đánh giá những sản phẩm theo từng quan điểm riêng của Ban giám khảo. Kết quả của cuộc thi sẽ được công bố vào đêm trao giải Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 vào ngày 15/11.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, Báo Điện tử Dân trí phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đồng tổ chức thực hiện từ năm 2005 với mục tiêu ban đầu là tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam. Bước sang năm thứ 15, Giải thưởng Nhân tài đất Việt tiếp tục khẳng định được sức sống và vị thế của một giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực CNTT với sự bảo trợ bởi: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Lễ trao giải và tổng kết 15 năm Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được tổ chức tại Hội trường Bộ Quốc phòng, số 7 Nguyễn Tri Phương, Hà Nội. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài THVN vào 20h00 ngày 15/11/2019 và được truyền hình trực tuyến trên Báo Điện tử VnMedia (http://vnmedia.vn), truyền hình trực tiếp trên MyTV kênh 801 và trên MyTV Net. Thông tin chi tiết về Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được đăng tải đầy đủ trên Website chính thức của Giải thưởng www.nhantaidatviet.vnpt.vn; trên Báo Điện tử VnMedia (http://vnmedia.vn) và trên Báo điện tử Dân trí (www.dantri.com.vn). |
NTDV