VNPT mong muốn sớm được phê duyệt Đề án Mobile Money
16:59, 04/10/2019Đề án Mobile Money hiện đã được VNPT-Media gửi Bộ TT&TT, Ngân hàng nhà nước và mong được phê duyệt sớm để hướng đến mục tiêu năm 2020 sẽ có 100.000 điểm bán trên toàn quốc cung cấp dịch vụ này.
Thông tin trên được ông Nguyễn Nam Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính VNPT Fintech, Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media đưa ra tại Hội thảo "Kinh tế số: Phát triển thương mại điện tử thúc đẩy kinh tế số tại Việt Nam"được tổ chức bên lề "Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 - Industry 4.0 Summit 2019" ngày2/10.
Cũng theo ông Thắng, xoay quanh Mobile Money, chúng ta có thể triển khai được rất nhiều việc từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, hành chính công, giáo dục, vận chuyển... "Tác động của Mobile Money là rất lớn như giúp giảm đói nghèo, bình đẳng giới và là động lực tăng trưởng kinh tế", ông Thắng nói. Trên cơ sở đó, VNPT đề xuất mong cơ quan quản lý thông qua chủ trương đề án sớm vì Mobile Money đi vào đời sống sớm ngày nào thì sẽ sớm đem lại lợi ích cho người dân ngày đó. "VNPT cũng mong muốn cùng các công ty thương mại điện tử, giao vận, tài chính...xây dựng hệ sinh thái để khai phá thị trường", ông Thắng khẳng định.
Đối với tiềm năng phát triển thương mại điện tử, Hà Nội và Tp.HCM đang chiếm tới 70% giao dịch, các địa phương khác và vùng sâu vùng xa chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Rào cản của thương mại điện tử đến với thị trường nông thôn đến từ việc thiếu niềm tin vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng, bảo vệ dữ liệu, gian lận thanh toán; thanh toán khó khăn khi Việt Nam vẫn là một xã hội dựa trên tiền mặt; hạ tầng giao vận đến nông thôn chưa phủ rộng.
Giải thích cho lý do này, theo ông Thắng, Mobile Money được cung cấp bởi các nhà mạng lớn ở Việt Nam nên có sự tin tưởng nhất định của người dân. Ngoài ra, Mobile Money tạo ra hệ sinh thái gồm các bên, người mua, người bán, đơn vị giao vận (logistic) và nhà cung cấp dịch vụ nên tạo ra luồng lưu thông về tiền tệ rất tốt, từ đó kiểm soát được chất lượng hàng hoá và giao hàng đúng thời gian."Mô hình các nước cho thấy, các điểm giao dịch của nhà mạng cũng là nơi thu nhận tiền, hàng hoá và có độ phủ lớn", ông Thắng khẳng định.
Về định nghĩa Mobile Money, ông Thắng cho rằng, dịch vụ này bao gồm việc chuyển tiền và thực hiện, nhận thanh toán sử dụng điện thoại di động. Mobile Money phải cung cấp một mạng lưới các điểm giao dịch vật lý (không bao gồm chi nhánh ngân hàng và ATM) giúp mọi người tiếp cận dịch vụ một cách dễ dàng. Mobile Money dành cho phân khúc không sử dụng ngân hàng, ví dụ như những người không tiếp cận với một tài khoản chính thức tại một tổ chức tài chính. "Tiền điện tử trên thuê bao di động hay Mobile Money về bản chất là E-Money hay ví điện tử nhưng không cần liên kết tài khoản ngân hàng", ông Thắng cho biết thêm.
Về thị trường Mobile Money trên thế giới năm 2018, hiện có 272 dự án tại 90 quốc gia, với 866 triệu tài khoản đăng ký mới, tăng 20% kể từ năm 2017. 62 dự án Mobile Money có hơn 1 triệu tài khoản được kích hoạt trong 90 ngày. Số giao dịch qua Mobile Money xử lý hàng ngày lên đến 1,3 tỷ USD.
Trước đó, tại Hội thảo về tiền di động với chủ đề: “Tiền điện tử trên thuê bao di động nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chúng ta đã nói nhiều tới thương mại điện tử, đến khởi nghiệp, đến đổi mới sáng tạo, nhưng lại quên nói đến một trong những nền tảng quan trọng nhất để thúc đẩy chúng là nền tảng thanh toán. Muốn một dịch vụ nào đó phổ biến đến 100% người dân thì đầu tiên là nền tảng thanh toán phải đến được 100% người dân. Không có phương tiện nào có thể thực hiện việc này tốt hơn là di động, là Mobile Money. Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã trên 100% từ nhiều năm nay.
Tại Việt Nam, 99% các giao dịch dưới 100.000 đồng là bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Câu chuyện ở đây là, công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của đất nước, nhưng chúng ta phải thay đổi, dám thay đổi, dám chấp nhận các mô hình mới.
VNPT-Media