Khẩn trương đảm bảo tiến độ khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia
08:41, 20/09/2019Với quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền trong cung cấp dịch vụ công, tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia và giao Tập đoàn VNPT thực hiện. Khi chính thức khai trương vào tháng 11 tới đây, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
VNPT được giao triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia, trên cơ sở kế thừa lại những công việc FPT đã thực hiện trước đó. Do đó, khối lượng công việc đối với VNPT là rất lớn nhưng chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn. Sau khi tiếp nhận từ FPT, VNPT đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát, xem xét lại hiện trạng và thực hiện triển khai các hợp phần. Riêng đối với hợp phần nâng cấp CSDL thủ tục hành chính, ngày 1/8/2019, VNPT mới nhận được bàn giao source code và tài liệu từ FPT và phát triển lên các phân hệ. Theo đó, VNPT đã phát triển hơn 60 nhóm chức năng lớn nhỏ và điều chỉnh theo yêu cầu của VPCP.
Bên cạnh đó, VNPT đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án do TVHĐTV, TGĐ Tập đoàn Phạm Đức Long làm Trưởng ban và xây dựng nhóm dự án do VNPT-IT chủ trì với 120 CBCNV tham gia.
Theo đề án, Cổng Dịch vụ công quốc gia có chức năng cung cấp thông tin, hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; đánh giá sự hài lòng và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và một số chức năng kỹ thuật khác của hệ thống.
Mục tiêu chung của Đề án Cổng Dịch vụ công quốc gia là nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, giấy tờ giấy, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử và cung cấp dịch vụ công không phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính; thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; cải thiện vị trí của Việt Nam về chỉ số dịch vụ công trực tuyến trong chỉ số phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất
Cổng Dịch vụ công quốc gia được thiết lập tại một địa chỉ duy nhất để công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính và cung cấp, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, phù hợp với từng đối tượng; bảo đảm khả năng giám sát, kiểm tra, đánh giá của cá nhân, tổ chức và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện dịch vụ công.
Cung cấp nền tảng xác thực điện tử dùng chung để cá nhân, tổ chức chỉ cần đăng nhập một lần (SSO) khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại các Hệ thống thông tin một cửa, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương. Nền tảng xác thực này đạt mức độ đảm bảo cao theo tiêu chuẩn quốc tế (Mức độ 3, 4) và có thể được áp dụng cho các hệ thống khác như Hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống thông tin tham vấn chính sách và văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống báo cáo quốc gia,…
Tích hợp 500 nghìn tài khoản trong năm 2019
Đề án đặt mục tiêu cụ thể là hoàn thiện thể chế cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; thiết lập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng để thống nhất việc cung cấp thông tin, hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện, giám sát, đánh giá thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị.
Đồng thời, thực hiện tích hợp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, trong đó đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu với người dân, doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương, một số đơn vị cung cấp dịch vụ công và tăng dần mỗi năm 20% cho tới khi tích hợp toàn bộ (100%) các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
Đề án phấn đấu cung cấp, tích hợp 500 nghìn tài khoản trong năm 2019; 1 triệu tài khoản trong năm 2020, đạt tối thiểu 8 triệu tài khoản trong năm 2023; hỗ trợ cá nhân, tổ chức trong quản lý thông tin, hồ sơ giấy tờ theo nguyên tắc thông tin, hồ sơ chỉ cần cung cấp một lần và được tái sử dụng trong các lần thực hiện dịch vụ công trực tuyến tiếp theo.
Giai đoạn sau 2020: Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng số lượng các địa phương tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo nội dung của Đề án lên 20% mỗi năm cho đến 100%. Mở rộng số lượng các tổ chức cung cấp dịch vụ công tham gia cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Theo Văn phòng Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia khi đi vào vận hành sẽ mang lại một số lợi ích thiết thực như: đảm bảo công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tra cứu, tiếp cận, thực hiện TTHC, dịch vụ công; cung cấp, hướng dẫn công khai thông tin TTHC đảm bảo chính xác và thống nhất trên cơ sở tích hợp phát triển, nâng cao Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
VNPT đang gấp rút phối hợp cùng VPCP và các bên liên quan thực hiện các hợp phần Đề án. Trong đó, hợp phần có tính chất nền tảng, quan trọng nhất là CSDL quốc gia về Thủ tục hành chính đã được VNPT tập huấn và tiến hành thực hiện từ cuối tháng 8/2019.
Với sự quyết liệt của VPCP, sự quyết tâm của VNPT, bằng những bước đi cụ thể, Đề án đang dần hiện thực hóa hướng tới mục tiêu triển khai thí điểm vào ngày 26/9/2019 và khai trương chính thức trên toàn quốc vào tháng 11/2019, đúng như lộ trình và mong muốn của Chính phủ.
VNPT