Chiến lược VNPT 4.0 với mục tiêu đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025 đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết về việc phát triển dịch vụ tài chính số, xem Fintech là một trong những trụ cột chính mà VNPT sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển. Chính vì vậy, việc thành lập Trung tâm Dịch vụ Tài chính số VNPT Fintech trên cơ sở Ban Triển khai Dự án thanh toán điện tử, Ban Thanh toán điện tử (VNPT Pay) chính là động thái quan trọng của Tập đoàn trong việc quyết tâm tiến sâu và tạo sự đột phá trong thị trường tài chính số Việt Nam.
VNPT quyết tâm tạo sự đột phá trong thị trường tài chính số
09:36, 05/06/2019Tiềm năng phát triển rất lớn
Trong những năm gần đây, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh. Dự báo giá trị thị trường tài chính tiêu dùng của Việt Nam sẽ đạt 1 triệu tỷ đồng trong năm 2019. Hiện Việt Nam có khoảng hơn 96 triệu dân, độ tuổi trung bình trẻ và tỉ lệ đô thị hóa cao 35%, số lượng người sử dụng Internet ở Việt Nam năm 2018 đạt 64 triệu người dùng, chiếm tới 67% dân số. 130 triệu thuê bao di động, trong đó có tới 51 triệu thuê bao băng rộng di động 3G,4G. Số lượng người sử dụng smartphone để truy cập Internet khá lớn và ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng từ 10-15% cá nhân tiếp cận tài khoản ngân hàng.
Trong khi đó, Chính phủ đặc biệt quan tâm mô hình làm thế nào số hóa nền kinh tế, đưa dịch vụ ngân hàng số đến người dân rộng rãi. Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 20162020 với mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào cuối năm 2020. Hơn nữa, sắp tới khi các nhà mạng chính thức triển khai dịch vụ Mobile Money thì cơ hội sẽ còn lớn hơn rất nhiều, bởi hiện nay có đến 99% các giao dịch giá trị dưới 100.000 đồng được người dân thanh toán bằng tiền mặt. Đây cũng là các giao dịch phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Các số liệu trên cho thấy tiềm năng phát triển dịch vụ tài chính số tại Việt Nam là rất lớn.
Những bước chuẩn bị của VNPT
Chiến lược VNPT4.0 đặt mục tiêu đưa VNPT trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm giao dịch số Digital Hub tại Châu Á vào năm 2030. Trong Chiến lược này, Tổng công ty Truyền thông VNPT- Media có một vai trò đặc biệt quan trọng, trở thành một trong những đơn vị nòng cốt, chuyên trách cung cấp các dịch vụ số của Tập đoàn. Bám sát định hướng phát triển, Tổng Công ty Truyền thông VNPT-Media đã không ngừng triển khai mạnh các mũi nhọn chiến lược liên quan đến nhóm các dịch vụ số, nhóm dịch vụ Truyền hình MyTV và đặc biệt là các dịch vụ Fintech…
Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Tập đoàn VNPT về việc đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ thanh toán trung gian, giai đoạn 2018-2020, Tổng công ty VNPT-Media đã tập trung triển khai Cổng thanh toán VNPT Pay và đã bước đầu khẳng định được vị thế trên thị trường. Hiện nay, VNPT Pay đã kết nối trực tiếp với 13 ngân hàng, trong đó có 4 ngân hàng lớn như Vietcombank, Viettinbank, BIDV, Agribank có mạng lưới phòng giao dịch rộng khắp các tỉnh thành phố và 9 ngân hàng có mạng lưới lớn tại các thành phố lớn và khu công nghiệp như: SeaBank, HD Bank, TP Bank, Techcombank, Sacombank, MB Bank, VietBank, MSB, SCB.
Các hình thức thanh toán cũng được đa dạng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu của người sử dụng. Khách hàng sử dụng VNPT Pay có thể thanh toán qua kênh thanh toán Thẻ Quốc tế, thanh toán sử dụng công nghệ Tokennization cho phép khách hàng khi thanh toán có thể lưu thông tin thanh toán và không cần phải nhập lại khi thanh toán lần hai, thanh toán cước VNPT qua tài khoản ví VNPT Pay, thanh toán tự động định kỳ qua dịch vụ AutoPay, thanh toán qua hình thức scan QR code. Nâng cao trải nghiệm khách hàng, mở rộng các tính năng, tiện ích và kênh thanh toán, VNPT Pay tập trung mở rộng các tính năng phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng như đặt và thanh toán vé máy bay, vé xe, vé xem phim, đặt phòng khách sạn, phí tài chính bảo hiểm, thanh toán cước truyền hình, tiền điện, tiền nước,… Ngoài ra, hệ thống hạ tầng thanh toán VNPT cho phép các đối tác trung gian thanh toán ký kết hợp đồng triển khai thu hộ cước VNPT có thể truy xuất và gạch nợ cước qua kết nối với VNPT Pay. Đây là tiền đề cho việc đẩy mạnh, phát triển kênh thu hộ cước VNPT với các đối tác trung gian thanh toán và các ngân hàng.
Quyết tâm tiến sâu hơn vào thị trường Tài chính số
Để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, Tổng công ty VNPT-Media đã có quyết định thành lập Trung tâm Dịch vụ Tài chính số VNPT Fintech.
Ngành nghề kinh doanh của Trung tâm là: Kinh doanh các dịch vụ Trung gian thanh toán; Kinh doanh các dịch vụ tư vấn, xây dựng giải pháp Trung gian thanh toán, dịch vụ công nghệ bảo hiểm phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, Chính phủ; Kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới dịch vụ công nghệ bảo hiểm, dịch vụ tài chính số khác… theo định hướng chiến lược của Tổng công ty, Tập đoàn.
Như vậy cùng với việc đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ số, việc chính thức ra mắt Trung tâm VNPT Fintech thêm một nữa khẳng định hướng phát triển nhằm tiến sâu vào thị trường Tài chính số Việt Nam và quyết tâm của Tập đoàn trong việc thực hiện Chiến lược VNPT4.0.