VNPT đóng góp lớn nhất vào kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam

15:18, 15/11/2018
Tại buổi làm việc với VNPT ngày 14/11/2018, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 đánh giá cao Tập đoàn VNPT là đơn vị tiên phong của Việt Nam trong công tác chuyển đổi IPv6 cho mạng di động 4G LTE.
 
Ngày 14/11 vừa qua, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia do Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) Trần Minh Tân, Phó Trưởng ban thường trực Ban công tác làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn VNPT.
 
Tại buổi làm việc, thông tin về kết quả triển khai IPv6 năm 2018 và kế hoạch triển khai IPv6 năm 2019 trên mạng lưới VNPT, đại diện Ban Công nghệ mạng của VNPT cho biết, về cung cấp dịch vụ cho khách hàng băng rộng cố định, đến nay nhiều nội dung công việc phục vụ triển khai IPv6 đã được VNPT hoàn thành, đơn cử như: hoàn thành triển khai dual stack (cách thức thực thi đồng thời 2 giao thức IPv4 và IPv6 - PV) trên các kết nối quốc tế và các kết nối trong nước; hoàn thành cấu hình truyền tải dual stack trên mạng backbone; hoàn thành cấu hình Google, Facebook Cache hỗ trợ IPv6…
 
 
Từ cuối năm 2016 đến nay, VNPT đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho thuê bao FTTH, trong số thuê bao online vào giờ cao điểm sử dụng IPv6 là hơn 2,7 triệu thuê bao. VNPT cũng đã sẵn sàng hạ tầng cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng thuê kênh Internet và IP transit trên toàn quốc. Tổng số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng IPv6 đạt khoảng 85 khách hàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn như Hanel, SCTV, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Cục tin học Ngân hàng Nhà nước, Cục Bưu điện Trung ương…
 
Về triển khai IPv6 cho dịch vụ 4G LTE, từ cuối năm 2016 đến nay VNPT đã thực hiện cấu hình kích hoạt IPv6 trên các phần tử mạng 4G LTE, chính thức cung cấp IPv6 cho thuê bao 4G. Đến tháng 10/2018, có khoảng 470.000 thuê bao di động 4G VinaPhone thường xuyên sử dụng IPv6. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng IDC của VNPT đã hoàn toàn hỗ trợ triển khai IPv6. Đến nay VNPT đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 20 khách hàng doanh nghiệp.
 
Hiện nay, lưu lượng IPv6 trao đổi ra quốc tế của VNPT đạt khoảng 456 Gbps. Tỷ lệ lưu lượng IPv6 so với IPv4 khoảng 35%. Tổng dung lượng các kênh kết nối quốc tế kích hoạt IPv6 đạt khoảng 2.775 Gbps.
 
Về kết nối IPv6 giữa VNPT với các doanh nghiệp trong nước, VNPT đã hoàn thành triển khai IPv6 trên kết nối peering với VNIX, FPT và Viettel từ tháng 8/2016. Tổng dung lượng IPv6 trong nước đạt 2.412 Gbps, bao gồm lưu lượng IPv6 peering và lưu lượng IPv6 của các hệ thống CDN. VNPT đã có gần 50 trang web cung cấp dịch vụ của VNPT sẵn sàng IPv6 như vnptdata.vn, vnpt-ca.vn, his.vnptsoftware.vn… VNPT cũng đã xây dựng nhiều phần mềm hỗ trợ IPv6.
 
Trong năm 2019, VNPT tiếp tục mở rộng triển khai IPv6 cho khách hàng FTTH, phấn đấu đạt 4 triệu thuê bao IPv6 đến hết năm 2019; thử nghiệm mô hình IPv6 only trên mạng băng rộng cố định và mạng di động; Lập kế hoạch triển khai IPv6 only trên phạm vi rộng dựa trên kết quả thử nghiệm…
 
Tại buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Tô Mạnh Cường cho biết, toàn bộ hạ tầng mạng IP, kết nối trong nước, kết nối CDN (Google cache, Facebook cache…) đã sẵn sàng phục vụ lưu lượng IPv6. Tất cả các kết nối 10GE, 100 GE Internet trong nước, quốc tế và tất cả các hệ thống CDN đã được kích hoạt IPv6. Việc chuyển đổi IPv6 là theo xu hướng chung của thế giới và VNPT cũng đã có kế hoạch triển khai từ đầu, tăng sức ép cho các đơn vị liên quan trong triển khai IPv6. Tập đoàn cũng mong muốn ngoài phần hạ tầng, cơ quan quản lý khi cấp phép trang tin điện tử cũng nên đề nghị các đơn vị xin phép phải đăng ký áp dụng IPv6.
 
Đánh giá những kết quả triển khai IPv6 của VNPT trong thời gian qua, Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân cho biết, sự tích cực mở rộng phạm vi dịch vụ FTTH của VNPT đã đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng IPv6 Việt Nam trong năm nay.
 
Ông Tân cũng cho biết, trong năm 2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tiếp tục có bước tăng trưởng tốt. Trong 10 tháng đầu năm, tỉ lệ IPv6 Việt Nam đã tăng trưởng từ 10% lên 21% (theo số liệu của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương - APNIC), giúp Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 7 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan và Canada) và đã vượt qua Australia và New Zealand để lên vị trí thứ 20 trên toàn thế giới (theo công bố của APNIC), với hơn 11.000.000 người sử dụng IPv6 (số liệu thống kê của Cisco). “Kết quả ứng dụng hiện nay đã vượt mục tiêu của Ban Công tác trong buổi họp tổng kết công tác năm 2017 và định hướng công tác năm 2018 là tỉ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam đạt 20% vào cuối năm 2018”, đại diện VNNIC nêu.
 
Đáng chú ý, đại diện lãnh đạo VNNIC cũng chỉ rõ, Tập đoàn VNPT là doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào kết quả triển khai IPv6 của Việt Nam, với tỷ lệ gần 63%. Trong khi đó, tỷ lệ đóng góp của 2 đơn vị khác cũng đang tích cực triển khai chuyển đổi IPv4/IPv6 là FPT Telecom và Viettel lần lượt à 26,1% và gần 11%.
 
Đại diện lãnh đạo VNNIC đề nghị VNPT trong thời gian tới tiếp tục mở rộng hơn nữa phạm vi triển khai cung cấp IPv6 cho khách hàng băng rộng cố định tại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.
 
Nhấn mạnh VNPT/VinaPhone là đơn vị tiên phong của Việt Nam trong chuyển đổi IPv6 cho mạng di động 4G LTE, đại diện VNNIC khuyến nghị VNPT tới đây tiếp tục cùng các nhà mạng khác mở rộng phạm vi chuyển đổi IPv6 cho các thuê bao di động; đồng thời tăng cường truyền thông và hướng dẫn người dùng kích hoạt IPv6 trong thuê bao di động 4G LTE.
 
VNPT