Không khí " nóng" tại vòng chấm Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018
09:46, 19/11/2018Với 45 phút trình bày về sản phẩm và trả lời các câu hỏi phản biện của hội đồng BGK do Tiến sỹ Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội tin học Việt Nam làm Trưởng ban. Các thí sinh, nhóm thí sinh của 3 hội động chấm: sản phẩm Số triển vọng; CNTT Khởi nghiệp và CNTT Kết nối, Di động tham dự vòng Chung khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018 đã rất hồi hộp và không kém phần căng thẳng khi đối diện trước những thành viên BGK là những chuyên gia đầu ngành về CNTT hiện nay.
Nhóm đầu tiên bảo vệ ở Hội đồng Sản phẩm CNTT khởi khiệp là nhóm tác giả của Công ty Cổ phần CYFEER với sản phẩm Hệ sinh thái chung cư thông minh CYHome. Đại diện nhóm tác giả này cho biết, ý tưởng của sản phẩm đến từ thực tế phát triển của những tòa chung cư hiện nay. Đây là một thị trường phát triển nhanh, có khả năng sinh lời, có những thay đổi lớn so với trước đây. Theo thống kê, trong hai năm tới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 1 triệu căn hộ chung cư mới. Tuy nhiên, cách quản lý cũ không thể đáp ứng được mô hình phát triển chung cư mới. Rất nhiều mâu thuẫn xung đột xảy ra giữa Chủ đầu tư và cư dân trong thời gian vừa qua như: vấn đề bảo dưỡng, bảo trì, tài chính… Hiện nay, không có tiêu chuẩn chung trong việc quản lý chung cư dẫn đến những bất cập, khó khăn trong việc quản lý tại các tòa nhà.
Nhóm tác giả cho biết, CYHOME là sản phẩm có thể giải quyết được những vấn đề bất cập trên. Trong đó, sản phẩm giúp quản lý tập trung, theo dõi thông tin, hiển thị dưới dạng dữ liệu đồ thị, số liệu thông minh… để Ban quản lý dễ theo dõi, xử lý. Đặc biệt, sản phẩm sẽ giúp quản lý toàn diện, có thể kết nối cư dân, hình thành cộng đồng cư dân. “CYHOME là sản phẩm giúp Ban quản lý quản lý tập trung và toàn diện. Ví dụ: khi hệ thống báo cháy có vấn đề, không đảm bảo thì các số liệu cũng sẽ hiển thị trên hệ thống. Ngoài ra, CYHOME còn giúp kết nối cư dân giống như một mạng xã hội, các cư dân có thể trao đổi các vấn đề của tòa nhà trên hệ thống hay có thể tìm giúp việc… Nghĩa là CYHOME là một sản phẩm ứng dụng CNTT giúp việc quản lý tòa nhà được hiệu quả, tiện lợi nhất”, nhóm tác giả trình bày.
Đánh giá về sản phẩm, Hội đồng BGK cho rằng trong phần trình bày, nhóm tác giả chưa nêu bật được 2 yếu tố quan trọng của một sản phẩm khởi nghiệp đó là: công nghệ và mô hình kinh doanh có gì mới, đặc biệt, có thể thành công hay không?. “Ở đây chúng tôi chưa rõ sản phẩm của bạn có gì mới. Về mô hình kinh doanh tôi cảm thấy các bạn hơi ôm đồm vì vừa là giải pháp quản lý chung cư nhưng lại kết hợp thêm cả mạng cả xã hội kết nối cư dân. Điều này sẽ tạo ra xung đột, ôm đồm nếu các bạn không xác định rõ mục tiêu của mình”, thành viên BGK nêu quan điểm.
Trong khi đó, các thành viên BGK khác cũng cho rằng, sản phẩm nên tích hợp luôn vào hệ thống của chung cư, còn nếu các tòa nhà chưa có hệ thống riêng thì sẽ cung cấp hệ thống đơn giản để quản lý. Ngoài ra, việc kỳ vọng CYHOME sẽ thay thế các mạng xã hội mà cư dân hiện nay đang sử dụng cũng chưa thực tế. Hội đồng giám khảo đưa ra lời khuyên, nhóm tác giả cần có sự nghiên cứu để khắc phục được điều này.
Đại diện cho nhóm tác giả tham gia bảo vệ, trưởng nhóm Bùi Quốc Bảo cho biết, giải pháp hành chính công VNPOST-PA là sản phẩm mang tính thực tiễn, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính, lấy Người dân và Doanh nghiệp là trung tâm để phục vụ theo xu hướng xây dựng Chính phủ kiến tạo. Mục tiêu ra đời của sản phẩm là nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện kết nối mạng thông tin phục vụ việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Sản phẩm này hướng tới việc tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và xã hội, giảm thiểu số lượt người dân tham gia giao thông, tránh gây ùn tắc giao thông.
Đối với cơ quan hành chính thì giảm chi phí hoạt động, tinh giản được biên chế, hạn chế phiền hà cho người dân, giảm bớt áp lực với các bộ phận nhận và trả kết quả, tạo điều kiện để cán bộ tập trung chuyên môn, nâng cao hiệu quả, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, giúp lành mạnh hóa các thủ tục hành chính.
Còn đối với Bưu điện Việt Nam thì thực hiện được nhiệm vụ về tham gia cải cách hành chính, khai thác tối đa và phát huy được hiệu quả mạng Bưu chính công ích do Nhà nước đầu tư.
Lắng nghe khá chăm chú với sản phẩm này, các thành viên giám khảo ngày lập tức đề nghị làm rõ tính pháp lý của sản phẩm cũng như đánh giá dữ liệu thu thập có được gọi là Bigdata hay không? Giải pháp có ảnh hướng tới dịch vụ hành chính công của Nhà nước hay không?...
Giải đáp vấn đề này, anh Bùi Quốc Bảo cho hay: Tính pháp lý thì đã được Chính phủ cho phép, còn dữ liệu ở đây chưa được gọi là Bigdata nhưng có thể gọi là dữ liệu lớn. Giải pháp được tích hợp với dịch vụ hành chính công nên không ảnh hưởng gì. Người dân có sự lựa chọn, nếu sử dụng hành chính công thì nhiệm vụ của sản phẩm này lúc này là trả kết quả qua đường bưu điện. Còn nếu người dân chọn bưu cục để làm thủ tục thì sẽ tiến hành khâu tiếp nhận, vận chuyển, giải quyết thủ tục và trả kết quả.
PGS.TS Lê Sỹ Vinh – Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin, ĐHQGHN, thành viên Hội đồng giám khảo thẳng thắn đánh giá: Cá nhân tối đánh giá cao giải pháp này, nếu mọi người dân biết đến thì sẽ giải quyết nhanh được thủ tục hành chính, đặc biệt là những người ở vùng khó khăn, vùng núi… Tuy nhiên vấn đề lớn ở đây: Nếu người dân muốn giải quyết thủ tục hành chính thì bắt buộc phải gửi hồ sơ gốc, vậy ai đảm bảo thông tin cá nhân của khách hàng cũng như đảm bảo không bị mất hay thất lạc hồ sơ gốc này? Nhân viên các bưu cục có đủ cơ sở pháp lý để kiểm tra hồ sơ, đảm bảo hồ sơ không bị thiếu theo quy định hay không?
“Đây là một dịch vụ không bắt buộc nên khách hàng có quyền lựa chọn. Còn về nhân viên thì cũng chỉ tiếp nhận hồ sơ và chuyển đến cơ quan hành chính, nếu hồ sơ thiếu giấy tờ thì lập tức có phản hồi qua hệ thống để người dân bổ sung ngày”, trưởng nhóm Bùi Quốc Bảo cho hay.
Trao đổi với phóng viên sau màn “hỏi đáp” đầy căng thẳng với Hội đồng Ban giám khảo, trưởng nhóm Bùi Quốc Bảo chia sẻ: “Cá nhân mình không đặt nặng vấn đề có đạt giải hay không mà điều quan trọng nhất là thông qua Giải thưởng Nhân tài Đất Việt thì sản phẩm sẽ được nhiều người dân biết đến hơn dịch vụ hành chính công. Nếu dịch vụ hành chính công mà không có người dân tương tác thì chỉ có một chiều thì không thể có hiệu quả”.
Thí sinh trình bày câu chuyện về thực trạng nông nghiệp hiện nay, khi người làm trang trại (farm) sẽ gặp nhiều vấn đề trong khâu quản lý nông nghiệp thô sơ, như không kịp tham khảo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, hoặc không kịp thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, bệnh dịch cây trồng.
Nhằm giải quyết bài toán này, nhóm đã đưa ra giải pháp quản lý thông minh nhằm tự động hoá quy trình sản xuất. Qua đó, dữ liệu nông nghiệp sẽ được thống kê đầy đủ qua biểu đồ, phân tích số liệu chi tiết, rõ ràng, giúp cho quá trình khi chuyển thông tin sang các chuyên gia, và các chuyên gia có thể từ hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, hệ thống cũng cho phép cảnh báo sớm dịch bệnh, nguồn nước, môi trường.
Nhóm cho biết chiến lược thời gian tới sẽ chiếm 60% thị phần Nông nghiệp thông minh tại Việt Nam, đồng thời mở rộng ra thị trường Đông Nam Á.
Đánh giá về sản phẩm, đại diện của Hội đồng Giám khảo thắc mắc rằng hiện giải pháp của nhóm hiện chỉ tập trung vào trình diễn số liệu, tự động, thì yếu tố “thông minh” thể hiện ở đâu, vì “thông minh là phải tự đưa ra đánh giá, điều chỉnh theo từng trường hợp dựa trên AI”. Các giám khảo cũng thắc mắc không biết nếu một giải pháp sau khi được triển khai trên một loại cây trồng thì liệu có thể nhận biết và tự nhận biết trên các loại giống cây tương tự hay không.
Hội đồng liên tục đưa ra những câu hỏi khó liên quan tới bảo mật, đó là khả năng bảo vệ an toàn thông tin, bảo vệ hệ thống, chống tấn công như thế nào, nếu đối thủ tấn công thì bảo vệ ra sao. Rõ ràng, việc chống bị lợi dụng thiết bị IoT để sử dụng vào mục đích xấu đang là một vấn đề rất được quan tâm trong cộng đồng hiện nay. Nếu như không có biện pháp đủ tốt, các thiết bị này có thể “quay trở lại” và chống lại chính chủ nhân hoặc phát tán thông tin ngoài mong muốn.
Bên cạnh đó, yếu tố về bản quyền, quyền sử dụng dữ liệu,... cũng được các giảm khảo đặc biệt quan tâm. TS. Vũ Tất Thắng, đại diện cho BGK đặt câu hỏi: “Dữ liệu các bạn lấy từ đâu ra, có được quyền sử dụng nó hay không. Nếu sở hữu mà không được phép hoặc bán dữ liệu cho các bên doanh nghiệp là 1 vấn đề”.
Một sản phẩm khác về nông nghiệp cũng nằm trong nhóm Khởi nghiệp có buổi bảo vệ sáng nay đó là Giải pháp Nông nghiệp Công nghệ cao Tinh gọn, chuyên nông Mr.Farm Mini của tác giả Phạm Cao Kỳ, tới từ Công ty TNHH Công nghệ MRVINA.
Đây được đánh giá là một trong những giải pháp nông nghiệp hưởng ứng CMCN 4.0 tiêu biểu bằng cách xây dựng hệ thống IoT, đồng thời sẽ triển khai các giá trị về AI trong tương lai.
Trong phần trình bày, nhóm tác giả dẫn chứng về những vụ việc đáng chú ý trong năm vừa qua như “Giải cứu dưa hấu tại Quảng Nam” với giá chỉ 2 ngàn đồng/ký, mà chất lượng lượng chỉ bằng 3,4 phần so với siêu thị bán ra, hay vụ “Hồ tiêu Gia Lai chết hàng loạt”. Điểm chung của những vấn đề này là do quy trình trồng và chăm sóc của người dân gặp vấn đề, dẫn đến không đảm bảo chất lượng đầu ra.
Theo đó, nhóm thí sinh đã đưa ra giải pháp mô hình Mr.Farm với mục tiêu giải quyết các vấn đề nêu trên. Do dành cho người nông dân, nên đặc điểm của giải pháp này là tinh gọn, “cắm là chạy”, tự động hoá hoàn toàn. Từ đó chuẩn hoá quy trình chăm sóc, dinh dưỡng.
Đặt câu hỏi cho nhóm thí sinh, Hội đồng Giám khảo đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý nông nghiệp, đồng thời tự động hoá tất cả quy trình cho người dân, nhưng đặt câu hỏi về định hướng kinh doanh của nhóm vẫn còn khá lẫn lộn, không biết là chỉ cung cấp giải pháp phần mềm hay sẽ triển khai cả cung cấp phần cứng, thiết bị.
Bên cạnh đó, yếu tố cạnh tranh về mô hình kinh doanh của nhóm cũng được BGK tranh luận gay gắt. Lý do là vì việc xây dựng một hệ thống thiết bị quản lý nông nghiệp có giá chỉ 17 triệu đồng như Mr.Farm thì rõ ràng đã có lợi thế với những doanh nghiệp cung cấp thiết bị hàng trăm triệu đồng, nhưng nếu nhóm định hướng về phát triển giải pháp, nền tảng như hiện nay thì sẽ gặp rất nhiều sự cạnh tranh từ các đối thủ tương tự trên thị trường.
Là nhóm thứ 3 trình bày tại phòng chấm sản phẩm CNTT số triển vọng, nhóm tác giả đến từ công ty Cổ phần Dịch vụ và Giải pháp Xử lý Dữ liệu Vbee gây chú ý với sản phẩm Giải pháp ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuyển đổi văn bản tiếng Việt sang giọng nói tự nhiên Vbee. Đây cũng là nhóm có lượng thành viên vào phòng Hội đồng bảo vệ đông đảo nhất.
Theo nhóm tác giả, Vbee là sản phẩm mang lại một giải pháp mới và tối ưu trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo chuyển đổi văn bản tiếng Việt thành giọng nói tự nhiên, giúp cho cộng đồng có thể tiếp cận được tri thức nhân loại một cách nhanh nhất, dễ nhất, rẻ nhất. Text to Speech trên AI dễ dàng tích hợp với bất kỳ hệ thống nào để xây dựng tổng đài chăm sóc khách hàng tự động, ứng dụng đọc tin tức, tương tác hội thoại với robots, và nhiều ứng dụng khác.
Đặc biệt, VBee có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, như phát triển các kho sách nói, ứng dụng báo nói, các dịch vụ bằng tiếng nói trên điện thoại thông minh... Giải pháp cũng có thể là công cụ thuyết minh phim tự động, cho phép chuyển đổi các phụ đề thành giọng thuyết minh khớp với các khung hình trong phim một cách hoàn toàn tự động và nhanh chóng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền bạc, đặc biệt với số lượng lớn phim cần thuyết minh. Bên cạnh đó, giải pháp của VBee trong việc giúp cộng đồng người khuyết tật tiếp cận được với thông tin như người bình thường.
Hội đồng BKG cho rằng, ý tưởng của VBee không mới nhưng điểm “cộng” của nhóm chính là đã đưa ra được một giải pháp tổng thể, ứng dụng thành một sản phẩm đầu cuối. Các thành viên BGK cũng yêu cầu nhóm trình bày rõ hơn về giải pháp công nghệ khi chuyển đổi tên riêng, số và đặc biệt là cách phát âm tên nước ngoài, sử dụng câu viết tắt trong các trường hợp ngữ cảnh khác nhau.
Trả lời những câu hỏi này, VBee khẳng định, tất cả các vấn đề mà Hội đồng BGK đưa ra cũng là những vấn đề mà nhóm gặp phải. Để giải quyết, nhóm đã sử dụng rất nhiều phương pháp, nghiên cứu rất kỹ về âm vị học tiếng Việt để có đầu ra tốt, chất lượng cao. “Về việc phát âm ngôn ngữ nước ngoài, nhóm nghiên cứu cách đọc của người Việt phiên âm để làm dữ liệu học. Chúng tôi Việt hóa các từ, tên riêng chứ không đọc theo phiên âm nước ngoài vì rất khó nghe”, nhóm thông tin.
Riêng về việc đọc phát âm chính xác các từ viết tắt, nhóm phải dựa vào ngữ cảnh, phía trước, phía sau, quét dữ liệu trên báo chí, sách vở, văn bản. Từ đó, lọc ra những trường hợp để xây dựng dữ liệu.
Trong tương lai, nhóm tác giả sản phẩm cho biết, sẽ nghiên cứu và phát triển giải pháp đang tiếp tục hoàn thiện lõi tổng hợp tiếng nói của Vbee theo các hướng hoàn thiện phần chuẩn hoá cách đọc cho các trường hợp nhập nhằng, sử dụng các giải pháp học máy, học sâu trên nền tảng trí tuệ nhân tạo; đa dạng hoá hơn nữa các giọng cho các lứa tuổi, vùng miền trên toàn quốc. Tiếp tục cải tiến chất lượng giọng đọc sao cho tự nhiên hơn, gần gũi hơn với tiếng nói tự nhiên của con người, sử dụng các kỹ thuật, phương pháp mới nhất trong lĩnh vực nghiên cứu trên nền tảng trí tuệ nhân tạo…
Theo như chia sẻ, trò chơi Magicbook cũng sẽ ứng dụng các công nghệ 4.0 như Deep learning, AI để thống kê, theo dõi hành vi, lưu lượng sử dụng của người dùng (trong trường hợp này là đứa trẻ), từ đó đánh giá trải nghiệm, mức độ hiệu quả,... để các phụ huynh có thể theo dõi dễ dàng. Một phần dữ liệu đó sẽ được gửi về cho công ty để phân tích, nâng cấp, cải thiện nội dung phù hợp.
Ban Giám khảo đã có những câu hỏi thắc mắc rằng liệu mô hình sản phẩm đồ chơi như vậy thì có thu hút được trẻ trong thời gian dài hay không. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng kinh doanh của sản phẩm. Cũng theo ban giám khảo, do đây là nhóm Khởi nghiệp nên yếu tố kinh doanh và lợi nhuận là điểm vô cùng quan trọng.
“Đối với khởi nghiệp thì mô hình kinh doanh là đặc biệt quan trọng”, BGK Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam, cho biết. “Nhiều khi ngay cả lúc bạn không có điểm nổi bật về công nghệ, nhưng có mô hình kinh doanh tốt, thì vẫn có thể thành công. Ngược lại nếu có công nghệ rất tốt nhưng kinh doanh dở tệ thì cũng không đi đến đâu”.
Vấn đề về bản quyền cũng là một trong những yếu tố được BGK đề cập trong phần hỏi đáp. Do ý tưởng đồ chơi thông minh của nhóm tác giả về cơ bản không phải là một ý tưởng mới, điển hình như trên thế giới đã có thương hiệu OSMO tới từ Mỹ có mô hình và kiểu dáng sản phẩm khá tương tự.
Theo phần thuyết trình của nhóm tác giả, mỗi tháng Stringee có hàng triệu phút gọi được thực hiện trên hệ thống. Sản phẩm của startup này cũng cũng được tin dùng bởi các công ty, tập đoàn lớn như: Viettel, Mobifone, VOV, VNDirect, NextTech… Hiện doanh thu của nhóm ghi nhận tăng trưởng 20% mỗi tháng. Trong đó dự kiến năm tới sẽ tăng 2 lần, và năm 2019 tiếp tục tăng từ 2-3 lần.
Trước sản phẩm đã có thống kê và báo cáo doanh số chi tiết, đồng thời đã có sự khẳng định từ hợp tác với các tập đoàn lớn, BGK đặt nhiều hỏi về lợi thế về mặt công nghệ so với các đối thủ cạnh tranh khác, điển hình như các nhà mạng lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó với tham vọng của nhóm là muốn chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và mở rộng sang khu vực Đông Nam Á trước khi các “ông lớn” kịp quan tâm và mở rộng dịch vụ, BGK đã thắc mắc về việc liệu sản phẩm có đủ dữ liệu bản địa, đến từ từng khu vực, thị trường riêng biệt để có thể tạo ra sự cạnh tranh. Thí dụ như tại thị trường Singapore hay Malaysia thì sự cạnh tranh sẽ rất khốc liệt.
Sau phần trình bày của nhóm tác giả, Hội đồng BGK cho rằng hiện nay trên thị trường có khá nhiều sản phẩm cung cấp giải pháp thanh toán không tiền mặt. Là sản phẩm đi sau, BGK đặt câu hỏi, liệu nhóm tác giả sẽ có giải pháp công nghệ gì mới, khác biệt để có thể cạnh tranh trên thị trường hiện nay? Bên cạnh đó, với tham vọng lọt top 3 sản phẩm trên thị trường theo các thành viên BGK là tham vọng khi nhóm chưa thể đưa ra được các kế hoạch kinh doanh, ưu việt hơn hẳn của sản phẩm.
Về mã hoá, các BGK cũng thắc mắc về mức độ an toàn, cũng như độ tiện lợi mà nó mang lại. Trả lời cho câu hỏi này, nhóm tác giả chia sẻ hệ thống cloud của họ sử dụng phương pháp mã hoá ADS2056 bit, vốn được nhiều tổ chức lớn trên thế giới sử dụng. Ngoài ra thay vì phải cài đặt phần mềm của hãng, người dùng chỉ cần xác thực tài khoản thông qua email là có thể mã hoá và giải mã tệp tin.
Trong phần hỏi đáp diễn ra khá sôi nổi, BGK không quên đặt câu hỏi về hình thức kinh doanh mà nhóm tác giả đưa ra. Đây là phần không thể thiếu, đặc biệt là trong nhóm giải Khởi nghiệp. Đại diện của nhóm thí sinh cho biết hiện đang phân phối tới 3 gói Cloud dành cho những đối tượng khác nhau, trong đó mức giá được xem là rất cạnh tranh với chỉ bằng 50% so với các dịch vụ nước ngoài, và trả theo tháng.
Cụ thể, trong ứng dụng có 2 phần chẩn đoán đó là phần chẩn đoán miễn phí dựa vào các triệu chứng biểu hiện của vật nuôi, nhằm cung cấp các thông tin tham khảo cho người chăn nuôi. Phần thứ hai là chẩn đoán có tính phí, ở phần này người chăn nuôi có thể gửi trực tiếp các hồ sơ ca bệnh lên cho các Bác sĩ thú y và chuyên gia. Hiện nay, FVIET có khoảng 50 bác sỹ liên kết hợp tác, khi một ca bệnh được gửi lên, đội ngũ bác sỹ này sẽ đưa ra các chẩn đoán và phương pháp điều trị. Người kiểm duyệt sẽ lựa chọn kết quả tối ưu nhất trong số này để gửi lại khách hàng.
Dù đánh giá cao ý tưởng của nhóm tác giả đến từ công ty Công ty TNHH FVET Việt Nam nhưng các thành viên Hội đồng BGK cho rằng, ứng dụng mới đơn thuần là hệ thống truyền tải, tạo ra môi trường để giao tiếp giữa người chăn nuôi và bác sỹ thú y mà chưa có nền tảng công nghệ hỗ trợ bên dưới. Bên cạnh đó, việc tập hợp cùng lúc 50 bác sỹ để chẩn đoán một ca bệnh là chưa hợp lý, chưa hiệu quả và mất thời gian. Nhóm tác giả đưa ra tiềm năng là 10 triệu khách hàng, với đội ngũ bác sỹ 20 nghìn người nhưng hiện nay mới chỉ có 2500 người sử dụng phần mềm theo BGK là một con số khiêm tốn.
“Hiện nay, tôi mới thấy các bạn chủ yếu điều phối bằng tay, theo cách thủ công. Chúng tôi muốn nhìn thấy yếu tố xử lý công nghệ tốt. Nếu các bạn có một hệ thống dữ liệu bệnh, dữ liệu bác sỹ thì việc điều phối, xử lý từng ca bệnh sẽ phù hợp hơn thay vì cách làm thủ công như hiện tại”, một thành viên BGK đặt vấn đề.
Thuyết trình trước Hội đồng tác giả, thầy Đào Kiến Quốc cho hay, mặc dù được sử dụng cho nhiều công ty nhưng người dân đi xe chỉ cần cài đặt một phần mềm (theo cách gọi của dân công nghệ là app) duy nhất. EMDDI có khả năng phân biệt chính xác địa giới hành chính. Ở địa phương nào EMDDI sẽ tự động kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ vận tải ở đó. Trong trường hợp ở tại một địa phương có nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải, EMDDI cho phép khách được tự chọn hoặc để EMDDI tự động chọn xe phù hợp nhất cho khách.
Với việc dùng một app duy nhất cho tất cả các đơn vị vận tải hành khách trên phạm vi cả nước, EMDDI giúp người dân cảm thấy dễ dàng trong việc gọi xe, không cần phải biết sẽ sử dụng của ai tại địa phương. Việc sử dụng chung cộng đồng hành khách tạo ra sự cộng hưởng giữa các đơn vị vận tải, nâng cao sức mạnh cạnh tranh, đặc biệt là với doanh nghiệp taxi truyền thống.
“Không đơn thuần là một phần mềm ứng dụng, EMDDI thực sự là một nền tảng, cung cấp dịch vụ kết nối và quản trị cho các đơn vị vận tải hành khách. EMDDI không kinh doanh vận tải mà thực sự cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin kết nối, không chỉ cho lái xe và hành khách mà còn kết nối các đơn vị vận tải hành khách”, thầy Đào Kiến Quốc nói.
“EMDDI nếu giống Uber/Grap thì chắc chắn sẽ không đăng ký tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt”, thầy Đào Kiến Quốc khẳng định.
Tiếp theo trong buổi thi Chung khảo là nhóm tác giả sản phẩm Thiết bị giám sát thời gian, tư thế và chống cận thông minh - Robot Captain Eye đến từ công ty CP Virobo. Thông qua robot này, nhóm giới thiệu phương pháp chống cận thị cho trẻ không tiếp xúc dựa trên đo siêu âm, lidar, đồng thời hoạt động như một trợ lý ảo không chỉ cảnh báo mà còn rèn luyện thói quen tốt cho trẻ.
Sự xuất hiện của một robot đã khiến khán phòng trở nên sôi động hơn hẳn sau buổi thuyết trình nặng tính số liệu và phân tích suốt buổi sáng. Hội đồng giám khảo đã đưa ra nhiều câu hỏi dành cho thí sinh, đặc biệt là vấn đề về giá bán của sản phẩm dường như chưa phù hợp với mức thu nhập của người Việt Nam, và tính năng của robot cũng chưa nhiều.
Hội đồng chấm thi cũng đặt câu hỏi dưới góc độ công nghệ, khi mà cốt lõi công nghệ của robot hiện chỉ có một bộ cảm biến siêu âm, đo khoảng cách, câu nói thì được ghi âm sẵn từ trước. Theo đó, các giám khảo cũng nghĩ rằng nên có thêm những công nghệ đột phá và tính năng thú vị hơn nữa.
Đặc biệt, tính năng giám sát trẻ của robot được các giảm kháo bày tỏ sự quan ngại. Một vài ý kiến cho hay nếu như đứa trẻ được kiểm soát hoạt động thì sẽ tốt với nhiều phụ huynh, nhưng bản thân cháu bé sẽ mất đi tự do, và có thể hạn chế nguồn sáng tạo của trẻ. Chưa kể tới việc nếu đứa trẻ “bất hợp tác” thì sẽ rất khó để triển khai.
Tiếp theo trong buổi chấm thi Chung khảo là nhóm sản phẩm Ship60, được xây dưng với mục đích tạo nên nền tảng mạng lưới vận tải kết nối những người cần chuyển hàng với những người cùng di chuyển trên đoạn đường (tài xế) đó để giúp chuyển hàng.
Tỷ lệ giao hàng thành công theo đó được ghi nhận lên tới 96%, đồng thời thời gian giao hàng chỉ dao động dưới 1 giờ.
Dù đánh giá cao ý tưởng của nhóm tác giả đến từ công ty Cổ Phần Delivery Technology, nhưng BGK đặt nhiều câu hỏi về thị trường, cũng như doanh thu của công ty, trong bối cảnh có rất nhiều đơn vị chuyển phát tại Việt Nam.
“Với vị thế một startup mục tiêu của các bạn là phải hấp dẫn các đơn vị TMĐT, tuy nhiên làm thế nào để đảm bảo điều này, hay nói cách khác, điều gì để các bạn giữ chân đối tác và tài xế”, Đại diện hội đồng chấm thi đặt câu hỏi. Theo chia sẻ từ một giám khảo, bất kỳ một đơn vị nào cũng có thể “copy” mô hình này, sau đó dùng một phương thức nào đó như thương hiệu, hay hợp tác với các doanh nghiệp lớn để “cướp” khách.
Giám khảo cũng hỏi chuyên sâu về công nghệ được nhóm thí sinh sử dụng, cũng như cách để nhóm tối ưu khu vực, xử lý đơn hàng, cũng như các thuật toán để có thể giao hàng với thời gian ngắn như đã trình bày.
Phương pháp chuyển đổi sang B2B thay vì B2C của nhóm tác giả cũng là chủ đề được BGK tranh luận gay gắt, khi nhóm gần như đã đi ngược lại với xu thế hiện nay.
Nhiều startup trong nhóm Khởi nghiệp đã có sự đầu tư từ các tập đoàn lớn trước khi tham dự Giải thưởng NTĐV 2018, điển hình như Hệ sinh thái điện toán đám mây SmartCloud EcoSystem trực thuộc Tập đoàn VNPT.
Chính bởi vậy nên yếu tố “khởi nghiệp” đến từ hoạch toán doanh thu, đầu tư tách biệt giữa một nhóm sản phẩm và một tập đoàn lớn được BGK “hỏi thăm” rất kỹ.
Bên cạnh đó, giám khảo cũng thắc mắc về yếu tố “smart” của sản phẩm và có những so sánh với các dịch vụ tương tự tại thị trường Việt Nam, và rộng hơn là các dịch vụ nước ngoài như Amazon Cloud, Microsoft Cloud, Google,... Qua đó, nhóm thừa nhận không thể cạnh tranh về mặt với các dịch vụ nước ngoài, nhưng lại sở hữu những lợi thế riêng đó là hỗ trợ dịch vụ, data đặt tại Việt Nam, và chi phí dịch vụ hợp lý.
Tiếp đó, tại phòng chấm Chung khảo nhóm sản phẩm lĩnh vực CNTT kết nối, di động, nhóm tác giả đến từ Công ty Cổ Phần FastGo Việt Nam gây chú ý với sản phẩm Ứng dụng hệ sinh thái gọi xe Fastgo Việt Nam.
Dù mới ra mắt được 6 tháng nhưng theo nhóm tác giả, ứng dụng đã đạt được những con số ấn tượng. Sản phẩm được mở rộng tại 7 thành phố tại Việt Nam và thiết lập văn phòng tại 4 quốc gia. Hiện nay, đã có 250 nghìn lượt tải, sử dụng sản phẩm. Có trên 200 nghìn chuyến đi đã thực hiện, có 40 nghìn đối tác, thực hiện 10 tỷ giao dịch.
Đến năm 2021, nhóm đặt mục tiêu ứng dụng sẽ được triển khai trên 100 thành phố, với 50 triệu khách hàng, 1 triệu đối tác và doanh thu đạt 1 tỷ USD.
Phần tranh luận giữa Hội đồng BGK và nhóm tác giả diễn ra khá sôi nổi. Trong đó, vấn đề được BGK quan tâm là mô hình kinh doanh của FastGo. Theo BGK, nhóm tác giả cần làm rõ vấn đề: Chỉ đơn thuần cung cấp phần mềm gọi xe, thu phí sử dụng hay còn tham gia vào việc định giá, điều tiết kinh tế. Nếu chỉ thu phí phần mềm, giá xe được quyết định như thế nào? Có điều gì để thu hút khách hàng lựa chọn?
Nhóm tác giả cho rằng, dù mức giá đưa ra theo giá các taxi đăng ký, cam kết trước nhưng FastGo cũng có những tuần lễ khuyến mại, dịp giảm giá 50%... Hơn nữa, do mức giá có sẵn nên hạn chế được tình trạng tự động tăng giá vào các ngày lễ, mưa gió… Nhóm tác giả cũng dẫn chứng có đến 30% lượt người quay lại sử dụng ứng dụng lần hai, mức tăng trưởng theo ngày là 10%. “FastGo là nền tảng kết nối duy nhất không thu phí theo chiết khấu doanh thu, chỉ thu theo phí sử dụng công nghệ. Thứ 2, là ứng dụng duy nhất hỗ trợ mọi hình thức thanh toán phí tiền mặt hiện đại và đầy đủ nhất. Ngoài ra, ứng dụng này cho phép kết nối đa môi trường và đa dịch vụ với các đối tác thứ 3 giúp phát triển hệ sinh thái dễ dàng”, đại diện nhóm tác giả khẳng định.
Nhóm tác giả đến từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là nhóm cuối cùng trình bày tại phần chấm chung khảo các sản phẩm CNTT kết nối, di động. Với sản phẩm “Trợ lý ảo thông minh trợ giúp sinh viên (PTIT-Chatbot)”, nhóm tác giả hy vọng sẽ giải quyết được tốt nhất các vấn đề trong trường học như: thông tin liên quan đến học phí, quy định khi đóng tiền học; các hình thức miễn, giảm học phí; các thông tin về vị trí, cách liên lạc với các phòng, ban trong Nhà trường; các thông tin về lịch học, thời khóa biểu…
Đánh giá về sản phầm này, các thành viên Hội đồng BGK cho rằng, hiện chưa có một Chatbot nghiêm túc, đúng với yêu cầu đặt ra… mà chủ yếu sử dụng của nước ngoài vì thế ý tưởng của nhóm tác giả là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, tham vọng xây dựng Chatbot ứng dụng thực tế thì phải có định hướng. Phần trình bày của nhóm tác giả mới chỉ cho thấy tính hiệu quả trên lý thuyết, chứ chưa đủ thuyết phục về hiệu quả thực tế. Các thành viên BGK cũng cho rằng, nhóm tác giả cần nghiên cứu, tìm hiểu để hoàn thiện sản phẩm của mình.
Kết thúc buổi chấm Chung khảo, BGK tiếp tục có phiên họp để thẩm định và đánh giá những sản phẩm theo từng quan điểm riêng của BGK. Kết quả của cuộc thi sẽ được công bố vào đêm trao giải Giải thưởng NTĐV 2018 vào ngày 20/11.
VNPT