Truyền hình trả tiền và cuộc chiến 'tăng giá' mới ?

14:42, 09/04/2018
Trong mấy ngày vừa qua, thị trường rất xôn xao về việc VTVCab và NextTV tự ý hạ 23 kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng, thay vào đó là 12 kênh phát sóng các nội dung tương tự nhưng không mấy tên tuổi. Sau đó không lâu, K+ lại công bố tăng giá cước đối với các thuê bao ngắn hạn. Liệu có phải truyền hình trả tiền đang bước tới giai đoạn tăng giá sau một thời gian dài chạy đua giảm giá cước?
 
Theo trần tình từ VTVCab, việc hạ chùm kênh quốc tế “hot” là do muốn thay đổi nội dung cho khách hàng. Theo số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Nhà nước cấp phép cho 70 kênh truyền hình quốc tế được phát sóng vào Việt Nam, nhưng mới chỉ có 60 kênh đã được phát sóng. Trong đó Qnet được cấp phép gần 30 kênh và đã phân phối 23 kênh trên thị trường Việt Nam. Còn lại 40 kênh nước ngoài do 9 đại lý phân phối khác cung cấp, mỗi đại lý phân phối một vài kênh, trong đó có Thảo Lê, BHD, Fox… Do đặc điểm mỗi một kênh truyền hình nước ngoài chỉ định duy nhất 1 đại lý độc quyền phân phối tại Việt Nam, nên có thể nói các đơn vị truyền hình trả tiền Việt Nam không có sự chọn lựa nào khác trong thương thảo, đàm phán giá mua bản quyền các kênh quốc tế. Gói 23 kênh vừa bị dừng phát sóng thuộc về bản quyền của Qnet, và các nhà cung cấp truyền hình trả tiền đều đang phát sóng những nội dung quốc tế tương tự như nhau, gây nhàm chán, nên VTVCab muốn thổi luồng gió mới tới với khách hàng.
 
TH Trả tiền MyTV luôn có những chương trình khuyến mãi hấp dẫn khách hàng
 
Tuy nhiên, từ một góc độ khác, việc VTVCab dừng phát sóng chùm kênh này cũng có thể là do chi phí cao, trong khi những năm qua việc kinh doanh của nhà cung cấp này gặp khó khăn. Nếu như giảm được chi phí bản quyền, thì việc tăng được lợi nhuận là nằm trong tầm tay. Tuy nhiên, động thái thay đổi kênh truyền hình mà không báo trước của VTVCab đang gặp phản ứng rất mạnh mẽ của khách hàng, điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ sụt giảm thuê bao rất lớn trong những ngày tháng sắp tới, và VTVCab lại đang gặp khủng hoảng nhiều hơn là có thể tăng được lợi nhuận. Trong khi VTVCab bị phản đối quyết liệt, thì NextTV lại chọn cách im lặng, lùi xa ‘tâm bão’.
 
Chỉ 2 ngày sau khi ‘sự cố’ VTVCab bùng nổ, K+ lại công bố tăng giá cước đối với  các thuê bao ngắn hạn. Cụ thể, thuê bao nộp tiền hàng tháng tới 3 tháng/lần sẽ tăng 10.000đ/tháng (từ 125.000đ lên 135.000đ/tháng) trước ngày hết hạn, còn sau ngày hết hạn thì giá cước 1 tháng là 150.000đ. Cước dịch vụ đối với khách hàng đóng tiền từ 1 năm trở lên vẫn là 125.000đ/tháng. Theo K+, việc tăng giá đối với thuê bao ngắn hạn là do chi phí quản lý tốn kém hơn so với các thuê bao dài hạn.
 
Rõ ràng, dù dưới hình thức nào thì chi phí xem truyền hình trả tiền đang có xu hướng nhích dần lên. Và những doanh nghiệp có sự thay đổi này quả là rất ‘dũng cảm’. Trước cơn bão nhắm vào VTVCab, các nhà cung cấp khác cũng tranh thủ hút thuê bao, bằng chương trình giảm giá khuyến mại và nhấn mạnh vào việc mình vẫn đang phát sóng nhóm kênh ‘hot’. Cụ thể, truyền hình số VTC công bố gói cước HD chỉ còn 50.000đ/tháng, gồm 30 kênh HD, 130 chương trình SD trong và ngoài nước. Bộ đầu thu HTC-HDV2 có giá là 670.000đ, tặng kèm 3 tháng thuê bao gói kênh HD, cho phép xem 60 kênh quảng bá khi hết hạn thuê bao.
 
ARPU liệu có gia tăng?
 
Theo số liệu từ Ovum, doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 1/5 so với Singapore và thấp nhất trong khu vực Asean.  
 
 
Mỗi tháng, người dùng tại Việt Nam chỉ cần trả 4,41 USD để xem truyền hình, trong khi tại Singapore thì con số lên tới 26,61 USD, Malaysia là 21,43 USD. Với mức ARPU thấp như vậy, việc nâng cao chất lượng dịch vụ là rất khó khăn đối với nhà cung cấp. Tuy nhiên, do thói quen của người dùng và tình trạng vi phạm bản quyền nghiêm trọng, việc điều chỉnh tăng giá cước hoặc giảm kênh kiểu như VTVCab là không hề dễ dàng, và chưa chắc sẽ tạo ra được một xu hướng chung nếu các nhà cung cấp không cùng mục tiêu tăng ARPU./. 
 
VNPT-Media