Tái cấu trúc VNPT: Thấy gì từ những con số?

09:23, 13/06/2016
Trong lịch sử tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam có lẽ chưa có doanh nghiệp nào thay đổi toàn diện như VNPT. Chính vì vậy, đã có khá nhiều ý kiến quan ngại khi VNPT triển khai tái cơ cấu. Nhưng những kết quả đạt được của Tập đoàn này đã cho thấy VNPT đang đi đúng hướng, làm đúng cách.
 
Nhân lực làm kinh doanh: Tăng từ 10% lên 40%
 
Với một doanh nghiệp thì bộ phận kinh doanh luôn là bộ phận nòng cốt, giữ vị trí quan trọng nhất. Chính vì vậy, một trong những việc đầu tiên được thực hiện trong lộ trình tái cơ cấu tổ chức của VNPT là chuyển dịch nhân lực sang bộ phận kinh doanh. Sau hai năm, lực lượng kinh doanh của VNPT hiện đã chiếm khoảng gần 40% nhân lực toàn tập đoàn, tăng gấp gần 4 lần so với trước khi tái cấu trúc. Tương ứng với đó, tỷ lệ lao động gián tiếp cũng được giảm xuống. Đặc biệt số lượng lao động quản lý đã giảm xuống chỉ còn một nửa, thậm chí có những đơn vị xuống chỉ còn 1/3 so với trước đây.
 
Không chỉ gia tăng về nhân lực kinh doanh, số lượng điểm bán hàng cũng được tăng gấp 3 lần. Hiện VNPT có khoảng hơn 130.000 điểm bán hàng tại tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Hạ tầng mạng lưới cũng được thống nhất về một mối để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao nhất trong việc hỗ trợ đơn vị kinh doanh.
 
Lợi nhuận tăng mạnh
 
Trước khi tái cơ cấu, cả cơ quan quản lý và Chính phủ đều tỏ ra lo ngại về hoạt động sản xuất kinh doanh của VNPT khi MobiFone tách ra "ở riêng". Thậm chí còn lên cả phương án dùng CPH của MobiFone để hỗ trợ VNPT đảm bảo SXKD trong những năm đầu tái cấu trúc. Tuy nhiên, kết quả thực tế cho thấy VNPT hoàn toàn có thể tự chủ được, thậm chí còn phát triển khả quan. 
 
Tổng doanh thu của Tập đoàn cả giai đoạn 2011 - 2015 đạt 562.653 tỷ đồng, đạt 100,9% kế hoạch đặt ra, tăng trưởng bình quân 3,9%/năm. Song riêng 2013 - 2015, giai đoạn trọng điểm tái cấu trúc VNPT, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm. 
 
Tổng lợi nhuận thực hiện của VNPT giai đoạn 2011 - 2015 đạt 37.037 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch, tốc độ tăng trưởng bình quân 1,6%/năm. Tuy nhiên, riêng giai đoạn 2013 - 2015 lợi nhuận tăng trưởng bình quân 16%/năm.
 
Tổng nộp ngân sách nhà nước cả giai đoạn đạt 34.419 tỷ đồng, đạt 111,4% kế hoạch, tăng trưởng bình quân 5,4%/năm. Riêng giai đoạn 2013 - 2015 tăng trưởng bình quân 17,6%/năm. Thu nhập của người lao động trong giai đoạn này cũng tăng khoảng 15%/năm.
 
Sẵn sàng cho giai đoạn 5 năm tiếp theo
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020, VNPT đặt mục tiêu đạt lợi nhuận toàn tập đoàn khoảng 19.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,8%/năm, tăng 97,1% so với dự kiến thực hiện giai đoạn 2011 - 2015. 
 
Tổng doanh thu toàn VNPT dự kiến đạt 499.700 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6%/năm, tăng 27,7% so với giai đoạn trước. Trong đó, doanh thu viễn thông - CNTT trực tiếp từ khách hàng của khối kinh doanh dịch vụ viễn thông - CNTT đạt 247.350 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,8%/năm, tăng 29% so với giai đoạn trước. Tổng nộp ngân sách nhà nước dự kiến đạt 21.120 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 8,8%/năm, tăng 14,9% so với giai đoạn trước. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự kiến 52.200 tỷ đồng. 
Để đạt được mục tiêu đặt ra, trong bối cảnh dịch vụ di động, truyền hình đang bị cạnh tranh mạnh mẽ, thị trường đang có xu hướng trở nên bão hòa, VNPT đang tập trung cho mảng CNTT với những lĩnh vực mũi nhọn như thành phố thông minh, chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường.... Mục tiêu đặt ra là sẽ chiếm trên 50% thị phần những lĩnh vực này. 
 
Trong gần hai năm nay VNPT thực sự có những động thái quyết liệt tiến vào thị trường này. Điển hình nhất phải kể tới việc thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác toàn diện về VT-CNTT với UBND các tỉnh thành phố để tận dụng chủ trương tăng cường ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, với các cơ quan bộ ngành. 
 
Cho tới nay, VNPT đã thực hiện ký kết hợp tác toàn diện với 45 UBND tỉnh thành phố trên cả nước. Hiện VNPT đã triển khai giải pháp chính phủ điện tử cho hơn 40 tỉnh thành, trong đó 17 tỉnh thành triển khai toàn bộ từ cấp tỉnh đến xã, liên thông ngang tất cả các sở ngành. 
 
Ngoài ra, nhiều sản phẩm dịch vụ CNTT cũng đã thiết lập được vị trí trên thị trường và trong lòng khách hàng. Điển hình là bệnh viện điện tử VNPT - HIS và sổ liên lạc điện tử VnEdu.
 
Ngoài ra, VNPT đang tiếp tục phối hợp triển khai giải pháp CNTT cho lĩnh vực tài nguyên môi trường, quản lý đất đai và ứng dụng tổng thể cho thành phố thông minh. Đây đều là sản phẩm quy mô rất lớn, phải phối hợp với đối tác chuyển giao công nghệ để VNPT nội địa hóa và triển khai. 
 
Khó khăn, áp lực lên mỗi vị trí tại VNPT khi phải thay đổi là điều dễ hiểu. Và chắc chắn cũng sẽ còn nhiều khó khăn ở phía trước trên con đường mà VNPT đang đi để trở lại vị thế như cũ. Đã có nhiều những nghi ngại về thành công của quá trình tái cơ cấu VNPT. Và có lẽ, những con số trên, là minh chứng thuyết phục nhất cho thấy VNPT đang tái cơ cấu đúng hướng, làm đúng cách. 
 
Theo VNPT