VNPT huy động tổng lực triển khai VNPT-HIS đúng tiến độ
09:18, 10/11/2015
Ngày 5/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế theo Nghị quyết 36a/NQ-CP Chính phủ”với sự tham dự của 63 điểm cầu trên toàn quốc.
Yêu cầu cấp thiết
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế là một yêu cầu cấp bách của Ngành Y tế. Để thực hiện được yêu cầu đó cần sự nỗ lực thay đổi từ nhận thức, tư duy quản lý của cơ sở y tế (CSYT) và cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH). Về kỹ thuật đây cũng là công việc phức tạp do mức độ triển khai CNTT ở từng địa phương, cơ sở là khác nhau. Dữ liệu y tế mang tính chuyên sâu trong khi chưa có sự kết nối dữ liệu giữa cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, hiện chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có được bộ mã định danh duy nhất và ổn định, năng lực giám định còn hạn chế.
Theo Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan tích cực triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh thanh toán bảo hiểm y tế” với sự hỗ trợ của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel).
Theo thống kê, có 100% bệnh viện tuyến Trung ương, 68% bệnh viện tuyến tỉnh và 61% bệnh viện tuyến huyện đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Nhiều bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh đã xây dựng, hình thành mạng lưới và khai thác hiệu quả hệ thống tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa. Đồng thời, cả nước hiện có 95% bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I đã thành lập phòng công nghệ thông tin; hầu hết các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở lên đã có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin…Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT trong các cơ sở khám chữa bệnh nhìn chung vẫn tự phát, manh mún, chưa có tính hệ thống, tính đồng bộ và thiếu sự quan tâm đến các tiêu chuẩn nên chưa thể kết nối, chia sẻ dữ liệu, thông tin được với nhau. Bên cạnh đó, các danh mục dùng chung trong ngành y tế (như danh mục mã bệnh, danh mục thuốc, danh mục trang thiết bị y tế, thậm chí ngay cả danh mục cơ sở khám chữa bệnh là đơn giản nhất…) cũng chưa được chuẩn hóa, mã hóa, số hóa và luật hóa. Do vậy, chưa có cơ sở dữ liệu y tế quốc gia và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm y tế gắn với mã định danh riêng.
Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long giải đáp các thắc mắc từ phía các đơn vị tại Hội nghị
Để triển khai ứng dụng CNTT trong ngành y tế hiệu quả, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước; triển khai hình thức thuê doanh nghiệp thực hiện dịch vụ cho từng phần hoặc thuê trọn gói; tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin; xây dựng cổng dịch vụ công Bộ Y tế và tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Cổng dịch vụ công quốc gia.
VNPT cam kết hoàn thành tiến độ dự án
Tham dự Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc VNPT Tô Mạnh Cường đã thay mặt VNPT báo cáo tình hình triển khai thí điểm phần mềm VNPT-HIS thời gian qua.
VNPT – HIS được xây dựng dựa trên nền điện toán đám mây, DC tiêu chuẩn Tier 3 có độ ổn định và an toàn cao. Đặc biệt với CSDL được quản lý tập trung và Hồ sơ bệnh án được điện tử hóa, VNPT-HIS không chỉ cho phép liên thông chia sẻ CSDL giữa các bệnh viện trong cùng hệ thống mà còn hỗ trợ hỗ trợ khả năng chia sẻ bệnh án điện tử với các bệnh viện khác trong toàn quốc theo chuẩn HL7. Không chỉ có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, VNPT-HIS có phân hệ Báo cáo cung cấp cho các cấp quản lý tình hình khám chữa bệnh ngoại trú, nội trú; Thống kê về BHYT phục vụ cho cơ quan BHYT; Tạm ứng, thanh toán viện phí của người bệnh; Công tác dược, quản lý cấp thuốc trong bệnh viện…
Theo đánh giá của các CSYT đang ứng dụng sản phẩm, VNPT-HIS đáp ứng tiêu chí quản lý 3B (Bệnh nhân, Bệnh viện và Bộ/BHXH) đối với ngành Y tế. VNPT-HIS không chỉ là một ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mà còn là cơ sở để xây dựng hệ thống CSDL Y tế quốc gia về khám chữa bệnh. Hiện nay, đã có 40/63 tỉnh/thành phố đã xúc tiến, triển khai VNPT-HIS. Trên 400 cơ sở y tế đã cài đặt và sử dụng VNPT-HIS (bao gồm các tuyến tỉnh, huyện, xã). Hiện VNPT đang lập kế hoạch, làm việc với các Sở Y tế mở rộng triển khai trên toàn tỉnh /thành phố theo mô hình 3 tuyến. Bộ Y tế cũng đã cho phép VNPT triển khai thí điểm Đề án ứng dụng CNTT trong KCB và thanh toán BHYT tại Ninh Bình, Nghệ An, Tiền Giang .
Phó Tổng Giám đốc VNPT, Chủ tịch Tổng công ty VNPT - Media Tô Mạnh Cường báo cáo tình hình triển khai VNPT-HIS tại Hội nghị
Trong thời gian rất ngắn, khoảng 1 tháng, VNPT đã hoàn thành được các mục tiêu đã cam kết với Bộ và Sở Y tế, trong đó đã xây dựng hạ tầng/đường truyền, nâng cấp gần 300 đường truyền cáp quang tới các CSYT, lắp đặt mạng LAN, máy tính, máy in, đầu đọc QR code…; Tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn phù hợp với nghiệp vụ chuyên môn, Triển khai phần mềm tới tất cả CSYT trong phạm vi thí điểm, bố trí nhân lực hỗ trợ 24/7 tại tất cả CSYT tuyến huyện trở lên. Thực hiện liên thông, trích xuất CSDL phục vụ báo cáo, thanh toán BHYT tại cả 3 tuyến; Từng bước hình thành CSDL KCB. VNPT sẽ tiếp tục hỗ trợ, hoàn thiện tính năng, tiện ích đáp ứng yêu cầu sử dụng của CSYT; Quản lý toàn diện công tác khám chữa bệnh tại các CSYT, cải thiện tình trạng quá tải tại các bệnh viện, quá sức đối với bác sĩ và giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người bệnh góp phần minh bạch hóa hoạt động KCB, góp phần hạn chế tình trạng lạm dụng thẻ, trục lợi quỹ BHYT. Xây dựng CSDL tập trung, liên thông 3 tuyến, đáp ứng được yêu cầu thông tuyến KCB BHYT toàn tỉnh từ 1/1/2016. Sẵn sàng trích xuất dữ liệu XML đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế và BHXH về giám định, thanh toán BHYT trực tuyến từ 31/12/2015. Cung cấp hệ thống báo cáo trực tuyến phục vụ công tác quản lý, điều hành của ngành y tế. Khi được triển khai rộng rãi. VNPT-HIS sẽ là cơ sở để xây dựng hệ thống CSDL y tế và CSDL đối tượng BHYT quốc gia.
Tại Hội nghị, các đơn vị cũng đánh giá cao nỗ lực của VNPT, phần mềm VNPT-HIS đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các đơn vị ứng dụng, đồng thời đề nghị VNPT tiếp tục phối hợp để hoàn thiện phần mềm. Tiếp nhận ý kiến của các đơn vị, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cam kết VNPT sẽ nỗ lực huy động đội ngũ có mặt tại hơn 700 quận huyện, hơn 11.000 phường xã để hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng với thời hạn 31/12/2015 của Chính phủ/ Bộ Y tế.
Theo VNPT