VNPT bứt phá ngoạn mục sau 5 năm tái cơ cấu

08:25, 02/01/2020

Trong hơn 5 năm từ 2014 đến 2019, Tập đoàn VNPT đã cơ bản hoàn thành việc tái cơ cấu theo các Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 10/06/2014 và Quyết định số 2129/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tái cơ cấu thành công và thay đổi toàn diện Tập đoàn các mặt: mô hình tổ chức – nhân lực, quản trị chiến lược, quản trị kinh doanh, cơ chế kinh tế, cải cách hạ tầng – quản trị mạng lưới và chuyển đổi số.

Về mô hình tổ chức, cán bộ và lao động, Tập đoàn VNPT thay đổi mô hình vận hành theo định hướng lấy khách hàng làm trung tâm, thiết kế tổ chức trên nguyên tắc phân lớp kinh doanh – hạ tầng – dịch vụ. Năm 2014, thay vì phân mảnh thành nhiều đơn vị chủ dịch vụ, VNPT đã thành lập 63 Trung Tâm kinh doanh tại 63 Viễn thông tỉnh, thành phố và 5 Công ty dọc nhằm tách bạch và chuyên biệt hóa giữa hoạt động kinh doanh và kỹ thuật. Đến năm 2015, Tập đoàn thành lập 3 Tổng công ty: VNPT-Vinaphone để hình thành hệ thống kinh doanh toàn quốc, VNPT-Net để thống nhất quản lý hạ tầng, VNPT-Media để thống nhất về quản lý dịch vụ gia tăng và truyền thông. Sau đó VNPT tái cấu trúc bộ phận quản lý, điều hành Tập đoàn theo hướng tập trung vào công tác quản lý chiến lược, điều phối hoạt động và tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp thành viên. Mô hình quản trị BSC được triển khai từ cấp Tập đoàn đến cấp đơn vị, sau đó phân rã KPI đến từng vị trí công việc của cá nhân và đồng bộ với cơ chế tiền lương theo phương pháp 3Ps, song song thực hiện quản trị rủi ro để bảo vệ mục tiêu chiến lược dài hạn.

Với chiến lược chuyển đổi VNPT từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu, Tập đoàn đã định hướng lại mô hình tổng thể hoạt động của Tập đoàn, chuyển từ mô hình hệ mặt trời (Solar System) sang mô hình nhà máy sản xuất (Product Factory). Khung mô hình chuẩn hóa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông eTOM và bộ thư viện chuẩn ITIL được Tập đoàn và các đơn vị thành viên tham khảo áp dụng, giúp cho VNPT không bị chệch xu hướng phát triển của thế giới, có cùng hệ quy chiếu và dễ dàng tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số theo xu thế. Năm 2018, Công ty CNTT VNPT-IT chính thức ra đời, quy tụ nguồn lực CNTT làm lực lượng nòng cốt thực hiện chiến lược về dịch vụ số của Tập đoàn. Đến nay, VNPT đã là doanh nghiệp đi đầu và được Chính phủ, Bộ, Ngành và chính quyền địa phương tin tưởng lựa chọn cùng đồng hành trong chiến lược Chuyển đổi số quốc gia.

Trong xu hướng thị trường và công nghệ biến đổi rất nhanh, Tập đoàn đã thay đổi tư duy và cách làm chiến lược theo cách khách quan, khoa học, phù hợp với xu thế của thị trường. Để đảm bảo việc thực thi chiến lược, công cụ BSC tiếp tục được áp dụng: xây dựng bộ KPI đảm bảo gắn kết hoạt động SXKD với các mục tiêu chiến lược, song song thực hiện quản trị rủi ro để bảo vệ mục tiêu chiến lược dài hạn.

Sau 5 năm tái cơ cấu, VNPT đã tạo ra và phát triển hệ thống kênh bán hàng tập trung, thống nhất, xuyên suốt toàn quốc, quản trị các kênh bán hàng theo phân loại đối tượng khách hàng, phân khúc thị trường, phân vùng địa lý, hình thức tiếp cận…tạo ra sự hợp lực giữa các kênh, giữa các đơn vị và nhân viên kinh doanh. Đội ngũ bán hàng của VNPT đã thay đổi tư duy bán hàng bị động sang tư duy bán hàng chủ động. Ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý, điều hành chính sách kinh doanh đã rút ngắn được thời gian phản ứng với thị trường, nâng cao năng suất và khai thác cơ hội kinh doanh tiềm năng.

Cơ chế kinh tế thích ứng nhanh với biến đổi của thị trường. Hệ thống cơ chế động lực cho các đơn vị thường xuyên được cập nhật sửa đổi theo diễn biến kinh doanh dịch vụ trên thị trường, theo xu thế phát triển dịch vụ. Tập đoàn nhất thể hóa chức năng hoạch định mục tiêu kinh doanh với xác định mục tiêu đầu tư thành một đầu mối để tăng tính gắn kết trong công tác giao và đánh giá, tăng cường phân cấp cho các đơn vị thành viên. Giám đốc các đơn vị được cấp vốn đầu tư khả dụng để chủ động sử dụng theo mục tiêu, đảm bảo hiệu quả; được quyền chủ động bố trí vốn linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn, tập trung đầu tư cho các dự án/chương trình có hiệu quả, trực tiếp phục vụ nhu cầu SXKD.

Kể từ khi bắt đầu tái cơ cấu, Tập đoàn đã từng bước kiện toàn lại công tác xây dựng chiến lược, cấu trúc, quy hoạch, kế hoạch phát triển trung và dài hạn về mạng lưới và dịch vụ. Gắn kết chiến lược cung cấp dịch vụ số vào quy hoạch và kế hoạch phát triển hạ tầng. Đến nay, VNPT không chỉ có mạng di động 3G/4G rộng khắp đến 96% quy mô dân số, mạng băng rộng cố định có tốc độ internet số 1 Việt Nam mà còn đang sở hữu 2 trung tâm IDC tiêu chuẩn Tier 3 tại Nam Thăng Long và Tân Thuận và tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ nội bộ và cho khách hàng, đặc biệt là khối khách hàng chính quyền.

Bản thân VNPT đang chuyển đổi mạnh mẽ để trở thành một doanh nghiệp số, hoạt động toàn bộ trên môi trường số thông qua việc xây dựng chiến lược và lộ trình số hóa công tác quản trị, vận hành doanh nghiệp từ cấp Tập đoàn đến các đơn vị trực thuộc.

Kết quả sau quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn đã có mô hình hoạt động tiên tiến, phù hợp với xu thế và tiêu chuẩn trên thế giới, năng động và giao quyền tự chủ cho các đơn vị. Tạo ra sự chủ động cả trong khâu kinh doanh và khâu kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu trong giai đoạn 2014-2019 đạt 316.999.501 triệu đồng (loại trừ doanh thu dịch vụ Icoin/Charging ( CHẠC ZING)). Suốt trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn liên tục duy trì được tốc độ tăng lợi nhuận ấn tượng bình quân trên 20%/năm, giữ vững và phát triển cả 2 thương hiệu VNPT và Vinaphone, đảm bảo thu nhập cho người lao động với mức tăng bình quân khoảng 15%/năm. Đây là cơ sở vững chắc để Tập đoàn tiếp tục phát triển và đổi mới trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

VNPT