VNPT triển khai nhiều giải pháp nhắm tới thị trường fintech

08:16, 12/11/2019

Thị trường fintech Việt Nam bắt đầu phát triển và nở rộ trong vài năm nay. Dịch vụ phát triển nở rộ nhưng hiện chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thanh toán, ví điện tử…Vì vậy, các doanh nghiệp trong đó có VNPT đang phát triển nhiều giải pháp để hỗ trợ thị trường fintech thanh toán toàn toàn, tiện lợi.

Fintech cần nền tảng để phát triển

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - ĐHQG TP HCM, tính đến giữa năm nay, Việt Nam có khoảng hơn 150 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực tài chính công nghệ (fintech) và 70% trong số đó là các công ty khởi nghiệp. Đây là sự phát triển khá ngoạn mục.

Theo thống kê, các đơn vị cung cấp dịch vụ fintech đang phát triển trong lĩnh vực tài chính công nghệ; xác thực người dùng eKYC áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), sinh trắc học, blockchain, big data (thu thập và phân tích dữ liệu lớn)... Trong đó, công nghệ eKYC (định danh điện tử khách hàng) được đánh giá là cần thiết trong quá trình chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam. Hiện nhiều DN trong các lĩnh vực đã bắt đầu áp dụng công nghệ này, trong đó có VNPT.

VNPT sử dụng eKYC (Định danh điện tử) vào Thanh toán dịch vụ Công không dùng tiền mặt nhằm xác minh danh tính của khách hàng, đối tượng phục vụ, đánh giá sự phù hợp, cùng với những rủi ro tiềm ẩn.

eKYC là phương thức xác định duy nhất một cá nhân hoặc một tổ chức dựa trên các dữ liệu điện tử. Đối với khu vực Công, eKYC có thể được ứng dụng để cải thiện các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian chờ đợi, tăng chất lượng phục vụ trong các hoạt động, dịch vụ công của Chính quyền, trong các hoạt động Y tế, Bảo hiểm và trong Giáo dục. eKYC sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để bóc tách thông tin trên giấy tờ cá nhân, xác minh ảnh chân dung và ảnh giấy tờ cá nhân, chống giả mạo ảnh chân dung gửi lên hệ thống, lưu trữ và xác minh tư liệu, cung cấp SDK iOS và Android để tích hợp trên Mobile App…

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông (VNPT Media), nhận xét fintech ứng dụng mô hình kinh doanh có những công nghệ rất mới nhưng vẫn cần công nghệ nền tảng để hệ sinh thái này phát triển bền vững, như công nghệ liên quan đến xác thực, bảo mật...

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc Trung tâm Giải pháp, tích hợp hệ thống VNPT - cho biết để ứng dụng rộng rãi những công nghệ này, cần xây dựng và hoàn thành quy định về định danh điện tử; chuẩn bị và xây dựng các hệ thống quản lý, cung cấp, xác thực thông tin định danh IDP. Đồng thời, xây dựng các cơ sở dữ liệu định danh cấp quốc gia. Xác định vai trò, nhiệm vụ của các bên liên quan từ quản lý nhà nước, DN chủ đạo... về việc hình thành cơ sở dữ liệu định danh dùng chung cấp quốc gia, vai trò quản lý nhà nước đối với việc xác lập và chia sẻ thông tin định danh.

…và sớm có cơ chế thử nghiệm

Nhà nước hiện cũng có nhiều chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và hiện đại hóa trong lĩnh vực ngân hàng nhằm phổ cập tài chính - đã xác định trong dự thảo Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Việc Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện thông tư quy định về kết nối ngân hàng mở (Open API) cũng sẽ tạo cú hích cho fintech kết hợp với ngân hàng truyền thống để bứt phá.

Mô hình kinh doanh của fintech Việt Nam có xu hướng chủ yếu là hợp tác với các ngân hàng - chiếm tới 72%, dịch vụ mới hoàn toàn của riêng fintech hoặc chia sẻ theo mô hình cùng hợp tác mới - chiếm 14%. Dự kiến, doanh thu từ các fintech năm 2019 đạt khoảng 9 tỉ USD. Fintech thúc đẩy diện mạo mới của các ngân hàng trong phát triển mô hình ngân hàng số, gia tăng kênh tiếp cận tài chính cho người dân bằng công nghệ số.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị nhà nước cần nhanh chóng có một cơ chế thử nghiệm cho fintech Việt Nam. Đề án Cơ chế thử nghiệm cho hoạt động của fintech trong lĩnh vực ngân hàng đã được trình Chính phủ nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, gia tăng phổ cập tài chính; các điều kiện được xem xét cho phép thử nghiệm; đồng thời, giới hạn thời gian thử nghiệm, phạm vi không gian điều chỉnh cũng như hạn mức cung ứng dịch vụ và số lượng khách hàng được phép cung cấp trong quá trình thử nghiệm.

VNPT