Chương trình workshop "Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?"

16:02, 29/08/2017
Chương trình workshop “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” vừa được tổ chức tại Đại học Bách khoa TPHCM nằm trong chuỗi sự kiện của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay. 
 
Nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp, sau Hà Nội, workshop: "Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?" được Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lựa chọn điểm tới tiếp theo là TP.HCM - địa phương được đánh giá đi đầu trong cả nước về phong trào khởi nghiệp. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra rất phong phú dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự tham gia của các thanh niên, sinh viên tạo thành phong trào khởi nghiệp. Thông qua các Trung tâm Ươm tạo của TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ và phát triển nhiều công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động. Nhiều nhóm sinh viên, doanh nghiệp đã trưởng thành và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo tại vườn ươm thuộc Khu công nghệ phần mềm - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh…
 
Chương trình có sự tham gia của Phó giáo sư, tiến sỹ Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM - thành viên Hội đồng Giám khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; Phó Giáo sư, tiến sỹ Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Tp.HCM - thành viên Hội đồng Giám khảo lĩnh vực CNTT Giải thưởng Nhân tài Đất Việt; Thành viên HĐTV Tập đoàn VNPT Đỗ Vũ Anh; Phó Tổng Giám đốc VNPT-Media Nguyễn Văn Tấn - Phó Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017; Phó Tổng biên tập Báo Dân trí Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng; đặc biệt là sự góp mặt của hai diễn giả chính là ông Nguyễn Hữu Thái Hoà - Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Chiến lược Tập đoàn VNPT và ông Phạm Trần Anh, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách khối khách hàng doanh nghiệp và đối tác chiến lược Microsoft Việt Nam. 
 
Phó Tổng Giám đốc VNPT-Media Nguyễn Văn Tấn - Phó Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017 chia sẻ tại Workshop
 
Hai thành viên Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm nay, gồm Phó Tổng Giám đốc VNPT-Media và Phó Tổng Báo điện tử Dân Trí cùng Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Tp.HCM và Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đã trả lời nhiều câu hỏi của khách tham dự cũng như các bạn trẻ gửi trực tuyến về xoay quanh các vấn đề khởi nghiệp, việc “chung tay”, góp vốn cho những người khởi nghiệp của Tập đoàn VNPT và VNPT-Media cũng như việc trợ giúp truyền thông của Báo điện tử Dân trí…
 
Trong hành chục câu hỏi gửi được đến, câu “Liệu có nên bỏ đại học để đi làm startup?” là một trong những câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Khá thú vị với câu hỏi này, ông Phong chia sẻ: có nhiều bạn trẻ đã từng hỏi tôi những câu hỏi như vậy. Các bạn đã dẫn chứng là có nhiều người không cần học đại học nhưng khởi nghiệp rất thành công, thậm chí còn trở thành tỷ phú trên toàn thế giới… Nhưng tôi cũng chỉ khuyên các bạn là, hãy nhìn lại xem có bao nhiêu người thành công từ việc bỏ học để ra ngoài làm startup - ít lắm. Việc học là đem lại kiến thức cho cả đời, thế nên bạn có thể lựa chọn học ở trên giảng đường hoặc đi thẳng vào thực tế để tiếp nhận kiến thức, ông Phong nói.
 
Đồng quan điểm, ông Dương Anh Đức, Giám đốc sở TT&TT TP.HCM (nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho biết, chúng ta cần phải rất tỉnh táo khi lựa chọn starup. Quan điểm của tôi là “Không phải bạn thất bại một lần mà đã nản chí khi làm startup, mà có khi còn phải trải qua thất bại nhiều lần mới đến được với thành công”. Ở đây chúng ta cần phải loại bỏ tư duy làm startup phong trào bởi điều đó là rất nguy hiểm, ông Đức nhấn mạnh.
 
Đối với những câu hỏi về startup có liên quan đến VNPT, Thành viên HĐTV Tập đoàn VNPT Đỗ Vũ Anh cũng như Phó Tổng Giám đốc VNPT-Media Nguyễn Văn Tấn đều khẳng định, với mạng lưới viễn thông và CNTT rộng khắp cùng các dịch vụ đang cung cấp, nhất là việc mở rộng hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới trong những năm gần đây, VNPT không chỉ cung cấp ra thị trường các dịch vụ VT-CNTT mà đang thực hiện hàng loạt dự án đô thị thông minh cho nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Do vậy, sẽ có rất nhiều đề tài, sản phẩm để các bạn trẻ khởi nghiệp có thể cùng chia sẻ, hợp tác với VNPT để thỏa mãn ý tưởng, sở nguyện của mình.
 
Cũng tại đây, hai diễn giả chính đã cùng các đại biểu tham dự chia sẻ về nhiều vấn đề, như làm thế nào để thành công khi khởi nghiệp, các phương thức khởi nghiệp, những điều cần lưu ý khi khởi nghiệp,… đặc biệt là việc khởi nghiệp trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 đang có sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ hiện nay.
 
Là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về phong trào khởi nghiệp nhiều năm nay và cùng với đó, Tp.HCM cũng là nơi có số lượng thí sinh tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt hàng năm rất đông đảo, đã giành được nhiều Giải thưởng, như: Sản phẩm “Chip vi điều khiển 8-bit thương mại của Việt Nam SG8V1” của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) - Đại học Quốc gia TPHCM đã đạt Giải Nhất của Hệ thống các Sản phẩm Công nghệ thông tin Thành công năm 2014; Năm 2015, sản phẩm Busmap - Xe buýt thành phố, của nhóm tác giả Lê Yên Thanh, Phạm Việt Khôi, Nguyễn Hải Đăng, Tô Hữu Quân, Phạm Minh Thái, Phạm Nguyễn Sơn Tùng, Trần Minh Triết (đến từ TP.HCM) đã giành giải Nhì lĩnh vực Ứng dụng trên thiết bị di động… Mùa Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017, Ban tổ chức kỳ vọng rằng, sẽ có nhiều đại diện Tp.HCM tham dự và nhiều thí sinh của TP.HCM sẽ tiếp tục được vinh danh tại Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2017.
 
Workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” là một trong những hoạt động của Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 do VNPT là đơn vị đồng tổ chức và là nhà tài trợ chính; Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media là đơn vị bảo trợ truyền thông. Giải thưởng Nhân tài Đất Việt được đánh giá là một trong những giải thưởng uy tín và danh giá nhất của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT.
 
Trước đó, tại Hà Nội, workshop “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội nào cho Startup?” đã được tổ chức.
 
VNPT-Media