VNPT góp phần giúp Việt Nam tăng hạng về chính phủ điện tử

08:11, 20/07/2020

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 mới được Liên hợp quốc công bố, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 86 trong số 193 thành viên Liên hiệp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Với vị trí này, Việt Nam đã duy trì tăng hạng liên tục từ năm 2014 đến nay. VNPT đóng góp quan trọng cho sự tăng hạng này.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Liên hợp quốc vừa công bố Báo cáo khảo sát chính phủ điện tử (E-Government Development Index - EGDI) năm 2020. Báo cáo có chủ đề “Chính phủ số trong thập kỷ hành động vì sự phát triển bền vững”, thể hiện xu thế mới của năm nay là Chính phủ số. Đây là lần đầu, báo cáo EGDI lấy chủ đề là Chính phủ số, trong đó đã hướng đến phân tích những đặc điểm phát triển Chính phủ số như: Dữ liệu là trung tâm; Quyết định dựa trên dữ liệu; Mở dữ liệu; Dữ liệu là nguồn lực chủ chốt, tài sản chiến lược. Đáng lưu ý, báo cáo cho thấy vai trò quan trọng của Chính phủ số khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

 

Ngay trong bảng xếp hạng chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2020, Việt Nam có vị trí thứ 86 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, tăng 2 bậc so với năm 2018. Việt Nam đã duy trì được việc tăng hạng liên tục trong giai đoạn 2014 - 2020, từ vị trí 99 lên vị trí 86. Cụ thể, về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2020 đạt 0,6667 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức cao và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,5988), của khu vực Châu Á (0,6373) cũng như khu vực Đông Nam Á (0,6321).

Về các chỉ số thành phần, cũng như các năm trước, chỉ số EGDI được tổng hợp từ 3 chỉ số thành phần: Chỉ số hạ tầng viễn thông (TII); chỉ số nguồn nhân lực (HCI); chỉ số dịch vụ trực tuyến (OSI). Vị trí xếp hạng về các chỉ số thành phần của Việt Nam năm 2020 có sự thay đổi tương đối lớn. Chỉ số hạ tầng viễn thông tăng mạnh, xếp thứ 69, tăng 31 bậc so với năm 2018; chỉ số nguồn nhân lực xếp thứ 117, tăng 3 bậc so với năm 2018; chỉ số dịch vụ trực tuyến xếp thứ 81, bị giảm 22 bậc so với năm 2018 (xếp thứ 59).

Góp phần duy trì tăng thứ hạng liên tục của Việt Nam trong các kỳ báo cáo của Liên hợp quốc phải kể đến quá trình tham gia xây dựng, nỗ lực triển khai nhiều dự án Chính phủ điện tử, chuyển đổi số Bộ - Ngành của Tập đoàn VNPT. Tiêu biểu nhất Trục Liên thông văn bản quốc gia do Tập đoàn VNPT đầu tư xây dựng với công nghệ tiên tiến và được Văn phòng Chính phủ đưa vào vận hành vào tháng 3/2019. Cho tới thời điểm này, Trục liên thông đã kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 95 đơn vị bao gồm Văn phòng Trung ương Đảng, 31 Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố. Việc triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia ước tính giúp tiết kiệm tới 1.200 tỷ đồng/năm theo tính toán của các cơ quan tư vấn quốc tế. Giải pháp được Chính phủ và các bộ ngành địa phương đánh giá cao, nhiều đơn vị và cá nhân của Công ty đã được Văn phòng Chính phủ tặng bằng khen.

Song song với Trục Liên thông văn bản quốc gia, với kinh nghiệm của một nhà cung cấp giải pháp công nghệ số hiện đại, VNPT đã được lựa chọn đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ xây dựng hệ thống Cổng dịch vụ Công quốc gia. Hệ thống hạ tầng Cổng dịch vụ công quốc gia được triển khai trên hạ tầng VNPT-IDC - Trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế Tier3 kết nối 63/63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc và kết nối với quốc tế với tổng dung lượng chiếm 70% băng thông quốc tế tại Việt Nam.

Đến nay, hệ sinh thái Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 55/63 Tỉnh/Thành phố trên cả nước với các dịch vụ tiêu biểu như: VNPT-eOffice có khoảng 4.320 đơn vị trên toàn quốc sử dụng; dịch vụ VNPT-eGate có 36 tỉnh, thành phố sử dụng với khoảng 587 đơn vị cấp sở/huyện, dịch vụ VNPT-eCabinet mặc dù là dịch vụ mới ban hành vào giữa năm 2019, nhưng đến nay đã có 375 đơn vị sử dung và đã triển khai tại 62/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

VNPT