2016: VNPT tập trung nhiều hơn cho CNTT

09:35, 17/02/2016
Bước sang năm mới 2016, Tập đoàn sẽ tiếp tục tiến hành tái cơ cấu khối viễn thông-công nghệ thông tin (VT-CNTT); theo đó, bám sát định các hướng, giải pháp về triển khai chính phủ điện tử và đẩy mạnh thuê ngoài ứng dụng CNTT với các dịch vụ công hay trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, y tế,… để triển khai cung cấp các dịch vụ CNTT.
 
Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn một của Đề án Tái cơ cấu với việc chuyển đổi thành công và hiệu quả mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại 63 tỉnh/thành phố, ngay từ đầu năm 2015, VNPT đã bắt tay vào việc kiện toàn bộ máy nhân sự cao cấp.
 
Từ tháng 7/2015, với việc ba Tổng công ty mới được thành lập là Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media) và Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net), Tập đoàn chính thức đi vào hoạt động theo mô hình mới. Hoạt động SXKD của VNPT được xâu chuỗi thành chuỗi giá trị xuyên suốt từ “Nội dung” đến “Hạ tầng” và tới “Khách hàng”.
 
Tính đến thời điểm hiện tại, cả ba Tổng công ty của VNPT đều đã ổn định bộ máy, cơ cấu tổ chức, hoàn thiện các cơ chế quản lý nội bộ theo mô hình mới và phát huy hiệu quả hoạt động SXKD.
 
Cũng trong mô hình này, cả 63 Trung tâm kinh doanh của VNPT tỉnh/thành phố cũng được bàn giao về VNPT-Vinaphone, giúp tập trung được nguồn lực theo định hướng chuyên biệt, thống nhất một đầu mối bán hàng duy nhất nhằm nâng cao hiệu quả bán hàng và chăm sóc khách hàng.
 
Mô hình mới đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tạo động lực thúc đẩy hoạt động của Tập đoàn, giúp tăng thị phần và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
 
Nhờ đó, kết thúc năm 2015, VNPT đã đạt mức tăng trưởng rất khả quan. Tổng lợi nhuận của Tập đoàn đạt 3.280 tỷ đồng, bằng 111,7% kế hoạch năm và tăng 20% so với thực hiện năm 2014; tổng doanh thu đạt 89.122 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch và tăng 7,5% so năm 2014; năng suất lao động theo doanh thu VT-CNTT đạt 2,044 tỷ đồng/người/năm, tăng 15,55% so năm 2014.
 
Mạng lưới tiếp tục được mở rộng
 
Điều đáng nói là tuy “bận rộn” với quá trình tái cơ cấu, mạng lưới viễn thông, mảng CNTT của VNPT vẫn được duy trì an toàn, ổn định; quy mô tiếp tục được mở rộng để nâng cao năng lực và chất lượng mạng, bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai…
 
Riêng trong năm 2015, VNPT đã lắp đặt thêm được khoảng 11.000 trạm 3G, trong đó có hơn 7.000 trạm 3G tần số 900 Mhz, đưa VinaPhone trở thành mạng di động có vùng phủ sóng 3G rộng nhất Việt Nam (tăng 2,5 lần so năm 2014).
 
Tính đến cuối năm 2015, VNPT đã có tổng số thuê bao điện thoại đạt 33,7 triệu, trong đó thuê bao di động VinaPhone là 29,7 triệu, tăng 3,3 triệu thuê bao so với cuối năm 2014.
 
Tổng số thuê bao Internet băng rộng của VNPT đạt 3,2 triệu, trong đó thuê bao FTTx tăng gấp 4 lần so với năm 2014. Bên cạnh đó, dung lượng internet quốc tế của Tập đoàn cũng có sự phát triển đột phá lên mức 696 Gbps, tăng gấp 2,3 lần so năm 2014.
 
Ông Nguyễn Nam Long phụ trách chức vụ Tổng Giám đốc VNPT Net cho biết: VNPT-Net đặt mục tiêu năm 2016 là “Năm chất lượng mạng lưới và dịch vụ”. Vì vậy, Tổng công ty sẽ thực hiện chủ trương hiện đại hóa mạng lưới VT-CNTT của VNPT theo hướng áp dụng công nghệ mới nhất trên mạng băng rộng cố định và di động.
 
Hiện nay, VNPT-Net cũng đang tập trung mọi nguồn lực, với mọi giải pháp như tối ưu các nguồn lực, tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng mạng di động, thoại và băng thông cao cho dịch vụ dữ liệu (data); triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ hướng tới mục tiêu đưa VNPT trở thành doanh nghiệp số 1 trên thị trường VT-CNTT về chất lượng mạng lưới, dịch vụ trong năm 2016.
 
Cũng trong năm 2015, VNPT đã cho ra mắt hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, tạo điểm nhấn nổi bật cho nền công nghệ công nghiệp ICT Việt Nam. Đặc biệt, tất cả các sản phẩm đều được nghiên cứu, phát triển và sản xuất bởi đội ngũ cán bộ của Tập đoàn.
 
Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long chia sẻ: Sau tái cơ cấu, VNPT đã tổ chức lại đội ngũ chuyên biệt trong phát triển dịch vụ GTGT. Từ đó, phát huy được nội lực, tự phát triển được các sản phẩm Platform dịch vụ; khẳng định, VNPT đã làm chủ được các công nghệ nền tảng cho dịch vụ giá trị gia tăng mà trước kia phải hợp tác, thuê hoặc mua của nước ngoài.
 
Vươn ra thế giới
 
Nói về hướng phát triển tiếp theo của Tập đoàn trong năm mới, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng cho biết: Thực tế, trong năm 2015, VNPT gần như dành hoàn toàn sức lực cho việc tái cơ cấu khối dịch vụ viễn thông. Sang năm 2016, Tập đoàn sẽ tập trung tiếp tục tái cơ cấu khối CNTT; bám sát định các hướng, giải pháp về triển khai chính phủ điện tử, đẩy mạnh thuê ngoài ứng dụng CNTT với các dịch vụ công, lĩnh vực thuế, hải quan, y tế,… của Chính phủ và các Bộ, ngành để triển khai cung cấp các dịch vụ CNTT; tập trung phát triển hệ sinh thái CNTT phục vụ chính quyền điện tử và các chuyên ngành.
 
Ngoài ra, VNPT sẽ thúc đẩy hoạt động khối công nghiệp, xây dựng các đơn vị trụ cột sản xuất thiết bị ngoại vi phụ trợ, thiết bị điện tử, viễn thông và CNTT với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới. Từ đó, tìm kiếm các cơ hội đầu tư ra nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm đối tác và mở rộng đầu tư kinh doanh quốc tế, trước mắt sẽ là những thị trường trong khu vực như Campuchia, Lào, Myanmar,…
 
Theo VNPT