VNPT cùng ngành Viễn thông Việt Nam vững vàng hoàn thành mục tiêu “kép”
Năm 2021 là một năm có nhiều biến động, nhiều thách thức với mọi lĩnh vực đời sống nói chung và lĩnh vực viễn thông nói riêng do dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Tuy nhiên, với những nỗ lực không ngừng của các cấp lãnh đạo, các doanh nghiệp và người lao động, ngành viễn thông vẫn duy trì tăng trưởng 2% so với năm 2020, đạt tổng doanh thu dịch vụ là 130.768 tỷ đồng.
Năm qua, dù chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp viễn thông trong đó có Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã hoàn thành “mục tiêu kép” - vừa bảo đảm tăng trưởng vừa tham gia các hoạt động phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chia sẻ về những khó khăn mà ngành cũng như Tập đoàn đã phải trải qua trong năm 2021, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cho biết, ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19, VNPT đã phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh tại 30/63 tỉnh, thành phố từ nửa cuối quý II và cả quý III-2021. Đã có 1.300 cán bộ, công nhân viên bị mắc COVID-19 (trong đó 6 trường hợp tử vong) khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tại một số đơn vị của Tập đoàn VNPT nhiều lần bị gián đoạn. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm cao nhất của toàn thể ban lãnh đạo và người lao động, VNPT đã hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh và tăng trưởng so với năm trước. Cụ thể, VNPT đạt tổng doanh thu 56.605 tỷ đồng, tăng 3,4% (doanh thu công ty mẹ tăng 1,5%); lợi nhuận đạt 7.103 tỷ đồng, tăng 0,3%.
Năm 2022 được dự đoán vẫn sẽ là một năm khó khăn cho ngành Viễn thông cũng như Tập đoàn VNPT, Chủ tịch VNPT Tô Dũng Thái cho biết, VNPT sẽ tập trung vào các nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông giao. Trong đó, VNPT sẽ xây dựng hạ tầng số, hạ tầng lưu trữ đám mây để phục vụ cho phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; đồng thời nhanh chóng triển khai dịch vụ Mobile Money đến với khách hàng để phục vụ cho thanh toán số…
Nhình chung, năm 2021, ngành Viễn thông vẫn duy trì doanh thu tăng 2% so với năm 2020, đây là con số đáng ghi nhận (doanh thu năm 2020 chỉ tăng 0,3% so với năm 2019). Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, năm 2021, các doanh nghiệp viễn thông dành lợi nhuận để tập trung triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trong cả nước.
Ngoài những ảnh hưởng từ dịch bệnh, lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, mặt khác doanh nghiệp cũng chịu sức ép không nhỏ từ sự gia tăng của các dịch vụ OTT (dịch vụ nội dung trên nền tảng internet). Đó là nguyên nhân khiến tăng trưởng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông những năm gần đây “đi ngang”.
Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, năm 2022 Bộ sẽ triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó có việc thúc đẩy đầu tư hạ tầng số, như hạ tầng băng rộng cố định và di động để bảo đảm mục tiêu mỗi người dân sử dụng 1 điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình 1 đường cáp quang; đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư cho hạ tầng dữ liệu và các hạ tầng nền tảng. Cục Viễn thông cũng sẽ cùng với các doanh nghiệp quyết tâm hoàn thành mục tiêu đưa viễn thông Việt Nam đi cùng nhịp với các nước phát triển, từ đó tạo tiền đề cho phát triển kinh tế số, xã hội số.