VNPT chung sức đưa Hà Nội trở thành địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số
Sự đồng hành, chung sức của Tập đoàn VNPT sẽ góp phần đưa thành phố Hà Nội trở thành đơn vị đi đầu cả nước về chuyển đổi số, có thứ hạng cao theo các Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, Chỉ số Cải cách hành chính PAR...
Đó là chia sẻ của đại diện Tập đoàn VNPT, TS Nguyễn Văn Yên - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT tại hội thảo “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Thủ đô” do Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 21/9. Hội thảo “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo của Thủ đô” được tổ chức nhằm đề xuất chính sách cho sửa đổi Luật Thủ đô.
TS Nguyễn Văn Yên - Thành viên Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT cho hay, trong thời gian vừa qua, với vai trò là Tập đoàn kinh tế nhà nước chủ lực về viễn thông và công nghệ thông tin, VNPT rất vinh dự được đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ ban ngành và nhiều địa phương trên cả nước trong các chương trình, dự án lớn, rất quan trọng về chuyển đổi số.
Tiêu biểu nhất có thể kể đến Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá là sự kiện quan trọng, khẳng định sự nỗ lực trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Trước dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, VNPT cũng đã triển khai thành công các dự án Cổng dịch vụ công quốc gia, Nền tảng tích hợp liên thông văn bản VDXP, Hệ thống báo cáo và điều hành chính phủ. Có thể nói, VNPT đã được Chính phủ lựa chọn trong phần lớn các dự án có tính chất tạo nền móng trong chiến lược chuyển đổi số của Chính phủ.
Ở cấp độ tỉnh thành phố, VNPT đã và đang đồng hành cùng nhiều địa phương trong xây dựng lộ trình đô thị thông minh và chuyển đổi số như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cần Thơ, Nghệ An, Hà Nam, Lâm Đồng, Bình Phước… Hệ sinh thái chính quyền số của VNPT đã hiện diện tại 63/63 tỉnh thành phố trên cả nước.
Để phát huy vai trò là Tập đoàn đi đầu về công nghệ số tại Việt Nam, VNPT đã phát triển đội ngũ hơn 5000 kỹ sư công nghệ thông tin trên cả nước, trong đó có hơn 200 chuyên gia về công nghệ 4.0 như Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật…Với đội ngũ cán bộ chuyên gia công nghệ, kết hợp với kinh nghiệm thực hiện thành công các dự án lớn của Chính phủ, Bộ ngành, địa phương, chúng tôi tin tưởng rằng VNPT sẽ hỗ trợ hiệu quả các bộ ngành, địa phương trong giai đoạn quyết liệt chuyển đổi số 2022-2025 tới đây.
“Chúng tôi mong rằng sự đồng hành, chung sức của VNPT sẽ góp phần đưa Bộ Tư pháp và thành phố Hà Nội thành các đơn vị đi đầu cả nước về chuyển đổi số, có thứ hạng cao theo các Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, Chỉ số Cải cách hành chính PAR...” - ông Nguyễn Văn Yên chia sẻ.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Văn Yên cũng đã kiến nghị một số giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù đẩy mạnh chuyển đổi số của Thủ đô. Trước hết, Hà Nội cần tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho chuyển đổi số và KH&CN. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cho phép Hà Nội có thể điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ. Để Hà Nội có thể thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đến với Thủ đô, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ trọng đầu tư vào KHCN, Hà Nội cần được phép điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Hà Nội xem xét phương án sử dụng một phần vốn ngân sách cho KH&CN để đặt hàng hoặc hỗ trợ một phần chi phí để các doanh nghiệp công nghệ tham gia nghiên cứu các đề tài KH&CN đặc biệt là các công nghệ 4.0 như AI, BigData… Điều này giúp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu KH&CN vì nguồn nhân lực chất lượng cao nằm trong các doanh nghiệp là rất lớn, cũng là một phương thức để Hà Nội chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp dám đầu tư R&D vào các ý tưởng mới, công nghệ mới.
Theo TS Nguyễn Văn Yên, để thúc đẩy sự phát triển của AI, Hà Nội cần có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị hành chính cấp dưới mạnh dạn sử dụng các giải pháp AI mà các doanh nghiệp trong nước đã cung cấp ra thị trường như chatbot, trợ lý ảo, điểm danh, kiểm soát an ninh, nhận dạng qua khuôn mặt… Thực tế việc triển khai chuyển đổi số, đô thị thông minh còn bất cập về thời gian thử nghiệm kéo dài, các bất cập về công tác đấu thầu khiến nhiều doanh nghiệp tham gia triển khai tốn nhiều chi phí, thời gian… Vì vậy, Hà Nội xem xét có quy định về thời gian, cơ chế thanh toán một phần khi thử nghiệm dịch vụ để giảm thiểu rủi ro về chi phí do doanh nghiệp, đặc biệt là những dịch vụ đã cung cấp để người dân, doanh nghiệp sử dụng...
Được biết, các ý kiến góp ý tại Hội thảo sẽ được tiếp thu, tổng hợp đầy đủ làm cơ sở tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đảm bảo lần sửa đổi này sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp Thủ đô ngày càng phát triển.
VNPT