16:20, 01/07/2021

Tầm soát nguy cơ Covid-19 bằng robot thông minh

Thời gian qua, tổng đài 18001119 được Tập đoàn VNPT triển khai từ sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 nhằm tiếp nhận các yêu cầu trợ giúp từ phía người dân để hỗ trợ công tác truy vết, phòng chống dịch. Tổng đài 1800 1119 gọi tới người dân ở TP HCM áp dụng mô hình robot tự động gọi điện để cập nhật dữ liệu sức khỏe người dân, nhất là ở những nơi có nguy cơ cao như khu công nghiệp, khu chế xuất...

Robot sẽ gọi điện thăm hỏi sức khỏe từng chủ máy điện thoại, nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm sẽ có hỗ trợ y tế kịp thời

Nắm kịp thời nguy cơ lây nhiễm

Nhiều người dùng điện thoại di động thời gian qua bất ngờ nhận được cuộc gọi từ tổng đài 18001119. Một giọng nữ hay nam vang lên: "Xin chào bạn A" và tự giới thiệu gọi từ cơ quan phòng chống dịch, cho biết bạn đã khai báo y tế vào ngày nào đó, rồi yêu cầu thuê bao trả lời những câu hỏi về các triệu chứng của người dùng để phục vụ cho công tác tầm soát dịch Covid-19 như: ho, sốt, đau họng, khó thở, mất vị giác,… hay đi tới khu vực có dịch? Đó chính là robot (người máy) tầm soát dịch.

Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 trực tuyến với 3 điểm nóng bùng phát dịch đợt 4 này là Bắc Giang, Bắc Ninh và TP HCM vào đầu tháng 6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trợ giúp công tác tầm soát các nguy cơ dịch bệnh, tạo thuận tiện cho người dân khai báo y tế.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu TP HCM triển khai tổng đài gọi điện tự động (robot) để nắm bắt kịp thời các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Theo đó, robot sẽ gọi điện thăm hỏi sức khỏe từng chủ máy điện thoại và nếu phát hiện trường hợp nghi nhiễm thì sẽ hỗ trợ y tế lập tức.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức, giải pháp robot tầm soát là cần thiết. Ông cũng đề nghị để bảo đảm thông tin thông suốt, vào cuối mỗi ngày, sau khi phân tích dữ liệu sức khỏe người dân được thu thập, nếu phát hiện có trường hợp đáng quan ngại, Ban Chỉ đạo cần thông báo ngay cho TP HCM để xử lý kịp thời.

 

Ngay từ những ngày đầu bùng phát đại dịch Covid-19 vào năm 2020, nhiều nước trên thế giới đã nhanh chóng tung đội quân robot vào cuộc chiến chống dịch bệnh. Các robot đa dạng không chỉ giúp tăng hiệu quả phòng chống dịch mà còn có thể bảo vệ lực lượng y tế khỏi các nguy cơ bị lây nhiễm, cũng như rảnh tay tập trung vào công việc chuyên môn.

Ngay cả ở Việt Nam, trong đợt bùng phát đầu tiên đã có những người sáng tạo ra những robot điều khiển từ xa có thể thay con người mang thuốc, thức ăn, lấy vật phẩm y tế… tới phòng có người bệnh đang cách ly.

Theo euRobotics, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế của Bỉ chuyên về robot học ở châu Âu, Ủy ban Châu Âu (EC) đã sớm phát động một sáng kiến để thu thập các ý tưởng về việc triển khai các giải pháp kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ người máy hầu giúp đương đầu với cuộc khủng hoảng bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.

Tổ chức euRobotics cũng đã giới thiệu 10 phương cách sử dụng robot trong cuộc chiến phòng chống dịch. Robot bây giờ không còn là một thiết bị tự động hóa mà được tích hợp thêm trí thông minh, có thể tương tác với con người như hai "con người" và thậm chí với công nghệ máy học thì càng được sử dụng nhiều, càng giao tiếp nhiều với con người thì càng thêm thông minh hơn. Robot kết hợp với AI và nâng cao hiệu quả khi kết hợp với AIoT thành một hệ sinh thái thông minh kết nối.

Cần ý thức, trách nhiệm của người dân

Ở Việt Nam, trong thời gian qua, giải pháp ứng dụng chatbot, phần mềm tự động và thông minh có thể tương tác bằng giọng nói, đã nhanh chóng được những cơ quan chức năng và dịch vụ triển khai để hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) đã phối hợp với FPT.AI phát triển Chatbot - trợ lý ảo phòng dịch Covid-19 có thể tương tác bằng tiếng Việt tự nhiên với độ chính xác rất cao.

Chatbot này có thể trả lời người dân các câu hỏi liên quan tới đại dịch Covid-19, phổ biến các thông tin và quy định về phòng chống dịch, hỗ trợ người dân đang cần trợ giúp. Không chỉ được cập nhật nhanh chóng thông tin từ các nguồn chính thống, chatbot này còn được tích hợp công nghệ máy học AI để ngày càng thêm thông minh và hữu dụng.

Robot tầm soát Covid-19 đem lại hiệu quả cao hơn khi được ứng dụng AI và có khả năng xử lý thông tin hiệu quả trên nền tảng Big Data. Các thông tin thu thập sẽ được bổ sung vào cơ sở dữ liệu và xử lý chính xác kịp thời. Tuy nhiên, mọi việc còn tùy thuộc vào tính tự nguyện, ý thức trách nhiệm của từng người dân và phải khai báo trung thực.

Nhà chức trách sẽ phải tìm ra giải pháp dung hòa để bảo mật thông tin cá nhân và yêu cầu phòng chống dịch. Ngoài ra, về mặt nghiệp vụ, cơ quan y tế cần phải phối hợp với bên phát triển robot, chatbot để tăng khả năng thu thập thông tin dịch tễ học.

Ai cũng hiểu rằng trong cuộc chiến phòng, chống loại dịch bệnh phức tạp và nguy hiểm khó lường như Covid-19, đặc biệt khi dịch đã bùng phát trong cộng đồng, biện pháp tầm soát nguy cơ là cực kỳ bức thiết. Làm tốt việc này sẽ giúp ngăn ngừa được nguy cơ ổ dịch và nhanh chóng cắt đứt các chuỗi lây nhiễm.

Các chuyên gia khẳng định trong khi chưa thể đạt được tỉ lệ tiêm ngừa vắc-xin cần thiết để tạo ra được miễn dịch cộng đồng, việc ứng dụng robot tầm soát mầm bệnh, đặc biệt là tìm kiếm các F0 đang lang thang ngoài cộng đồng chính là giải pháp tốt nhất để kiểm soát cộng đồng, giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các ổ dịch.

 

Các tin khác

Tổng công ty truyền thông (vnpt-media)
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP SỐ: 0106873188 DO SỞ KH&ĐT HÀ NỘI CẤP NGÀY 12/06/2015
Copyright © 2019 VNPT-Media. All Rights Reserved