Chữ ký số góp phần bảo mật trong giao dịch trực tuyến
Nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch trực tuyến, từ ngày 1/7, chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử trên 10 triệu đồng phải được xác thực bằng các biện pháp xác thực an toàn, trong đó chữ ký số là một trong những biện pháp có thể sử dụng để xác thực trong tất cả các loại giao dịch. Hiện nay, VNPT-CA đã sẵn sàng hạ tầng kỹ thuật và giải pháp để cung cấp chữ ký số đến người dùng một cách an toàn và thuận tiện nhất.
Trong thời gian qua, không ít người dân đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền thông qua các giao dịch ngân hàng. Có thể thấy, thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi như tự xưng cơ quan chức năng như công an, thanh tra giao thông,... và đưa ra các tình huống khiến người dân mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm, đường link có mã độc.
Nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động giao dịch thanh toán trực tuyến, phòng chống tội phạm lợi dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử không chính chủ để nhận, chuyển tiền lừa đảo, cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ để bảo đảm an toàn trong giao dịch trực tuyến. Trong đó, chữ ký số là một trong các biện pháp xác thực giao dịch trực tuyến an toàn cho người dân thực hiện các giao dịch trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng theo hiệu lực của Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ. Việc áp dụng chữ ký số rộng rãi sẽ thúc đẩy các dịch vụ tài chính, ngân hàng trực tuyến và góp phần phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.
Đáp ứng số lượng lớn giao dịch
Với tốc độ xử lý giao dịch ký số bằng phương thức ký số từ xa trung bình 3 đến 5 nghìn giao dịch ký số trong 1 giây của 1 nhà cung cấp, chữ ký số công cộng hoàn toàn đáp ứng về mặt hiệu năng xử lý giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Hơn nữa, chữ ký số có khả năng mở rộng không giới hạn bằng việc bổ sung hạ tầng, thiết bị HSM (Hardware Secure Module) khi số lượng giao dịch phát sinh tăng. Trong khi đó, hiện Việt Nam đang có tới 10 nhà cung cấp chữ ký số được cấp phép nên hoàn toàn đủ năng lực cung cấp dịch vụ cho toàn bộ công dân và giao dịch trong mọi lĩnh vực xã hội chứ không riêng gì ngành tài chính, ngân hàng.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ tại Đề án 06 với mục tiêu đến năm 2025, 50% dân số trưởng thành có chữ ký số công cộng để thực hiện các giao dịch trên môi trường số. Hiện các nhà cung cấp chữ ký số đã sẵn sàng về hạ tầng, công nghệ để cung cấp chữ ký số cho hơn 50 triệu công dân trên cả nước.
Bên cạnh đó các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số như VNPT còn là đơn vị dẫn đầu về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin tại Việt Nam với hàng trăm triệu khách hàng đang sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin trên toàn quốc trong đó có cả các ngân hàng và khách hàng của các ngân hàng. Nên việc sử dụng chữ ký số để xác thực giao dịch điện tử sẽ thuận tiện hơn cho người dân khi chỉ cần một chữ ký số đại diện để xác thực giao dịch trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội.
Bảo đảm an toàn các giao dịch
Với các giao dịch ngân hàng, điều quan trọng nhất mà người dân và các tổ chức tài chính, ngân hàng đặc biệt quan tâm chính là độ an toàn của các giao dịch. Về yếu tố này, chữ ký số hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đó. Bởi chữ ký số được công nhận có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký tay trong các giao dịch điện tử, đảm bảo tính xác thực và bảo mật cao.
Ví dụ như Chữ ký số VNPT-CA của VNPT sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến, bảo đảm bí mật của các dữ liệu khi thực hiện giao dịch trực tuyến và ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận. Đồng thời, VNPT còn cung cấp thêm giải pháp ký số từ xa VNPT SmartCA cũng đáp ứng tiêu chuẩn an toàn cao nhất, mới nhất theo tiêu chuẩn eIDAS Châu Âu và các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông mức độ SCAL2 - mức độ cao nhất của eIDAS đối với hình thức ký số từ xa. Hai hình thức ký số này đều có thể hỗ trợ người dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch tài chính một cách an toàn và hiệu quả.
Mang lại nhiều lợi ích
Không chỉ đáp ứng về hiệu năng xử lý, bảo mật cao, chữ ký số còn mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, khi phương thức xác thực này đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Hiện chữ ký số công cộng đã được các nhà cung cấp tích hợp với đa dạng hệ thống như Cổng dịch vụ công, giao dịch tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, thuế, hải quan và hàng trăm ứng dụng lĩnh vực giáo dục, y tế,…
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về phổ cập chữ ký số công dân, hiện chữ ký số từ xa VNPT SmartCA đang được VNPT cung cấp miễn phí cho người dân để thực hiện các giao dịch hành chính công. Chỉ cần sở hữu một chữ ký số, người dân có thể thực hiện ký số tất cả các giao dịch trên môi trường điện tử một cách an toàn.
Với dịch vụ chữ ký số, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện giao dịch trực trực tuyến một cách nhanh chóng và thuận tiện mọi lúc mọi nơi nên giảm thiểu chi phí và thời gian di chuyển.
Nhằm hỗ trợ người dùng sử dụng chữ ký số với chi phí tối thiểu, Tập đoàn VNPT vừa cho ra đời gói cước VNPT Smart CA New với giá chỉ 99.000 đồng, sử dụng không giới hạn số lượng chữ ký số từ xa trong cả năm. Hơn nữa, khi đăng ký gói cước này, người dùng còn được miễn phí khởi tạo chữ ký số cũng như miễn phí ký số trên cổng dịch vụ công.
VNPT