IOC – Bước đi đầu tiên điều hành trên dữ liệu lớn
Trung tâm điều hành thông minh IOC đóng vai trò cốt lõi trong xây dựng thành phố thông minh và là thành tựu của quá trình chuyển đổi số hoàn thiện nhất để thay đổi mọi lĩnh vực quan trọng của đời sống và mang lại những giá trị ý nghĩa thiết thực cho các cá nhân cũng như các tổ chức. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Tập đoàn đã luôn tập trung nguồn lực, nghiên cứu, phát triển để các IOC phát huy hết hiệu năng, công suất. Xác định rõ, IOC là bước đi đầu tiên giúp chính quyền điều hành trên dữ liệu lớn nên Tập đoàn đã xây dựng hệ thống IOC không chỉ ở cấp Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành mà còn cho các địa phương, đến tận cấp huyện, xã nhằm tạo một hệ thống kết nối toàn diện nhất giữa Chính phủ - địa phương.
Ở cấp Chính phủ, các trung tâm IOC do VNPT xây dựng đã phát huy được hiệu quả thiết thực phục vụ Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra được các hoạt động theo từng lĩnh vực do các bộ, ngành, địa phương quản lý. Đồng thời, thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến, giúp lãnh đạo Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp tới các bộ, ngành, địa phương và trên thực địa.
Ở cấp Bộ Ngành, cụ thể là Bản đồ số của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công An, không chỉ giúp phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình dân cư để cung cấp thông tin chính xác, phục vụ việc hoạch định các chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh theo từng giai đoạn, từng khu vực, địa bàn mà còn đáp ứng yêu cầu theo dõi, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương.
Ở cấp địa phương, Trung tâm điều hành thông minh (IOC) được ví như “bộ não số” cho công tác điều hành đô thị thông minh và mang ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua đây, chính quyền các địa phương có thể thực hiện giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế - xã hội, dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, camera an ninh thông minh, camera an toàn giao thông và thông tin trên mạng xã hội… Đồng thời, cũng là nền tảng để địa phương kết nối, tương tác với các Bộ ngành, từ đó, phục vụ đắc lực sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.
Theo ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang: " Để phát triển đột phá, An Giang xác định 10 năm tới sẽ tập trung chuyển đổi số. Trong đó, Trung tâm IOC là nền tảng ban đầu, vừa là nơi để người dân tiếp xúc doanh nghiệp vừa là nơi tương tác với chính quyền. Cũng là nơi tích hợp các CSDL để từ đó, chính quyền có thể ra được những thể chế, chính sách để đáp ứng mong muốn, sự hài lòng của người dân."
Còn đối với Bình Phước, theo đánh giá của bà Trần Tuyết Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước: "Tầm quan trọng cũng như tiện ích mà IOC mang lại trong việc cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời trên nền tảng công nghệ hiện đại, giúp lãnh đạo Tỉnh đưa ra quyết định điều hành nhanh chóng, khoa học; góp phần trực tiếp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn."
Không chỉ vậy, ở cấp địa phương, Tập đoàn và các VNPT Tỉnh, thành phố đã triển khai IOC cho các ngành và lĩnh vực như giáo dục, y tế, du lịch…Đối với ngành du lịch Quảng Nam, việc triển khai IOC của ngành giúp tỉnh có CSDL và nhờ CSDL này, thời gian sau, tỉnh sẽ có những kế hoạch, những chương trình ngắn cũng như dài hạn để phục vụ tốt hơn cho du khách khi tới với Quảng Nam.
Hiện nay, hệ thống IOC đã được Tập đoàn triển khai từ cấp chính phủ kết nối với IOC cho nhiều Bộ ban ngành và với IOC tại 43 tỉnh/thành phố. Trong đó, IOC Bình Dương đã triển khai 21/23 lĩnh vực và là hệ thống IOC lớn nhất Đông Nam Á. Bình Phước là địa phương triển khai trung tâm điều hành thông minh thành công nhất. Hệ thống hiện tại đã trở thành công cụ chính để thay thế toàn bộ khối báo cáo truyền thống, và là công cụ để truyền dữ liệu lên TW, cũng như nhận thông tin trực tiêp từ TW xuống.
Từ những thành công đó, từ đầu năm 2022, Tập đoàn đã huy động mọi nguồn lực triển khai Trung tâm IOC đến tận cấp huyện, xã góp phần chuyển đổi số toàn diện cho địa phương.
Trong đó, Quảng Nam là một trong những địa phương đi đầu, chỉ tính từ đầu năm 2022, VNPT địa bàn Quảng Nam đã phối hợp với UBND 5 huyện khai trương 5 Trung tâm điều hành thông minh đưa vào sử dụng IOC của VNPT. Đây sẽ là hệ thống nền tảng cốt lõi quan trọng phục vụ cho sự hình thành một đô thị thông minh tiên tiến, kiểu mẫu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển toàn diện và bền vững.
Để Trung tâm IOC của VNPT được triển khai sâu rộng, đó chính là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tập đoàn, sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ CBCNV trên toàn quốc, luôn đầu tư những nguồn nhân lực tốt nhất phục vụ công cuộc chuyển đổi số của Chính phủ, Bộ Ban Ngành và địa phương.
Đánh giá về sự nỗ lực, quyết tâm của Nguyễn Công Thị - Trung tâm giải pháp tích hợp hệ thống, VNPT-IT khẳng định: "Có thể nói chúng tôi triển khai với tinh thần nhiệt huyết, quyết tâm, thể hiện bản lĩnh con người VNPT nhiều hơn vì nếu chúng ta chỉ gắn theo trách nhiệm thì rất khó đạt được thành công như vậyThời điểm hiện tại, đang có 12 tỉnh/thành phố đang được VNPT triển khai và dự kiến sẽ sớm được đưa vào vận hành chính thức hệ thống IOC, nâng tổng số tỉnh/thành phố triển khai lên con số 55. VNPT kỳ vọng sẽ triển khai hệ thống này cho tất cả các tỉnh/thành để tạo một hệ thống kết nối trên toàn quốc.
Trong tương lai, nếu hệ thống IOC được triển khai đồng bộ cho tất cả các tỉnh/thành phố sẽ giúp giải quyết những vấn đề tồn tại cố hữu tại các đô thị, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số và xây dựng thành phố thông minh.
Với việc đồng hành cùng các địa phương trong công cuộc chuyển đổi số, Tập đoàn đã và đang từng bước đặt những dấu chân vững chắc trên hành trình chuyển đổi số, thể hiện được vai trò dẫn dắt trong chuyển đổi số quốc gia. VNPT các tỉnh/tp cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác toàn diện, tham gia các dự án và thể hiện vai trò đơn vị tiên phong, dẫn dắt chuyển đổi số tại địa phương./.
VNPT