Tiềm năng phát triển sản phẩm dịch vụ ứng dụng AR/VR ở Việt Nam
Với sự phổ biến của các thiết bị di động, kính thực tế ảo, thực tế tăng cường thông minh trên thị trường và hàng tỉ người dùng trên thế giới, việc phát triển sản phẩm dịch vụ ứng dụng AR/VR là hoàn toàn khả thi và có tiềm năng rất lớn trên thị trường…
Trong thời đại công nghệ 4.0, có rất nhiều lĩnh vực công nghệ mới nổi được triển khai ứng dụng vào thực tế, một trong những công nghệ nổi bật này là thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) với khả năng triển khai và lĩnh vực ứng dụng rất rộng lớn.
Trên thế giới, AR/VR là một công nghệ mới được phát triển trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên đã được rất nhiều doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế trong các lĩnh vực khác nhau và mang lại rất nhiều thành công. Công nghệ AR/VR đã được ứng dụng trong rất nhiều các lĩnh vực khác nhau như quân sự, giáo dục, y tế, bán lẻ, thiết kế, sản xuất, … Việc nghiên cứu, xây dựng giải pháp hệ thống, sản phẩm ứng dụng AR/VR tập trung vào các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, sale & marketing, bán lẻ, …, sẽ giúp đa dạng hoá các loại hình sản phẩm dịch vụ, đóng góp một phần vào việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Tập đoàn VNPT nói riêng và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tại Việt Nam nói chung.
Với việc đánh giá cao tiềm năng và khả năng ứng dụng của công nghệ AR/VR, các hãng công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Google, Microsoft hay Facebook đã phát triển các thiết bị phần cứng, các công cụ, thư viện phần mềm để tích hợp, phát triển ứng dụng AR/VR trên các dòng thiết bị của hãng mình.
Với sự phổ biến của các thiết bị di động, kính thực tế ảo, thực tế tăng cường thông minh trên thị trường và hàng tỉ người dùng trên thế giới, việc phát triển sản phẩm dịch vụ ứng dụng AR/VR là hoàn toàn khả thi và có tiềm năng rất lớn trên thị trường.
Là một công nghệ hiện đại, phức tạp và có nhiều mô hình ứng dụng khác nhau, các doanh nghiệp trên thế giới cũng đã phải tập trung các nguồn lực nghiên cứu phát triển để có khả năng xây dựng và đưa các ứng dụng vào thực tế, đồng thời phải liên tục nghiên cứu phát triển để đáp ứng được sự tiến bộ của công nghệ cũng như các nhu cầu thực tế của thị trường.
Ở Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị được Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp với các Bộ, ngành địa phương, xây dựng, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0 nhằm phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự trở thành một trong ba đột phá chiến lược.
Các hãng nghiên cứu thị trường lớn như McKinsey, Gartner đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Mất việc làm, công việc đã đạt được, chuyển đổi nhân lực trong thời đại tự động hóa” chỉ ra rằng việc sử dụng khoa học công nghệ hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng để theo dõi nhanh chóng việc tích lũy cần thiết khả năng và năng lực của các hệ thống giáo dục và đào tạo kỹ năng trong ngành để cho phép các quốc gia và vùng lãnh thổ có lợi thế cạnh tranh.
Do sự gia tăng trong cạnh tranh toàn cầu, nhu cầu về xây dựng, phát triển năng lực và khả năng của khu vực và ở Việt Nam về AR/VR cho các ứng dụng chuyển giao kiến thức, phát triển thương hiệu, kinh doanh bán lẻ đang ngày càng tăng; đây là một trong những ứng dụng công nghệ quan trọng trong CMCN4.0.
Tại Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Truyền thông VNPT-Media đã thực hiện công tác nghiên cứu, khảo sát để nắm vững và làm chủ các công nghệ trong lĩnh vực AR/VR từ các giải pháp, kỹ thuật xây dựng nguồn dữ liệu nội dung, mô hình 3D ảo, không gian ảo có khả năng tương tác, các thư viện, framework phục vụ phát triển tính năng, các engine hỗ trợ tích hợp ứng dụng, các thành phần hệ thống đặc thù, cần thiết phục vụ công tác vận hành cho đến các nền tảng đầu cuối khách hàng hỗ trợ trải nghiệm các ứng dụng AR/VR.
“Không ai có thể phủ nhận lợi ích AR/VR có thể đem lại, nhưng vì sao vẫn là một bài toán khó để AR/VR thực sự được ứng dụng trong đời sống tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới?” – Trao đổi về ý kiến này, ông Ngô Bùi Anh, Chủ nhiệm dự án nghiên cứu phát triển công nghệ AR/VR của VNPT-Media cho biết, rất nhiều các chuyên gia cho rằng, rào cản khiến AR/VR chưa thực sự bùng nổ, đó chính là ở công nghệ.
Ông Ngô Bùi Anh trong một buổi hội thảo về công nghệ AR và VR tại VNPT-Media
“Công nghệ quá hiện đại dẫn tới khó khăn trong phổ cập ứng dụng. Không chỉ cần những thiết bị hỗ trợ đắt đỏ hiện đại, để có thể sử dụng được thì chúng ta còn cần bỏ thời gian để học cách sử dụng. Đôi khi, nếu thiếu người hướng dẫn, người dùng gần như không thể tự tìm được cách để sử dụng các thiết bị này chứ chưa nói đến việc trải nghiệm công nghệ.”- ông Ngô Bùi Anh chia sẻ.
Chủ nhiệm Dự án nghiên cứu phát triển công nghệ AR/VR cho biết, việc nghiên cứu và triển khai dự án sẽ mang đến cho Tập đoàn VNPT nói riêng và Việt Nam nói chung một lợi thế cạnh tranh thông qua việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ AR và VR mới nhất.
Cũng theo ông Ngô Bùi Anh, phát triển các kỹ năng về AR và VR cho các ứng dụng công nghiệp, hình thành một thị trường việc làm mới hiện đang phát triển nhanh chóng với nhu cầu cao. Nó cũng tạo ra các công việc có giá trị cao trong lĩnh vực thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), cùng các kỹ năng hỗ trợ khả năng mở rộng quy mô của ngành công nghiệp quốc gia.
“Việc thực hiện công tác nghiên cứu phát triển là để nắm vững và làm chủ các công nghệ trong lĩnh vực AR/VR gồm giải pháp xây dựng dữ liệu nội dung, xây dựng mô hình hệ thống vận hành khai thác với các phân hệ đặc thù, cần thiết, các thư viện, phần mềm hỗ trợ phát triển tính năng và các nền tảng thiết bị đầu cuối hỗ trợ trải nghiệm ứng dụng công nghệ AR/VR" - ông Ngô Bùi Anh nói thêm.
Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media đã và đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực công nghệ mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với mục tiêu góp phần đưa VNPT tiên phong trong công cuộc dẫn dắt chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số tại Việt Nam, và Trung tâm giao dịch số của khu vực châu Á…
VNPT