09:06, 18/11/2022

60 chợ của Thái Nguyên sẽ thành “khu chợ số” với nền tảng Mobile Money

Từ kết quả thí điểm, Thái Nguyên đã quyết định nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” – khu chợ hoàn toàn không dùng tiền mặt, với yêu cầu ngay trong năm 2022 mô hình này có mặt ở tối thiểu 60 chợ trên địa bàn tỉnh.

Từ cuối tháng 4/2022, Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp UBND huyện Đại Từ và một số đơn vị thí điểm mô hình “Chợ 4.0” tại chợ trung tâm huyện Đại Từ. Đây là khu chợ đầu tiên trên địa bàn Thái Nguyên trở thành “khu chợ số” với nền tảng là Mobile Money - dịch vụ cho phép người dân mua bán, chuyển tiền, thanh toán không tiền mặt một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Cùng với chợ Đại Từ, mô hình chợ 4.0 còn được Thái Nguyên triển khai tại 11 chợ truyền thống khác trên địa bàn gồm La Bằng, Đu, Thái, Đán, Chu, Tân Khánh, Quang Vinh, Đồng Quang, Quan Triều, Ba Hàng và Phúc Thuận.

Khi tham gia “Chợ 4.0”, tiểu thương và người dân cần có Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân và số điện thoại chính chủ, sẽ được nhân viên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Money hỗ trợ tạo tài khoản ví điện tử và hướng dẫn sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt.

Sau đó, tại các “Chợ 4.0”, người tiêu dùng có thể thanh toán tiền mua hàng bằng quét mã QR qua tài khoản Viettel Money, VNPT Money, tài khoản của các ngân hàng. Việc quét mã QR để thanh toán giúp cho người dân tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách.

 


Hết năm 2022, 100% tiểu thương tại các chợ được trang bị và dùng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, mặc dù là mô hình mới song “Chợ 4.0” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tiểu thương và người dân Thái Nguyên. Tại 11 chợ đã triển khai, tỷ lệ 70% tiểu thương tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt là 70% và 1 nửa trong số đó có phát sinh giao dịch thanh toán online. 

Riêng chợ Đại Từ - điểm chợ 4.0 được làm sớm và toàn diện nhất, tại thời điểm giữa tháng 8, đã có hơn 300 tiểu thương tạo mã QR Code phục vụ thanh toán không tiền mặt, chiếm tỷ lệ 80%. Trong đó, có 200 tiểu thương tham gia tích cực, phát sinh 2.900 giao dịch hàng tháng với dòng tiền khoảng 3,3 tỷ đồng.

Trao đổi tại hội nghị triển khai mô hình “Chợ 4.0” mới được tổ chức ngày 15/11, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên Đỗ Xuân Hòa cho biết, từ kết quả đạt được trong thời gian thí điểm, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo nhân rộng mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt, với yêu cầu trong năm nay Thái Nguyên có tối thiểu 60 “Chợ 4.0”, chiếm hơn 43% tổng số chợ trên toàn tỉnh.

Trung tuần tháng 10, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ra kế hoạch “Triển khai nhân rộng mô hình Chợ 4.0 – Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh”.

Với việc nhân rộng “Chợ 4.0”, Thái Nguyên hướng tới hình thành thói quen và xây dựng các công dân số, góp phần hoàn thành mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về chương trình chuyển đổi số Thái Nguyên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu đến với người dân từ thành thị đến nông thôn, từ giao dịch trị giá lớn đến những giao dịch trị giá nhỏ trong đời sống hàng ngày.

Theo lộ trình, đến hết năm nay, 100% các tiểu thương, hộ kinh doanh tại các chợ được trang bị quét mã QR thanh toán không dùng tiền mặt và mỗi chợ đưa được tối thiểu 1 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử; 100% các chợ theo danh sách đăng ký thu các khoản phí như tiền điện, thuê vị trí,... bằng hình thức không dùng tiền mặt.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu các huyện, thành phố trên địa bàn coi việc triển khai mô hình “Chợ 4.0” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương mình. Sở TT&TT được giao làm đầu mối, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị nhân rộng mô hình “Chợ 4.0” đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

VNPT-Media

Các tin khác

Tổng công ty truyền thông (vnpt-media)
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP SỐ: 0106873188 DO SỞ KH&ĐT HÀ NỘI CẤP NGÀY 12/06/2015
Copyright © 2019 VNPT-Media. All Rights Reserved