16:58, 17/08/2022

Chuyển đổi số quốc gia có vai trò quan trọng của Tập đoàn VNPT

Cũng như chiếc điện thoại bàn thuở đầu, rồi đến di động, internet, ti vi, máy vi tính…, không nhiều quốc gia có được một điều như ở Việt Nam, đó là những thứ hiện đại và tốn tiền đó đã đến tay người dân nghèo rất nhanh.

Và câu chuyện Chuyển đổi số giờ đây cũng vậy, được thụ hưởng thành tựu của Chuyển đổi số nhiều nhất chính là người dân. Và trong hành trình đó, luôn có sự đồng hành của Tập đoàn VNPT với các cấp chính quyền cũng như cộng đồng các doanh nghiệp và người dân.

 

Lấy người dân là trung tâm 

Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU với hành trình hoạt động suốt 50 năm qua vẫn luôn hướng tới mục tiêu phát triển hạ tầng, phổ cập dịch vụ, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa hơn 190 các nước thành viên, để người dân dù nghèo nhất cũng được thụ hưởng các thành tựu và tiện ích công nghệ truyền thông.

ITU mới đây cũng đã nhận định thành tựu về công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam là hình mẫu lớn cho khu vực và thế giới. Những năm qua Việt Nam đã luôn tích cực đồng hành cùng ITU và góp phần tạo ra những biến đổi đáng kinh ngạc, từ sự nổi lên của Internet, các mạng không dây hay các công nghệ mới như 5G, trí tuệ nhân tạo. Trong đó, hạ tầng băng thông rộng cũng như những cách làm sáng tạo nhằm cải thiện kỹ năng số, giảm thiểu bất bình đẳng về quyền được thụ hưởng các dịch vụ tiện ích số của Việt Nam đã được các nước tìm đến đến để chia sẻ kinh nghiệm để có thể giúp đạt được kết nối toàn cầu từ nay tới năm 2030.

Là một quốc gia chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng khá trong trung và dài hạn, khi mà Covid-19 đang dần được kiểm soát, sự cân đối của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, chính trị xã hội ổn định, những động lực thúc đẩy tăng trưởng được duy trì và từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, khôi phục hoạt động SXKD và phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam coi hạ tầng số, dữ liệu và nền tảng số là yếu tố then chốt để tăng tốc lộ trình chuyển đổi số quốc gia. Lực lượng doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng đối với việc triển khai thành công tiến trình này để đạt mục tiêu kinh tế số Việt Nam chiếm trên 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Trong bối cảnh hiện thế giới vẫn còn 50% dân số chưa được kết nối Internet thì việc Việt Nam được xếp là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 toàn cầu và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực Châu Á... là nỗ lực không nhỏ, chưa nói là phi thường. Đó là chưa kể đến mạng lưới viễn thông tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp với mức phủ sóng đạt 99,7% dân số, mạng 3G và 4G sẵn sàng phục vụ 98% dân số. Báo cáo xếp hạng về An toàn an ninh mạng toàn cầu GCI do ITU công bố mới đây cũng ghi nhận, Việt Nam đã tăng 25 bậc trong 2 năm, vươn lên vị trí thứ 25 trong tổng số hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ và đứng thứ 7 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN.

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một quá trình thay đổi sâu rộng toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội. Việt Nam xác định Chuyển đổi số có hiệu quả, phát huy cao nhất những giá trị mới của không gian số trong mọi mặt đời sống xã hội và phải lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu của sự phát triển. Quá trình này chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân tích cực tham gia và được thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

 

Du lịch nông thôn phát triển nhờ Chuyển đổi số 

Phát triển du lịch nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được xác định là một trong những động lực đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch nông thôn hiệu quả sẽ góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng nông thôn mới bền vững. Thống kê cho thấy, hiện nay du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tỷ lệ du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm trên toàn cầu. Ngoài ra, tỷ lệ tăng trưởng của du lịch nông thôn hàng năm từ 10-30% trong khi du lịch truyền thống chỉ là 4%.

Việt Nam hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch. Việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn đã và đang cho thấy giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng. Đặc biệt ở thời kỳ hậu Covid như hiện nay, du lịch nông thôn là một trong những sản phẩm đang được triển khai sớm trở lại, với việc nâng cao sức hấp dẫn của các mô hình du lịch nông thôn bằng cácg áp dụng nền tảng công nghệ thông tin phục vụ cho khách hàng. Các doanh nghiệp, địa phương đang nỗ lực cùng làm, cùng chia sẻ để khách hàng và người dân nói chung được hưởng thụ những lợi ích đó.

Việc phát triển du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số được xác định là sẽ phải có sự đầu tư bài bản; nâng cao chất lượng du lịch nông thôn thông qua chuyển đổi số để từ đó chọn lựa những mô hình mới. Cùng với các cấp ngành, các địa phương và doanh nghiệp du lịch cũng đang tích cực đồng hành đầu tư chuyển đổi số, nâng cao tăng cường năng lực, kết nối cho người nông dân phát triển du lịch nông thôn.

 

Giáo dục thời Covid thu hẹp khoảng cách giàu nghèo 

Trước đây, việc làm quen với phương pháp dạy và học trực tuyến còn nhiều bỡ ngỡ, song trải qua dịch bệnh Covid-19 thì tất cả học sinh, sinh viên cũng như giáo viên, nhà trường và phụ huynh trên khắp thế giới đã dần thích nghi với mô hình giáo dục từ xa qua mạng. Nhiều nước vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh tiếp tục áp dụng mô hình này, song đã có nhiều đổi mới nhằm giải quyết những bất cập nảy sinh để nâng cao hiệu quả của hình thức ứng dụng công nghệ vào giảng dạy và học tập. Cũng như các nước tiên tiến, nhiều trường học ở tại Việt Nam đã áp dụng các khóa học, ứng dụng học tập trực tuyến bên cạnh các chương trình dạy học trên truyền hình nhằm giúp học sinh củng cố kiến thức, cũng như làm bài tập về nhà từ xa nhờ một số ứng dụng học trực tuyến.

Như thông tin từ tổ chức UNICEF cho thấy, việc học từ xa là công cụ hỗ trợ nhiều trẻ em trên khắp thế giới trong thời gian trường học đóng cửa, tuy nhiên trên bình diện thế giới đã bộc lộ những bất cập cần tháo gỡ, mà lớn nhất là vấn đề bất bình đẳng và khoảng cách về tiếp cận kỹ thuật số. Với khoảng một nửa dân số thế giới vẫn thiếu kết nối Internet thì có nghĩa là ít nhất 1/3 học sinh trên thế giới không được tiếp cận bất kỳ hình thức học tập từ xa nào, 3/4 trong số đó sống ở các hộ gia đình nghèo nhất hoặc các khu vực nông thôn. Nói cách khác, phương thức học này hiện vẫn nằm ngoài khả năng của những học sinh thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Điều đó đặt ra đòi hỏi nỗ lực của từng quốc gia phải thu hẹp khoảng cách số và bảo đảm tiếp cận công nghệ công bằng trong chính sách phát triển bền vững.

Kể từ đại dịch bùng phát khiến học sinh không được tới trường, Việt Nam đã sớm quan tâm tới việc nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy và học trực tuyến, thông qua nhiều chính sách toàn diện như thúc đẩy phát triển kỹ thuật số cho vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người...; xây dựng chiến lược bài bản cho việc triển khai giảng dạy và học tập trực tuyến; tổ chức đào tạo, phát triển các kỹ năng cần thiết và nâng cao khả năng khai thác tối đa tiềm năng của phương pháp dạy học trực tuyến cho giáo viên.

Và ngay từ tháng 9/2021, Việt Nam đã có sáng kiến phát động toàn quốc chương trình “Sóng và máy tính cho em”, nhằm ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho những học sinh khó khăn trên cả nước không có phương tiện học tập trực tuyến, bảo đảm công bằng trong tiếp cận phương thức dạy và học mới, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số. Trong đó thực hiện các hạng mục cụ thể như: Triển khai hạ tầng đảm bảo đáp ứng nhu cầu kết nối phục vụ nhu cầu dạy và học trực tuyến; vận động cung cấp, hỗ trợ máy tính, các thiết bị công nghệ, nền tảng công nghệ, dịch vụ viễn thông cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương.

Triển khai chương trình đầy ý nghĩa này, các doanh nghiệp Bưu chính – Viễn thông đã được giao nhiệm vụ thực hiện phủ sóng và nâng cao chất lượng di động 3G/4G tại các thôn bản vùng lõm chưa có kết nối Internet, đặc biệt ở các địa phương trong diện phải giãn cách xã hội; đồng thời hỗ trợ hàng trăm ngàn máy tính bảng để bảo đảm không để học sinh nào “bị bỏ lại phía sau”. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Bưu chính – Viễn thông cũng xây dựng và triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ riêng cho lĩnh vực giáo dục – đào tạo để thu hẹp khoảng cách số trong giáo dục giữa các vùng miền, chẳng hạn như miễn phí giải pháp đào tạo trực tuyến VNPT E-Learning cho toàn bộ các trường phổ thông và đại học, miễn phí Sim có dung lượng 4Gb/ngày cho hàng triệu học sinh nghèo, hỗ trợ miễn phí hạ tầng CNTT cho các cơ sở đào tạo đại học – với các máy chủ, đường truyền đảm bảo dạy, học trực tuyến luôn được thông suốt. 

Những nỗ lực đó không chỉ là giải pháp "biến thách thức thành cơ hội" giúp ngăn chặn “thảm họa thế hệ” khi học sinh không được tiếp cận giáo dục do đại dịch, mà còn có ý nghĩa lâu dài đối với tương lai của thế hệ trẻ, nhất là ý nghĩa thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, để học sinh nào cũng được học hành một cách bình đẳng./.

VNPT

Các tin khác

Tổng công ty truyền thông (vnpt-media)
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP SỐ: 0106873188 DO SỞ KH&ĐT HÀ NỘI CẤP NGÀY 12/06/2015
Copyright © 2019 VNPT-Media. All Rights Reserved