08:26, 30/06/2022

Hợp tác chuyển đổi số Nông nghiệp mở ra cơ hội lớn cho Tập đoàn

Việc chinh phục để tiến tới thực hiện các dự án chuyển đổi số cho ngành Nông nghiệp của Tập đoàn là cả một quá trình, từ các hội thảo ứng dụng CNTT trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao năm 2019 đến nghiên cứu phát triển các giải pháp IoT hỗ trợ nông nghiệp 4.0. Cuối năm 2021, Tập đoàn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025, rồi mới đây đã chính thức khai trương Hệ thống thông tin và CSDL ngành chăn nuôi Việt Nam đầu tháng 6/2022. Những kết quả tích cực ban đầu này cũng mở ra cơ hội để các VNPT tỉnh/thành thêm thuyết phục khách hàng nông nghiệp ở địa phương mình, thêm cơ hội để các chiến binh phát triển tiếp các dịch vụ VT-CNTT khác, chứ không dừng lại ở các dự án chuyển đổi số.

 

Đòi hỏi số hóa Nông nghiệp Việt Nam 
 Nhiều quốc gia đã nắm bắt sớm cơ hội và nhanh chóng chuyển đổi số nông nghiệp bài bản và hiệu quả, ví dụ như: Isarel cho ra đời nhiều công nghệ bảo quản, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; Thái Lan xây dựng nền tảng Hệ thống thông tin, áp dụng công nghệ số về cảm biến, phần mềm quản lý trang trại, trí tuệ nhân tạo và robot mà ví dụ điển hình là chuỗi cung ứng gạo; Trung Quốc tích hợp và ứng dụng các thiết bị thông minh vào hoạt động giám sát, phun thuốc, bón phân, khảo sát thực địa diện tích sản xuất nông nghiệp một cách chính xác, tự động.
Ở trong nước, Việt Nam đã xác định "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao". Theo chương trình hành động của Chính phủ, “Nông nghiệp được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số”. Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã xây dựng môi trường pháp lý phù hợp cho ứng dụng CNTT, triển khai các hệ thống kết nối liên thông Chính phủ; xây dựng Cổng thông tin trực tuyến và Một cửa điện tử; kết nối mạng diện rộng với hệ thống máy chủ được ảo hóa tới 60%; xây dựng 113 loại cơ sở dữ liệu và 32 phần mềm chuyên ngành... Tuy nhiên theo đánh giá thì hạ tầng kỹ thuật vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa ổn định, thiếu tích hợp và chia sẻ...
 Bộ NN&PTNT xác định tầm nhìn đến năm 2030 phải tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy chuyển đổi từ “Sản xuất nông nghiệp” sang “Kinh tế nông nghiệp”; phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, chính xác, tăng tỷ trọng trong nền kinh tế - với 5 yếu tố then chốt là: Cơ sở dữ liệu số nông nghiệp; Số hóa sản xuất nông nghiệp; Phân tích dữ liệu lớn; Số hóa bán hàng sản phẩm nông nghiệp; Số hóa quy trình xử lý công việc của các cơ quan quản lý nhà nước.
Để thực hiện các mục tiêu quan trọng đó, Bộ NN&PTNT cũng đã đề ra nhóm 7 nhiệm vụ cụ thể phải triển khai, cùng với nhóm 5 giải pháp thiết thực đó là: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; Phát triển các mô hình kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp; Nghiên cứu, hợp tác để làm chủ, ứng dụng hiệu quả các công nghệ; Thu hút nguồn lực CNTT làm việc cho ngành; Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Tập đoàn xúc tiến triển khai Nông nghiệp số 
Với nhều nỗ lực của cả đội ngũ, thời gian qua Tập đoàn đã khẳng định được vai trò tiên phong Chuyển đổi số quốc gia, trong đó từng bước xây dựng hệ sinh thái số nhằm đưa Nông nghiệp Việt Nam tiến lên một tầm cao mới. Cụ thể, VNPT đã thử nghiệm Nông nghiệp thông minh trên cánh đồng lớn tại An Giang, cung cấp giải pháp Nông nghiệp thông minh nhà kính tại Bắc Ninh và phần mềm quản lý chuỗi nông sản tại các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum. Tập đoàn đã cung cấp dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp ở hầu hết các tỉnh thành, VNPT một số địa bàn đã chủ động xây dựng các sàn giao dịch nông sản hoạt động hiệu quả.

 

Nắm bắt thực tế chuyển mình đổi mới của Bộ NN&PTNT, Tập đoàn cũng đã sớm đưa ra các khuyến nghị về việc cần chủ động quản trị quá trình chuyển đổi số đi đúng hướng với việc đầu tư, quản lý những khâu mấu chốt, các hạ tầng và nền tảng trong điều hành và tiếp cận, cung cấp dịch vụ. Bộ cũng cần làm cầu nối, vận động và thúc đẩy các bên tham gia bằng cách tạo hệ sinh thái Nông nghiệp số để cả cộng đồng vào cuộc, tạo điều kiện để các bên tham gia chung tay phát triển  hạ tầng số, phát triển Nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng CSDL đúng-đủ-kịp thời, tạo điều kiện để nông dân chủ động kết nối thị trường, các đối tượng tham gia vào chuỗi cung ứng nông nghiệp.
Xác định việc phải tận dụng sức mạnh số để tạo giá trị mới xanh và bền vững, Tập đoàn đã sớm đưa ra mô hình 3 lớp chính của một Hệ sinh thái nông nghiệp số hoàn chỉnh cho Bộ NN&PTNT bao gồm: Lớp mô tả thực tế; Lớp các nền tảng, công cụ, phục vụ việc ánh xạ giữa môi trường thực sang môi trường số và ngược lại (như mạng 3G/4G/5G, IoT, Trí tuệ nhân tạo, BigData); Lớp các dịch vụ và ứng dụng như Du lịch nông nghiệp xanh, Phát hiện và cảnh báo dịch bệnh, Sàn nông sản, Tài chính và bảo hiểm nông nghiệp, Nghiên cứu KHCN; Quản lý và điều hành kinh tế hợp tác, chia sẻ; Thông tin hỗ trợ và Logistics; Dịch vụ công mức độ 3,4 và CSDL ngành, Hệ thống thông tin điều hành thông minh IOC.
Và mốc sự kiện quan trọng đầu tiên đánh dấu những nỗ lực của Tập đoàn là cuối năm vừa qua, VNPT đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 với Bộ NN&PTNT về chuyển đổi số với 3 trụ cột là: Bộ số, Kinh tế nông nghiệp số và Nông thôn số - Nông dân số. Tập đoàn cam kết sẽ đồng hành tích cực cùng Bộ NN&PTNT trong công cuộc chuyển đổi số, với tinh thần như lời Bác Hồ sinh thời đã tâm niệm “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Đáng chú ý, Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ NN&PTNT được thành lập cũng đã chỉ định đưa các cán bộ của VNPT vào tham gia vào là thành viên các tổ giúp việc cho Ban chỉ đạo.

 

Tiếp đó, trung tuần tháng 6/2022, Tập đoàn đã phối hợp với Bộ NN&PTNT chính thức khai trương Hệ thống thông tin và CSDL ngành chăn nuôi Việt Nam, sau một thời gian khẩn trương xây dựng, triển khai thử nghiệm tại một số địa phương. Kết quả bước đầu cho thấy đã giúp cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của ngành trong phát triển chăn nuôi theo định hướng, tín hiệu, nhu cầu của thị trường; đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn thực phẩm chăn nuôi để nâng cao giá trị, sức cạnh trạnh của sản phẩm.

Những sự kiện quan trọng này đều được nối cầu truyền hình từ Bộ NN&PTNT đến chuỗi các Sở NN&PTNT ở 63 tỉnh/thành tại VNPT các địa bàn. Đây thực sự là cơ hội để Tập đoàn cũng như các VNPT tỉnh/thành của chúng ta thêm thuyết phục khách hàng ở mảng nông nghiệp ở địa phương mình, thêm cơ hội để các chiến binh phát triển tiếp các dịch vụ VT-CNTT khác, chứ không dừng lại ở dự án chuyển đổi số.
Những nỗ lực và thành công của Tập đoàn trong chuyển đổi số cho Nông nghiệp Việt Nam, với những cam kết cùng sự tin chọn VNPT đồng hành trong chuyển đổi số của ngành Nông nghiệp, các chiến binh trên tất cả các mặt trận của Tập đoàn đang háo hức xung trận, tiếp tục vào cuộc triển khai khối lượng công việc lớn với kỳ vọng sẽ mang lại hơi thở mới, tiến tới xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, Nông thôn hiện đại, Nông dân thông minh”, mang lại sự thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ với hiệu quả kinh tế ngày càng lớn cho người dân, doanh nghiệp cũng như cho đất nước./.

VNPT

Các tin khác

Tổng công ty truyền thông (vnpt-media)
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP SỐ: 0106873188 DO SỞ KH&ĐT HÀ NỘI CẤP NGÀY 12/06/2015
Copyright © 2019 VNPT-Media. All Rights Reserved