Giải ba Nhân tài Đất Việt 2018: NovaonX “toát mồ hôi” bảo vệ chung khảo
Nhóm tác giả NovaonX từng đạt giải Ba tại Nhân tài Đất Việt 2018, đã tiếp tục quay lại trong cuộc thi lần này, với hy vọng sẽ nhận được giải cao hơn.
Theo đúng dự kiến, sáng nay Hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lần thứ 16 tập trung tại Tòa nhà 57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội để bước vào buổi chấm Chung khảo với 17 nhóm thí sinh. Nơi đây là địa điểm diễn ra các màn "lửa thử vàng" cuối cùng với các thí sinh, để tìm ra "nhân tố X" đủ bản lĩnh và khả năng bước lên bục vinh quang nhận giải.
Hội đồng Giám khảo cũng hứa hẹn sẽ có một ngày làm việc bận rộn với nhiệm vụ vừa phải lắng nghe bài thuyết trình, vừa phải đưa ra những câu hỏi hóc búa để thử tài "đáp xoay" của thí sinh.
Dù đã có kinh nghiệm tham dự và nhận giải tại Nhân tài Đất Việt 2018, anh Lê Viết Hải Sơn - thí sinh với nền tảng NovaonX (phải) vẫn gặp rất nhiều câu hỏi hóc búa từ Hội đồng giám khảo
NovaonX là nhóm đầu tiên bảo vệ tại Hội đồng thuộc lĩnh vực CNTT thành công. Đây là nền tảng trợ lý ảo đa kênh, với giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp tự động hóa hoạt động tiếp thị, quản lý dữ liệu và tương tác khách hàng tập trung, báo cáo và phân tích tập trung, tối ưu và tăng hiệu quả marketing.
Theo nhóm tác giả, nền tảng NovaonX đã đạt được thành tựu nổi bật nhất trong năm 2021 là được Facebook chọn như 1 trong 15 đơn vị Ecommerce toàn cầu đáng chú ý, đồng thời được trưng bày trong sự kiện F8 summit (của Facebook). Đây là dấu ấn ghi nhận của cộng đồng quốc tế với sản phẩm này.
Tính đến nay, NovaonX sở hữu số lượng 21 nghìn user, 21,5 triệu khách hàng của user, đến từ 16 quốc gia, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Mỹ… xử lý thông tin gồm 80 tỷ hội thoại/tháng.
Nói về tính đột phá của nền tảng, anh Lê Viết Hải Sơn - Phó Chủ tịch tập đoàn Novaon cho rằng giải pháp được xây dựng dựa trên hiểu biết, "nỗi đau" của các doanh nghiệp cần giải nên mang tính cấp thiết. Ngoài ra, giải pháp cũng đóng vai trò là mô hình hoàn toàn chưa có ở Việt Nam, với nhiều tính đổi mới sáng tạo, cung cấp toàn bộ giải pháp, lấy khách hàng làm trung tâm, đồng thời chứng thực bởi khách hàng, doanh nghiệp quốc tế.
Điều thú vị là anh Lê Viết Hải Sơn cũng từng đến với Nhân tài Đất Việt năm 2018 và xuất sắc nhận giải Ba, với nền tảng Novaon Auto Ads. Tới nay, khi quay trở lại cuộc thi, anh Sơn tràn trề tự tin với những kinh nghiệm tích lũy được từ lần thi trước, nên có phần trình bày hết sức gọn ghẽ, nêu bật được những điểm nhấn và nét đột phá của sản phẩm.
Tuy nhiên, đã không hề có sự ưu ái nào dành cho tác giả của NovaonX từ Hội đồng Giám khảo. Trên thực tế, phần tranh luận giữa 2 phía còn được xem là sôi nổi nhất trong buổi sáng ngày hôm nay, với nhiều ý kiến phản biện được đưa ra.
Đầu tiên là câu hỏi của giám khảo Lê Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội tin học Việt Nam về việc liệu giải pháp có chỉ xoay quanh lĩnh vực marketing trong một công ty, mà đang bỏ qua những lĩnh vực tiềm năng khác, cũng như thắc mắc về khả năng liên thông, tích hợp của hệ thống này với toàn bộ hệ thống doanh nghiệp hiện tại.
Trước câu hỏi này, anh Lê Viết Hải Sơn khẳng định nền tảng NovaonX có độ phủ không chỉ ở lĩnh vực marketing, mà còn giúp doanh nghiệp bán hàng, chăm sóc khách hàng, quản lý kho hàng, đơn hàng… Về mặt kết nối, anh Sơn cho biết NovaonX có 2 phiên bản, gồm: dạng platform dành cho các doanh nghiệp linh hoạt với thiết bị di động, và phiên bản riêng dành cho các khách hàng có tiêu chuẩn bảo mật cao, muốn cài đặt trên máy chủ cloud do họ tự quản lý.
Giám khảo Nguyễn Việt Cường - CEO INT^2, thì đặt câu hỏi về sự khác biệt của con số 21,5 triệu khách hàng được anh Sơn nhiều lần nhắc tới trong phần trình bày. Trong khi đó, con số thực tế được hiển thị trên hệ thống của NovaonX chỉ là 21 nghìn. Các giám khảo khác cũng muốn anh Sơn làm rõ 2 khái niệm: người dùng và user.
Anh Sơn cho rằng sở dĩ có những con số khác nhau là do quan niệm của mỗi hệ thống về khái niệm user. Lấy thí dụ như Facebook, anh Sơn nói mạng xã hội này quan niệm người nào tương tác trên hệ thống mới là user. Do đó, khi có bất kỳ một người nào đang sử dụng sản phẩm của NovaonX (dù là trên nền tảng khác), và đối thoại trực tiếp với hệ thống AI do hãng cung cấp, thì có thể được coi là 1 người dùng, dù qua một lớp trung gian. Còn con số 21 nghìn là những khách hàng trực tiếp của công ty.
Anh Sơn nhận định rằng nhóm người dùng - tạm gọi là "end user", mới là chỉ số quan trọng để đánh giá vì đây là nơi xảy ra những tương tác và dòng tiền cũng "chảy" qua đây. Nói cách khác, đây là những người sử dụng sản phẩm của NovaonX, và mang lại doanh thu cho công ty.
Tuy nhiên theo giám khảo Huy Nguyễn - CTO Kardiachain, đồng thời là một chuyên gia trong lĩnh vực blockchain, thì con số 21 nghìn mới là khách hàng "thật" của nền tảng, vì đây là những người trực tiếp trả tiền cho công ty. Trong khi đó, doanh thu "gián tiếp" từ 21,5 triệu khách hàng thông qua các nền tảng lại không được công ty trình bày một cách rõ ràng.
Một câu hỏi cũng gây ra nhiều tranh cãi từ 2 phía, chính là về doanh thu của công ty. Theo chia sẻ của anh Sơn, do là một công ty đăng ký ở nước ngoài, nên NovaonX không được phép công bố tình hình tài chính. Tuy nhiên theo Hội đồng giám khảo, nếu như không đưa ra doanh số thì rất khó để đánh giá mức độ thành công của một startup, đặc biệt đây là phần thi dành cho các sản phẩm CNTT thành công.
Hai nhóm tiếp theo có phần phản biện nằm chung một lĩnh vực, là cung cấp giải pháp quản lý văn bản, môi trường làm việc, gồm iOffice từ VNPT và 1Office từ Công ty CP 1Office.
Đối với VNPT iOffice, hệ thống cho phép quản lý văn bản và điều hành công việc điện tử, giúp các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng một văn phòng điện tử không giấy tờ, gồm hệ thống quản lý văn bản, báo cáo thống kê, quản lý công việc, hồ sơ công việc…
Với việc có cách tiếp cận không mới, Hội đồng giám khảo đánh giá điểm đột phá của sản phẩm này là chưa nhiều, chưa có sự nổi bật. Gợi ý cho nhóm tác giả, Hội đồng Giám khảo cho rằng với việc là một giải pháp khá thông dụng, thì nhóm cần có thêm những so sánh với các đối thủ tại thị trường trong nước hoặc quốc tế, để thấy điểm hơn kém, từ đó làm nổi bật thêm cho sản phẩm của mình.
Lúc này, nhóm tác giả mới cho biết so với các phần mềm khác trên thị trường, VNPT iOffice có nhiều tính năng hữu ích như tích hợp giải pháp chữ ký số từ xa, cũng như đi đầu trong lĩnh vực ký số dùng tài khoản để xác thực, tự động bóc tách trong văn bản.
"Mặc dù sản phẩm không có công nghệ đột phá, nhưng vẫn mang lại tiện ích rất lớn cho người dùng", đại diện nhóm tác giả cho biết. Theo đó, người dùng thay vì mất hàng giờ đồng hồ để xác thực thông tin, vị trí… thì nay nếu dùng phần mềm sẽ chỉ mất vài giây.
Cùng với nhau, Hội đồng giám khảo đã đưa ra nhiều ý kiến phản biện, và câu hỏi hóc búa để đánh giá bản lĩnh của các nhóm thí sinh (Ảnh: Hữu Nghị).
Đối với 1Office, giải pháp hướng đến một môi trường làm việc trực tuyến cho doanh nghiệp. Ở đó, mỗi thành viên được cung cấp đầy đủ công cụ, tài nguyên số phục vụ cho công việc.
Đại diện của 1Office cho biết mỗi doanh nghiệp có một đặc thù khác nhau. Do đó, khi gặp một bài toán, 1Office sẽ cố gắng tổng quát hóa trước khi giải. Nhờ cách tiếp cận này, khả năng tùy biến và tự động là ưu điểm vượt trội của giải pháp. Hiện, 1Office có 5 nghìn doanh nghiệp là đối tác và khoảng 8.000 user.
Dù tỏ ra khá ấn tượng với giải pháp đồng bộ của 1Office, nhưng Hội đồng Giám khảo vẫn liên tục đưa ra những câu hỏi hóc búa liên quan đến cơ sở dữ liệu, cũng như khả năng tự so sánh với các pháp khác trên thị trường của công ty.
Tiếp theo đó, câu chuyện về sở hữu dữ liệu, phân tích dữ liệu và bảo mật tiếp tục là vấn đề trọng tâm, khiến nhóm tác giả "toát mồ hôi" để xoay trở trước những câu hỏi của Hội đồng Giám khảo. Không chỉ vậy, bài toán doanh thu và định hướng chiến lược của 1Office cũng là điều khiến Hội đồng giám khảo quan tâm, đặc biệt là khi công ty có định hướng sẽ vươn ra tầm châu lục trong thời gian sắp tới.
VNPT-Media