Thí điểm Mobile Money: VNPT và các doanh nghiệp đã sẵn sàng 'nhập cuộc'
Với việc Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép triển khai thí điểm Mobile Money, các nhà mạng sẽ có cơ hội bước vào thị trường thanh toán số đầy tiềm năng này.Theo lộ trình, tháng 8/2021, các nhà mạng sẽ được cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money sau hơn 2 năm chờ đợi.
Chính phủ bật đèn xanh
Tại Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Chính phủ yêu cầu “khẩn trương triển khai thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money”.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thí điểm Mobile Money, cuối tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với việc thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile Money.
Ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, suốt 2 năm qua, Cục đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông chuẩn bị nội dung của Đề án thí điểm ngay trong quá trình các bộ, ngành phối hợp xem xét trình Thủ tướng ban hành quyết định cho phép thí điểm.
Từ đầu tháng 4/2021, Cục đã phân công nhóm cán bộ chuyên trách, phối hợp với các đơn vị liên quan trong Bộ Thông tin và Truyền thông căn cứ vào quy định trong Quyết định 316/QĐ-TTg và kinh nghiệm các nước đã triển khai để hướng dẫn các doanh nghiệp lập đề án xin phép thí điểm gửi cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ là Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng những phương án, điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, nhân sự, chính sách để triển khai dịch vụ ngay khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, dịch vụ Mobile Money là dịch vụ mới tại Việt Nam, do đó, để triển khai đảm bảo an toàn, hiệu quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 cơ quan nói trên trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Gần đích cấp phép
Thông tin cho biết, đến thời điểm hiện tại, 3 nhà mạng có đủ điều kiện là Viettel, VNPT, MobiFone đã nộp đề án xin thí điểm Mobile Money. Sau khi nhận được hồ sơ của các nhà mạng, Ngân hàng Nhà nước đã xem xét, xin ý kiến, đề nghị các nhà mạng hoàn thiện thêm đề án, làm việc với Bộ Công an rồi trình lên Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc VNPT Media cho biết, hồ sơ xin cấp phép thử nghiệm của các nhà cung cấp phải được hoàn thiện về phương án về kỹ thuật, phương án quản lý, các quy trình nghiệp vụ, an ninh bảo mật… phù hợp với các quy định trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông nên mất khá nhiều thời gian.
“Dự kiến chúng tôi sẽ hoàn thành việc xin ý kiến, hoàn thiện hồ sơ với các bộ, ngành trong nửa đầu tháng 7/2021, sau đó sẽ nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước xin thẩm định, phê duyệt và cấp phép. Thời điểm chúng tôi cung cấp dịch vụ Mobile Money cho người dùng tùy thuộc vào thời gian cấp phép của cơ quan chức năng. Hạ tầng kỹ thuật chúng tôi đã thử nghiệm và sẵn sàng rồi, chỉ cần được cấp phép là VNPT sẽ cung cấp dịch vụ Mobile Money cho người dùng ngay. Hy vọng, tháng 8/2021 sẽ được phê duyệt thử nghiệm”, ông Hải cho biết.
Còn theo ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Viettel Digital, ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Viettel đã xây dựng các phương án về kỹ thuật, kinh doanh, quy trình quản lý, nghiệp vụ… gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, xin ý kiến đồng ý để cấp phép thử nghiệm. Mobile Money là hình thức thanh toán mới và việc triển khai liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực trong xã hội, nên các đơn vị trực tiếp thực hiện việc triển khai dịch vụ cần chờ đợi thông tư, văn bản hướng dẫn chính thức từ các cơ quan quản lý.
Để bước vào giai đoạn triển khai thí điểm tại các thị trường trọng tâm, Viettel đã có sự chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt. Trong đó, bắt đầu với việc thử nghiệm nội bộ từ cấp tổng công ty đến cấp tập đoàn. Đến đầu năm 2021, hơn 40.000 nhân viên Viettel trên cả nước đã tham gia thử nghiệm sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán, chuyển tiền thay cho các giao dịch tiền lẻ. Viettel đã có kinh nghiệm triển khai tại 6/10 thị trường, do đó cách thức vận hành, chi phí, nhân lực đều được tính toán kỹ lưỡng.
“Viettel đã sẵn sàng thử nghiệm dịch vụ và đáp ứng tất cả các yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đề ra. Đây là cam kết hoàn toàn khả thi bởi Viettel đã thí điểm thành công dịch vụ Mobile Money với những nguồn lực mà chúng tôi sẵn có”, ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Viettel Digital cho biết.
Trong khi đó, đại diện MobiFone cho hay, đã đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng cả về hạ tầng và kỹ thuật để chờ ngày được cung cấp dịch vụ này. Hiện tại MobiFone cũng đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán, chuẩn bị các điều kiện về kỹ thuật, công nghệ, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, bảo mật tránh gây lộ lọt thông tin của khách hàng.
Có thể thấy, Mobile Money sẽ rất nhanh được triển khai. Ngay từ lúc này, các nhà mạng cần khởi động những bước tiếp theo như truyền thông tới hệ thống khách hàng, người dùng của mình, tập huấn, đào tạo cho các đại lý đối tác… để khi được cấp phép thử nghiệm sẵn sàng triển khai ngay.
Theo Hiệp hội Thông tin di động thế giới (GSMA), Mobile Money đang có 290 loại hình giao dịch tại 95 quốc gia toàn cầu với 1,04 tỷ tài khoản được đăng ký. Các đại lý chuyển tiền qua điện thoại di động có phạm vi tiếp cận nhiều gấp 7 lần so với ATM và gấp 20 lần so với các chi nhánh ngân hàng. |