Thủ tướng biểu dương đóng góp của VNPT trong chuyển đổi số quốc gia
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp công nghệ thông tin như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và một số đơn vị khác trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử ngày 10/3/2021, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tâm huyết, tích cực, chung sức, đồng lòng đóng góp cho thành công trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số trong thời gian qua.
Thủ tướng biểu dương Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số; biểu dương, đánh giá cao Văn phòng Chính phủ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong việc xây dựng các nền tảng Chính phủ điện tử phục công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực, hiệu quả của các doanh nghiệp công nghệ thông tin như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và một số Tập đoàn, công ty... trong công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, về thể chế, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành; Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử trình Chính phủ xem xét, ban hành; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Về triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ Công an triển khai hiệu quả Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, kết nối, chia sẻ, khai thác triệt để dữ liệu để giảm tối đa giấy tờ trong xử lý thủ tục hành chính, đến tháng 7 năm 2021 khai thác, sử dụng chính thức trên diện rộng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cơ sở dữ liệu Đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 07 năm 2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.
Các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; chủ động thực hiện kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan khác theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 100% các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin.
Về việc triển khai chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số cho giai đoạn mới, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, trường học tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch bệnh COVID-19; Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường quản lý, đẩy mạnh triển khai công nghệ thông tin và viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong thời gian qua, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam liên tiếp được Chính phủ tin tưởng đặt hàng ba hệ thống phần mềm lớn - nền móng xây dựng Chính phủ điện tử hiện nay. Cuối năm 2018, VNPT được giao nhiệm vụ xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia. Chỉ sau hơn 4 tháng, Trục liên thông văn bản quốc gia hoàn thành đi vào hoạt động, đến nay đã có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa các cơ quan hành chính.
Sau thành công này, VNPT tiếp tục được Chính phủ giao trọng trách xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Ra mắt cuối năm 2019, chỉ sau 8 tháng vận hành, Cổng DVCQG đã phát triển nhanh chóng từ 8 nhóm dịch vụ công ban đầu lên 1.000 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4, ước tính chi phí tiết kiệm cho toàn xã hội tới hơn 6.700 tỉ đồng mỗi năm.
VNPT ra mắt Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng, thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dữ liệu số - một trong những yếu tố cốt lõi của hạ tầng số thông minh. Từ trung tâm, lãnh đạo Chính phủ có thể theo dõi, kiểm tra và chỉ đạo, điều hành trực tiếp, nhanh chóng tới các bộ, ngành, địa phương.
Thành công của 3 hệ thống phần mềm kiến tạo Chính phủ điện tử đã khẳng định nền tảng công nghệ nổi trội của VNPT với vai trò dẫn đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay.
Khát vọng lớn, nỗ lực từng ngày cùng tầm nhìn lựa chọn đúng hướng đi đã giúp VNPT khẳng định được vai trò tiên phong trong lộ trình xây dựng một "Việt Nam số". Định hướng được Ban lãnh đạo Tập đoàn đưa ra từ năm 2017 là phải trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025 và trở thành Trung tâm dịch vụ Số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030. Từ khát vọng này, VNPT đã không ngừng vươn lên, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số tại Việt Nam.
Tại cuộc họp của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP chiều 10/3, Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết, một trong những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử là khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương tháng 12/2019 đến nay, đã có hơn 2.800 dịch vụ công được tích hợp, cung cấp gần 6.800 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền, với hơn 116 triệu lượt truy cập, chi phí tiết kiệm mỗi năm hơn 8.100 tỉ đồng. Ngoài ra, việc xây dựng, vận hành Trục liên thông văn bản quốc gia và xử lý văn bản trên môi trường mạng cũng tiết kiệm trên 1.200 tỉ đồng mỗi năm.
Đáng chú ý, tất cả các hệ thống nền tảng quan trọng trên đều ghi đậm dấu ấn của VNPT với vai trò xây dựng, vận hành. Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, bên cạnh các hệ thống nền tảng trên, VNPT còn tham gia phát triển, cung cấp các giải pháp phục vụ cộng đồng, đồng hành cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển Xã hội số (hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, Mobile Money, triển khai các giải pháp Y tế số, Giáo dục số).
VNPT đã triển khai giải pháp Hỗ trợ chẩn đoán khám chữa bệnh từ xa, Học và thi trực tuyến, Họp trực tuyến, ứng dụng khai báo y tế tự nguyện NCOVI cùng Chính phủ và người dân vượt qua khó khăn thời điểm dịch bệnh Covid-19. Đến nay, Hệ thống học và thi trực tuyến đã triển khai tới 20.000 trường, 800.000 tài khoản giáo viên, 8 triệu tài khoản học sinh với số bài giảng lên tới trên 1 triệu học liệu. Ứng dụng NCOVI đến nay đã ghi nhận 19 triệu lượt khai báo y tế, trên 56 triệu lượt cập nhật theo dõi sức khỏe và trên 300.000 người khai báo có yếu tố nguy cơ.
Hiện, VNPT đã triển khai giải pháp Trung tâm điều hành thông minh (IOC) - “bộ não số” cho công tác điều hành Đô thị thông minh tại gần 30 tỉnh, thành phố từ Đà Lạt, Hà Nam, Cao Bằng, Tây Ninh, Phú Thọ, Lào Cai... và nhiều tỉnh thành khác cũng đã hoàn thành triển khai như Ninh Bình, Tiền Giang, Đắk Lắk, Thanh Hóa...
VNPT