VNPT đăng ký triển khai thí điểm 5G tại An Giang
Đây là thông tin được ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở TT&TT An Giang báo cáo tại Hội nghị triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2021 do Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang tổ chức chiều 20/1. Hiện ở An Giang tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đạt 100% xã, thị trấn; Internet cáp quang tốc độ cao đến 100% trung tâm xã; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% địa bàn.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, hiện trên địa bàn tỉnh An Giang, tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% xã, thị trấn. Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% địa bàn, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh. Trên địa bàn tỉnh, hiện thuê bao Internet đạt 65% dân số. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 67%. Hai đơn vị viễn thông VNPT, Viettel đã đăng ký triển khai thí điểm dịch vụ 5G tại An Giang trong năm 2021.
Năm 2020, An Giang được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, xếp hạng 7/63 tỉnh, thành về tổng thể mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố về chỉ số thành phần hiện đại hóa nền hành chính trong Chỉ số cải cách hành chính. Đến cuối tháng 12/2020, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh An Giang cung cấp 1.968 dịch vụ, trong đó có 573 dịch vụ mức độ 3 và 244 dịch vụ mức độ 4. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 97 %. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 62%.
Năm 2021, An Giang đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý và quảng bá du lịch; triển khai chương trình chuyển đổi số; đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng bưu chính - lực lượng quan trọng trong phát triển dịch vụ logistics, thương mại điện tử và dịch vụ công của tỉnh. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 40% trở lên; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính… Đồng thời, tỉnh triển khai thành lập khu công nghệ thông tin tập trung; phấn đấu trên 90% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin thiết yếu cho nhân dân ở tuyến cơ sở; trên 80% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên sử dụng mạng xã hội để cập nhật thông tin hoạt động, chuyển tải thông tin, tuyên truyền.
Tại Hội nghị, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang nhấn mạnh mặc dù ngành Thông tin và truyền thông tỉnh đạt được những kết quả tích cực, nhưng một số chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Chính phủ điện tử; các chỉ tiêu về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa đạt kết quả tích cực, xếp hạng về an toàn thông tin của tỉnh còn ở mức thấp.
Năm 2021, ngành Thông tin và Truyền thông cần tập trung đẩy mạnh công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đến tận địa chỉ. Chủ trì phối hợp với Vụ Bưu chính thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh kế hoạch ứng dụng mã địa chỉ bưu chính, gắn với bản đồ số (Vpostcode), phục vụ cho phát triển thương mại điện tử của tỉnh; tăng cường công tác quản lý Nhà nước, đảm bảo an toàn, an ninh mạng bưu chính.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang yêu cầu ngành Thông tin và Truyền thông tỉnh tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chỉnh trang mạng cáp, nhất là khu vực đô thị và các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; tăng cường công tác quản lý nhà nước, làm lành mạnh thị trường viễn thông, thực hiện triệt để Nghị định 49 của Chính phủ về quản lý thuê bao di động trả trước; đấu tranh với các loại tội phạm ứng dụng công nghệ cao.../.