08:58, 23/10/2020

VNPT: Quyết tâm xây dựng Chính phủ số

Cam kết xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên đưa ra trong phiên họp Chính phủ từ 4 năm trước, cùng các yêu cầu đối với từng bộ ngành - mà với Bộ TT&TT là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, trước hết là phổ cập hệ thống xử lý văn bản tại các bộ, ngành.

Cam kết xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên đưa ra trong phiên họp Chính phủ từ 4 năm trước, cùng các yêu cầu đối với từng bộ ngành - mà với Bộ TT&TT là phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, trước hết là phổ cập hệ thống xử lý văn bản tại các bộ, ngành. Cụ thể hóa và sớm bắt tay vào triển khai các nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ TT&TT giao, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã từng bước đưa ra các hạng mục số hóa hoạt động điều hành của Chính phủ cũng như cung cấp dịch vụ công trong xã hội. Đó là sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ CBCNV trong Tập đoàn, cho thấy quyết tâm lớn của VNPT trong việc khẳng định vị thế trụ cột và dẫn dắt trong hành trình Chuyển đổi số quốc gia.

VNPT nhận nhiệm vụ xây dựng một Trục liên thông văn bản quốc gia từ cuối năm 2018, Tập đoàn đã nhanh chóng tổ chức lực lượng triển khai. Công ty VNPT IT mới được thành lập và kiện toàn trước đó cũng đã phải tăng cường bổ sung nhân lực để đáp ứng yêu cầu; các anh em CNTT đã “cày ngày cày đêm” và test vận hành Trục trên toàn hệ thống để đảm bảo thông suốt các quy trình. Nhận thức rõ vấn đề phải bảo đảm an toàn thông tin trên hệ thống của Trục nên VNPT đã rất chú trọng công tác bảo mật, an toàn thông tin trong triển khai hạ tầng mạng lưới, lựa chọn công nghệ trong quá trình sử dụng phần mềm. Toàn bộ các trung tâm dữ liệu của VNPT đều đạt chuẩn quốc tế Tier III, nền tảng công nghệ sử dụng máy chủ bảo mật và chữ ký số được Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát để thiết lập kênh trao đổi bảo mật giữa các điểm kết nối từ Trung ương đến các bộ ngành và địa phương. Tập đoàn VNPT cam kết chung tay hợp tác với tất cả các doanh nghiệp CNTT trong nước và quốc tế, cùng nhau nghiên cứu đưa các dụng tiên tiến nhất vào triển khai xây dựng - hình thành lên một tương lai số tốt đẹp cho đất nước Việt Nam.

 


Theo thiết kế, Trục liên thông văn bản quốc gia hoạt động đa năng, kết nối ngang hàng đã vừa giúp giải quyết được vấn đề quản lý dữ liệu tập trung, chuẩn hóa dữ liệu; đồng thời vừa giúp việc sử dụng phân tán, giúp các bộ ngành và địa phương chủ động phát triển các ứng dụng của riêng mình. Đến nay đã có khoảng 1,7 triệu văn bản điện tử được gửi, nhận giữa 95/95 cơ quan ở Trung ương với địa phương cả nước. Trục liên thông văn bản quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao, không chỉ tiết kiệm chi phí hành chính (giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 1.200 tỷ đồng/năm - theo tính toán của World Bank - sau khi đã trừ đi chi phí thuê dịch vụ của VNPT), mà còn giúp giảm thời gian xử lý văn bản và tiến tới loại bỏ tình trạng “ngâm hồ sơ”, giúp lãnh đạo cơ quan biết được tình trạng xử lý văn bản, hồ sơ, công việc trên hệ thống, từ đó có sự chỉ đạo và điều hành kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.

Tiếp đó, Tập đoàn VNPT được Chính phủ giao trọng trách xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia và đã khai trương chính thức đi vào hoạt động hồi cuối năm 2019, sau nhiều tháng chuẩn bị. Lực lượng làm CNTT của VNPT đã khẩn trương thiết kế 6 cấu phần chính cho Cổng gồm: Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan đến TTHC; Nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh; Nền tảng thanh toán trực tuyến; Hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; Tích hợp các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; Hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

Sử dụng các thuật toán mới nhất, thời điểm đó Cổng dịch vụ công quốc gia đã được xây dựng với 7 chức năng chính, cung cấp các tính năng: Đăng nhập một lần, sử dụng 1 tài khoản để đăng nhập cả Cổng quốc gia và Cổng dịch vụ công của các bộ ngành và địa phương; Tra cứu về thông tin thủ tục của tất cả các ngành và lĩnh vực trên toàn quốc; Theo dõi chi tiết toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục; Hỗ trợ thực hiện thủ tục theo hướng cá nhân hóa thông tin người dùng, cung cấp các tiện ích liên quan; Tiếp nhận phản ánh kiến nghị liên quan, chuyển xử lý và theo dõi chi tiết tình trạng xử lý của các bộ ngành và địa phương; Thanh toán trực tuyến phí và lệ phí, sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán; Đánh giá sự hài lòng của người dân. Với 8 dịch vụ công bước đầu được đưa lên ở thời điểm đó, ước tính Cổng dịch vụ công quốc gia giúp tiết kiệm được khoảng 4.222 tỷ/năm. Đó là chưa kể những lợi ích vô hình khác chưa thể tính hết đối với cả nhà nước cũng như người dân, doanh nghiệp.

Năm 2020: Thêm 2 hệ thống “điều hành số” và dấu mốc dịch vụ công thứ 1.000

Sau gần một năm khẩn trương triển khai xây dựng, với sự chung sức, đồng lòng và phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Chính phủ cùng các bộ ngành, địa phương, Tập đoàn VNPT đã vừa đưa vào vận hành thêm 2 hệ thống “điều hành số” - đánh dấu mốc mới cho mô hình Chính phủ điện tử ở Việt Nam, hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được thực thi trên cơ sở dữ liệu số.

Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ được Tập đoàn VNPT thiết kế có khả năng kết nối với các hệ thống từ cấp bộ ngành và địa phương, với sự phân quyền khai thác và xử lý, tổng hợp, phân tích dữ liệu một cách phù hợp. Hệ thống được xây dựng hoàn thiện với các nhóm chức năng chính như: Chuẩn hóa quy trình báo cáo; Giám sát các chế độ báo cáo, dự báo, mô phỏng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội; Thông tin được thể hiện trực quan, hỗ trợ công tác quản lý; Tổng hợp, phân tích số liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; Tạo lập cơ sở dữ liệu thông tin, báo cáo các cơ quan nhà nước.

 

 
Bắt đầu đi vào hoạt động với 101/200 chỉ tiêu báo cáo định kỳ, thống kê về kinh tế - xã hội được cung cấp, Hệ thống Thông tin báo cáo quốc gia bước đầu đã kết nối, tích hợp dữ liệu từ 30 bộ ngành, địa phương, tập đoàn với 25 kết nối trực tuyến theo thời gian thực - giúp công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày càng tốt hơn. Khi vận hành đầy đủ ước tính sẽ tiết kiệm chi phí được khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Cùng đó, VNPT cũng đã thiết lập một Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với công nghệ tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, được xác định là cốt lõi của hạ tầng số thông minh của Chính phủ số. Trung tâm này được thiết kế kết nối thông suốt từ cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan và địa phương lên tới trung ương. Chính phủ và Thủ tướng có thể theo dõi, kiểm tra hoạt động theo từng lĩnh vực mà các bộ ngành và địa phương quản lý; đồng thời thông qua dữ liệu số, hình ảnh trực quan, trực tuyến có thể giúp Chính phủ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành trực tiếp đến các bộ ngành và địa phương như là trên thực địa một cách trực quan, sinh động từ tổng thể đến chi tiết theo các phương diện, góc độ.

Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành - từ thủ công, giấy tờ - chuyển sang dựa trên thông tin, dữ liệu số; bảo đảm cập nhật, chính xác, bảo mật và hiệu quả. Việc nhiều bộ ngành như Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên - Môi trường và khoảng 20 địa phương như Quảng Ninh, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Bình Phước, Hòa Bình, Kon Tum… đã triển khai Trung tâm điều hành thông minh IOC cũng là sự thuận lợi lớn cho hoạt động của Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Các IOC do VNPT thiết lập được xem là một bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như đời sống xã hội nói chung.

Một mốc quan trọng đối với Cổng dịch vụ công quốc gia là việc đánh dấu dịch vụ thứ 1.000 đã chạy thông trên hệ thống. Nhiều người đã không khỏi ngạc nhiên về tốc độ đưa các dịch vụ công từ bộ ngành, địa phương lên Cổng - với sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao có thể nói là hàng ngày của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả là từ 8 dịch vụ công được đưa lên khi khai trương hệ thống hồi đầu tháng 12/2019, thì đến giờ đã có tới 1.000 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 chạy thông suốt và ước tính chi phí tiết kiệm cho toàn xã hội tới hơn 6.700 tỉ đồng/năm. Đằng sau đó, điều không mấy ai để ý đến là khả năng xử lý của hệ thống CNTT do Tập đoàn VNPT đã chú trọng liên tục đầu tư, mở rộng và nâng cao năng lực để có thể đáp ứng được.

Qua hàng loạt các hạng mục số hóa hoạt động điều hành của Chính phủ cũng như cung cấp dịch vụ công trong xã hội, Tập đoàn VNPT liên tục được Chính phủ tin chọn là doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ và trực tiếp triển khai. Nền tảng của sự tin tưởng này chính là ở chỗ những công nghệ mới nhất thế giới và những kinh nghiệm thực tiễn đã được phát triển để đưa vào các ứng dụng CNTT cho Chính phủ và các bộ ngành, địa phương. Tập đoàn VNPT luôn cam kết những ứng dụng này sẽ mang lại chất lượng tốt nhất, hiệu quả và an toàn, với giao diện “dễ dùng” đối với người dân và doanh nghiệp.

Sự hoạt động ổn định, thông suốt và tương tác sinh động của các hệ thống “điều hành số” đó, theo ghi nhận và đánh giá của cơ quan nhà nước, là mang ý nghĩa vô cùng quan trọng về chính trị và kinh tế, phục vụ chỉ đạo điều hành một cách toàn diện các vấn đề kinh tế - xã hội của Chính phủ và Thủ tướng, góp phần tiết kiệm số tiền vô cùng lớn cho nhà nước và nhân dân. Và điều quan trọng nữa là nó giúp thay đổi máu thịt của hoạt động tương tác giữa chính quyền và người dân, giúp giảm thiểu đi tình trạng: Cán bộ công chức vô cảm hoặc chậm trễ; Người dân thất vọng và chán chường với thủ tục hành chính công.

Xác định nhiệm vụ và đặt quyết tâm lớn trong giai đoạn tới

Nghị quyết số 52-NQ/TW mới ban hành ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã nêu rõ quan điểm là cần “nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”. Nghị quyết cũng nêu, từ đó hướng tới mục tiêu đến năm 2025 phải “Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; Thuộc nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc”.

 


Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đảng các cấp, với các chủ trương, chính sách và nhiệm vụ đặt ra cụ thể, Tập đoàn VNPT đã sớm triển khai cụ thể hóa bằng những hành động thực tế với nhiều nỗ lực. Và quyết tâm đó một lần nữa cũng được thể hiện trong Nghị quyết đề ra mới đây tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa diễn ra thành công trong tháng 8/2020 với sự tham dự của 208 đại biểu, đại diện cho 3.637 đảng viên thuộc 26 cơ sở đảng trực thuộc - đại diện cho trí tuệ, sự thống nhất ý chí và sức mạnh đoàn kết của toàn bộ đội ngũ.

Với tinh thần “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Tiên phong”, Đại hội lần này là tiền đề để Đảng bộ Tập đoàn tiếp tục khẳng định năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng với những thay đổi quan trọng về phương thức lãnh đạo trong thời gian tới. Trong đó, nhằm đẩy mạnh triển khai chiến lược phát triển với tầm nhìn 2030, VNPT sẽ quyết liệt đổi mới để phát triển nhanh và bền vững, đi đôi với bảo đảm chất lượng mạng dịch vụ, khẳng định vị thế chủ lực của Tập đoàn trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với đất nước; Phát triển Tập đoàn ngày một lớn mạnh, gia tăng sức cạnh tranh và hiệu quả quản trị, từ đó nâng tầm vị thế trụ cột và dẫn dắt của Tập đoàn trong hành trình Chuyển đổi số quốc gia.

 

 
Cùng với mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện của cấp ủy, xây dựng Đảng bộ Tập đoàn trong sạch, vững mạnh, phát triển doanh nghiệp hiệu quả với các chỉ tiêu chủ yếu phấn đấu cần đạt được, nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ Tập đoàn VNPT cũng đề ra nhiệm vụ: Xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các sản phẩm, dịch vụ, phương thức kinh doanh mới trong giai đoạn chuyển đổi số; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng viễn thông, mạng 5G, hạ tầng công nghệ thông tin, để đảm bảo chất lượng cung cấp trải nghiệm khách hàng, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

VNPT-Media

Các tin khác

Tổng công ty truyền thông (vnpt-media)
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP SỐ: 0106873188 DO SỞ KH&ĐT HÀ NỘI CẤP NGÀY 12/06/2015
Copyright © 2019 VNPT-Media. All Rights Reserved