SJC2 góp phần hoàn thiện mạng truyền dẫn quốc tế của VNPT

08:22, 23/12/2019

Trạm cáp quang biển Quốc tế tại Bình Định vừa được chính thức khởi công xây dựng, dự kiến sẽ đưa vào khai thác trong quý IV/2020. SJC2 sẽ góp phần hoàn thiện mạng truyền dẫn quốc tế của VNPT.

SJC2 thuộc dự án hệ thống cáp quang biển quốc tế SJC2 do các Tập đoàn Quốc tế (CHT, CMI, DHT, Edge, KDDI, Singtel, SKB, Telin, TICC) và VNPT đầu tư gồm 10 điểm cập bờ, trong đó điểm cập bờ Việt Nam tại Thành phố Quy Nhơn. Đây là hệ thống cáp quang ngầm dưới biển, có độ dài 10.500 km, kết nối 9 quốc gia trong khu vực châu Á; dung lượng thiết kế ban đầu 126 Tbps, cho phép hỗ trợ các ứng dụng yêu cầu tốc độ cao như IoT, thực tế ảo…VNPT sở hữu 1/2 đôi sợi trên tuyến trục Singapore - Hong Kong - Nhật Bản, với dung lượng thiết kế dự kiến lên đến 9 Tbps. VNPT đầu tư/sở hữu nhánh rẽ vào Việt Nam cập bờ tại Quy Nhơn – Bình Định.

Trạm cập bờ tuyến cáp tại Bình Định có tổng mức đầu tư 1.132,8 tỷ đồng, với đầy đủ các hạng mục: kiến trúc nhà trạm, hệ thống thiết bị đấu nối, hệ thống cáp truyền dẫn, hệ thống kiểm soát an ninh, trạm biến áp, nguồn điện dự phòng, chiếu sáng…Bên cạnh việc chức năng chính là trạm cập bờ cho tuyến cáp quang biển quốc tế, Trạm cáp quang biển quốc tế Bình Định còn đáp ứng nhu cầu phát triển quy hoạch Đài Viễn thông khu vực gồm các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.

Công trình có quy mô cao 5 tầng, mật độ xây dựng: 35,6%, diện tích xây dựng: 540 m2, tổng diện tích sàn: 2.700 m2.  Thời gian thực hiện dự án: 2017-2020.

Hệ thống cáp biển quốc tế SJC2 đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn mạng lưới kết nối quốc tế của VNPT cũng như an ninh thông tin quốc gia, góp phần đảm bảo thông tin liên lạc của Việt Nam với quốc tế, tăng cường sự chủ động trong việc cung cấp dịch vụ, góp phần hoàn thiện mạng truyền dẫn quốc tế của VNPT. Dự án đáp ứng nhu cầu kết nối Internet và các dịch vụ băng rộng khác của VNPT giai đoạn 2020-2025, góp phần phát triển mạng lưới Viễn thông Quốc tế, là một bộ phận của cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, an toàn và chất lượng cao; phát triển kinh doanh, hoán đổi dung lượng truyền dẫn quốc tế đối với các đối tác khác, khẳng định vai trò của VNPT trên thị trường viễn thông Việt Nam.

Các tuyến cáp quang biển quốc tế

Tuyến cáp quang biển SMW-3 cập bờ tại Đà Nẵng, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM) có tổng dung lượng hệ thống 320 Gbps nối liền Việt Nam với 39 nước trên thế giới, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Nam Á tới Châu Âu.

Tuyến cáp quang biển AAG,  trạm cập bờ tại Vũng Tàu, tổng dung lượng 29,5 Tbps, là tuyến cáp đầu tiên kết nối giữa Đông Nam Á và Hoa Kỳ, sử dụng công nghệ DWDM, kết nối lưu lượng giữa Việt Nam với các nước vùng lãnh thổ Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Hồng Kông, Philippines và Hoa Kỳ.

Tuyến cáp quang biển APG cập bờ tại Đà Nẵng, kết nối lưu lượng giữa các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Thailand, Việt Nam và Singapore. Tuyến APG cập bờ tại Đà Nẵng với dung lượng thiết kế lên tới 43,8 Tbps.

Tuyến cáp quang AAE-1 cập bờ tại Vũng Tàu, kết nối Hồng Kông, Việt Nam, Cam-pu-chia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Oman, các tiểu vương quốc Ả Rập, Qatar, Yemen, Djibouti, Saudi Arabia, Ai Cập, Hy Lạp, Ý và Pháp. Dung lượng thiết kế là 40 Terabytes và công nghệ 100Gpbs/bước sóng, dung lượng của VNPT đang sử dụng là 298 Gbps.

Ngoài ra, hệ thống cáp quang quốc tế khác mà VNPT có dung lượng gồm tuyến cáp quang FASTER cập bờ tại Oregon, Mỹ và hai điểm tại Nhật Bản là ở tỉnh Chiba và Mie. Tuyến cáp có đường truyền mở rộng tới các trung tâm lớn ở bờ tây Mỹ gồm Los Angeles, San Francisco, Portland và Seattle. FASTER còn kết nối tới các tuyến cáp lận cận trong khu vực châu Á; Tuyến cáp quang biển Unity xuyên Thái Bình Dương có chi phí xây dựng ban đầu xấp xỉ 300 triệu đô. Dung lượng thiết kế lên tới 7.68 Tbps, vận hành trên hệ thống 96x10G DWDM. Tuyến cáp kết nối Chikura, Nhật Bản và Los Angeles, Mỹ.

VNPT còn sử dụng dung lượng trên các hệ thống cáp quang quốc tế khác không kết cuối tại Việt Nam bao gồm China-US, FLAG, APCN2, SMW-4 và TPE nhằm đáp ứng dung lượng nối tiếp đi các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực Châu Á, Châu Mỹ và Châu Âu.

Cùng với các tuyến cáp quang biển,VNPT còn có hệ thống cáp quang đất liền qua biên giới kết nối trực tiếp với nhiều đối tác khác nhau thuộc các quốc gia Trung Quốc, Lào, Campuchia gồm hệ thống cáp quang biên giới Việt Nam - Trung Quốc với tổng dung lượng trên 120 Gbps; Hệ thống cáp quang Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia với tổng dung lượng hơn 200 Gbps.

VNPT