VNPT sẽ chinh phục đỉnh cao mới

10:10, 17/09/2015
VNPT vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020, một trong những mục tiêu quan trọng nhất đã được đại hội nhất trí thông qua là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ - Đột phá về năng lực cạnh tranh - Khẳng định vị thế chủ lực của Tập đoàn góp phần vào sự nghiệp hiện đại hóa đất nước”.
 
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT để làm rõ các nội dung này.
 
Chu tich
Ông Trần Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT.
PV: Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Đại hội là đề ra phương hướng, mục tiêu, chủ trương, biện pháp lãnh đạo đơn vị trong nhiệm kỳ 2015-2020. Xin đồng chí cho biết khái quát mục tiêu vươn tới của Tập đoàn trong nhiệm kỳ này?
 
Ông Trần Mạnh Hùng: Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn VNPT lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội đã thảo luận, đề ra quyết tâm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ - Đột phá về năng lực cạnh tranh - Khẳng định vị thế chủ lực của Tập đoàn, góp phần vào sự nghiệp hiện đại hóa đất nước; phấn đấu tăng trưởng doanh thu bình quân đạt trên 8%/năm, lợi nhuận trên 10%/năm; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2020 đạt trên 10%.
 
Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ Tập đoàn đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai trong giai đoạn 2015-2020 là tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; xây dựng, bổ sung quy định về quản lý, tổ chức, cán bộ theo hướng phân công, phân cấp hợp lý, hiệu quả hơn; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Đề án tái cơ cấu Tập đoàn; đổi mới, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp hiện đại, tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao; đẩy mạnh SXKD, đầu tư phát triển tập trung vào ngành nghề chính, phủ sóng rộng khắp, tối ưu và hiện đại hóa mạng lưới, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN, VNPT hóa các sản phẩm công nghiệp VT-CNTT...
PV: Để trở thành Tập đoàn số 1 về Viễn thông-CNTT của đất nước, phải có lộ trình tái cơ cấu và quá trình chuẩn bị. Vậy Tập đoàn đã chuẩn bị những gì cho mô hình này?
 
Ông Trần Mạnh Hùng: Tái cơ cấu Tập đoàn đòi hỏi phải được thực hiện theo lộ trình. Thực hiện Quyết định 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015, VNPT đã triển khai tái cấu trúc theo hướng “Chuyên biệt - Khác biệt - Hiệu quả”, phát huy sức mạnh tiềm năng của đội ngũ cán bộ công nhân viên, tạo đà cho bước phát triển tiếp theo, đưa sức mạnh nội tại lên một tầm cao mới.
 
Trong khoảng 1 năm, VNPT đã hoàn thành quá trình tái cấu trúc giai đoạn 1. Sau đó vào ngày 1-7-2015, ba Tổng công ty gồm: Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT - Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT - Media), Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT - Net) đã chính thức đi vào hoạt động và đang tiếp tục hoàn thiện để các Tổng công ty hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả.
 
Với sự ra đời của ba Tổng công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn sẽ là một chuỗi giá trị từ nội dung, hạ tầng và tới khách hàng. Đây cũng là điểm khởi đầu cho giai đoạn 2 thực hiện Đề án Tái cơ cấu VNPT, giai đoạn quan trọng làm tiền đề cho hoạt động của VNPT cả về hạ tầng mạng lưới và hệ thống bán hàng, giúp Tập đoàn khắc phục được những bất cập trước đây.
 
Dù còn phải đối mặt và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả bước đầu đạt được trong quá trình thực hiện tái cơ cấu đã chứng minh “con thuyền” VNPT đi đúng hướng. Xác định rõ phương châm, mục tiêu, nên vừa thực hiện tái cấu trúc, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lợi nhuận của VNPT đã tăng trưởng 30,1%; tổng doanh thu tăng 9,7%; tổng số thuê bao VinaPhone phát triển mới tăng 34,6%; tổng số thuê bao băng rộng cố định (FTTx) tăng gấp 3,7 lần; tổng nộp ngân sách Nhà nước tăng 7,4% so với cùng kỳ 2014.
 
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng lợi nhuận của VNPT đã tăng trưởng 30,1%.
PV : Để đạt được mục tiêu mà Đảng bộ đã đề ra, VNPT cần có những bước và việc làm cụ thể như thế nào?
 
Ông Trần Mạnh Hùng: Để thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, Đại hội đã đưa ra 7 giải pháp cụ thể cho việc triển khai công tác xây dựng Đảng; đồng thời đưa ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, đó là: Triển khai mô hình quản trị hiện đại nhằm tăng cường năng lực doanh nghiệp, đổi mới và kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý, đội ngũ cán bộ chủ chốt; đẩy mạnh phát triển SXKD, tạo sự đột phá về năng lực cạnh tranh bằng cách tập trung phát triển các dịch vụ mũi nhọn như di động, băng rộng, truyền hình trả tiền..., chuyển dịch cơ cấu dịch vụ truyền thống sang dịch vụ CNTT, nội dung và GTGT; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn 2030 của Tập đoàn, các chiến lược thành phần và kế hoạch 5 năm của Tập đoàn cùng các Tổng công ty thành viên.
 
PV: Đồng chí cho biết thêm vì sao trong nhiệm kỳ tới, Tập đoàn VNPT lại tập trung phát triển các dịch vụ mũi nhọn như di động, băng rộng, truyền hình trả tiền, chuyển dịch cơ cấu dịch vụ truyền thống sang dịch vụ CNTT, nội dung và giá trị gia tăng?
 
Ông Trần Mạnh Hùng: Tập trung phát triển di động, băng rộng là xu hướng tất yếu của tất cả các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông chứ không chỉ riêng VNPT. Bởi đây chính là mảnh đất tiềm năng để các doanh nghiệp có nhiều cơ hội tìm kiếm thị phần. Thời gian qua, VNPT đã không ngừng đầu tư mạng lưới đón đầu nhu cầu phát triển của dịch vụ di động, băng rộng và MyTV. Về di động, VNPT đang tập trung đầu tư mạnh cho mạng 3G với tốc độ ”2 tuần bằng 2 năm” và đến tháng 10-2015, mạng 3G của VinaPhone sẽ có vùng phủ sóng rộng nhất. Chúng tôi cũng đã xúc tiến các công việc để đưa vào cung cấp dịch vụ 4G trên thị trường. Về băng rộng, chúng tôi cũng đầu tư mạng cáp quang không thua kém đối thủ cạnh tranh nào. Tuy nhiên, cạnh tranh gắt gao, doanh thu trên mỗi thuê bao giảm dần đang là vấn đề khiến các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đau đầu. Chính vì vậy, việc chuyển dịch cơ cấu dịch vụ truyền thống sang dịch vụ CNTT, nội dung và giá trị gia tăng là một trong những nội dung hướng tới của VNPT. Đến nay, VNPT đã triển khai ký hợp tác với khoảng 40 tỉnh và nhiều bộ ngành để ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử. Với nhiều kinh nghiệm trong việc phát triển các dịch vụ CNTT, VNPT sẽ giúp các bộ ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
 
PV: Trong thời gian tới, VNPT hướng tới phục vụ khách hàng như thế nào ? Đối tượng khách hàng mà VNPT muốn hướng tới là ai ?
 
Ông Trần Mạnh Hùng: VNPT đang “lấy khách hàng là trung tâm”, vì thế mọi hoạt động của VNPT đều phải hướng tới khách hàng, vì khách hàng. Thực tế chúng tôi đã có nhiều thay đổi trong hoạt động bán hàng, chăm sóc khách hàng. Phong trào Nụ cười VNPT qua 5 năm triển khai đã đem lại nhiều đổi mới trong phong cách và chất lượng phục vụ. Năm 2014, VNPT đã khai trương và đưa vào khai thác Tổng đài bán hàng 18001166 thống nhất trên toàn quốc nhằm tạo thuận tiện hơn nữa cho khách hàng trong việc đăng ký lắp đặt các dịch vụ viễn thông. Việc đưa vào hoạt động ba Tổng công ty vừa qua đã chính thức hình thành mô hình 3 lớp “ Hạ tầng – Dịch vụ - Kinh doanh” cũng không nằm ngoài mục đích phục vụ tốt hơn cho khách hàng.
 
PV: VNPT có kế hoạch như thế nào để phát triển dịch vụ viễn thông ở vùng sâu, vùng xa và hải đảo?
Ông Trần Mạnh Hùng: Nếu như năm 2010, mạng VinaPhone mới có 6.367 trạm thu phát sóng 3G. Đến tháng 6-2015, VNPT đã có 15.316 trạm 3G, dự kiến đến cuối năm 2015 có 20.000 trạm thu phát sóng 3G. Bên cạnh đó, vùng phủ sóng 2G cũng không ngừng được mở rộng tăng từ 10.000 trạm 2G lên 20.000 trạm 2G.
 
Chúng tôi đã quyết tâm đầu tư mạnh cho mạng lưới và VNPT là doanh nghiệp hàng đầu trong việc mở rộng vùng phủ sóng, đặc biệt là ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Từ tháng 6 đến tháng 10 năm nay, VNPT sẽ lắp thêm 10.000 trạm 3G. Đây là dự án có quy mô đầu tư lớn nhất của VNPT từ trước đến này. 10.000 trạm 3G này có ưu thế là vùng phủ rộng thậm chí gấp 3 lần 1 trạm 3G dùng băng tần 2.1 GHz cho các nhà mạng trước đó. Bên cạnh đó, chúng tôi đã nâng cấp thêm 3.000 trạm thu phát sóng 3G hiện có. Như vậy, hết tháng 10 tới, VNPT có thể có vùng phủ sóng 3G rộng nhất với mật độ phủ chiếm 90% diện tích Việt Nam.
 
PV: Xin trân trọng cảm ơn!
Theo QDNN