09:57, 01/04/2021

VNPT khẳng định thêm vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số quốc gia

Thương hiệu VNPT trong mắt cộng đồng giờ đã không chỉ còn là hình ảnh chiếc điện thoại bàn, di động hay máy tính nữa, mà là những dịch chuyển của con số, của hình ảnh, của những tiện ích công nghệ hiện đại nhất được đem đến để phục vụ con người.

Những khái niệm như Chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0, hay thậm chí xuất hiện sớm hơn nữa như Chính phủ điện tử... trước đây còn là gì đó khá xa lạ. Vậy mà chỉ chừng hơn 2 năm qua, người dân đã bắt đầu hiểu rõ chúng thông qua việc tham gia mạng xã hội, dễ dàng thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, quay chọn biển số xe hay nộp tiền phạt vi phạm giao thông, đăng ký thủ tục làm hộ chiếu… Và trong cuộc dịch chuyển số đó, người ta đã ngày càng thấy rõ vai trò tiên phong quan trọng của những doanh nghiệp năng động. Thương hiệu VNPT trong mắt cộng đồng giờ đã không chỉ còn là hình ảnh chiếc điện thoại bàn, di động hay máy tính nữa, mà là những dịch chuyển của con số, của hình ảnh, của những tiện ích công nghệ hiện đại nhất được đem đến để phục vụ con người.

 

Chính phủ là người khai thông

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng và giáng đòn nặng nề vào toàn bộ nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của toàn xã hội. Yêu cầu giãn cách đã khiến cơ quan, doanh nghiệp phải đình trệ, học sinh dừng đến trường… Và những giải pháp sử dụng công nghệ mạng gúp cho việc dạy và học từ xa, nhân viên có thể làm việc tại nhà, các cuộc hội họp có thể qua cầu truyền hình, thậm chí các sự kiện chính trị quốc tế cũng có thể tiến hành online một cách bình thường như thật. Người dân đã hiểu ngay đó chính là những biểu cụ thể của sự Chuyển đổi số.

Trước đó, Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức được khai trương cuối năm 2019 đã tạo một cầu nối điện tử “thực chất, liên tục, hiệu quả” kết nối Chính phủ với người dân, doanh nghiệp; đồng thời khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ là lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Ở thời điểm cuối năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có hàng trăm ngàn tài khoản đăng ký, hơn 100 triệu lượt truy cập, gần 28 triệu hồ sơ thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái, gần 745 nghìn hồ sơ được thực hiện trực tuyến, cao điểm mỗi ngày nhận tới 12 ngìn hồ sơ, tiếp nhận và xử lý gần 10 nghìn phản ánh/kiến nghị/yêu cầu hỗ trợ, giải đáp gần 45 nghìn cuộc gọi tới Tổng đài. Đồng thời, dịch vụ thanh toán trực tuyến đã tích hợp, cung cấp với 14 bộ ngành và 54/63 tỉnh/thành tham gia cùng hơn 48 nghìn lượt giao dịch thành công. Dịp đó Chính phủ đã đưa thêm 4 dịch vụ công mới tưởng như rất khó vì nhạy cảm đã được kích hoạt, gồm có: Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; Cung cấp thông tin quy hoạch xây dựng; Cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; Kê khai, nộp lệ phí trước bạ và cấp đăng ký, biển số xe nhập khẩu. Với 2.700 dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp qua Cổng, đánh giá cho thấy tổng chi phí tiết kiệm khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 8 nghìn tỷ đồng/năm.

Những ví dụ hết sức cụ thể đó cho thấy, Chuyển đổi số muốn thành công thì không thể thiếu được vai trò kiến tạo, chỉ đạo, khai thông của Chính phủ. Và song song đó là vai trò thực thi của những doanh nghiệp công nghệ năng động và quan trọng như Tập đoàn VNPT. Quả thực, trong năm 2020, đồng hành cùng Chính phủ triển khai mục tiêu kép “phòng chống dịch” và “phát triển kinh tế”, Tập đoàn đã vận dụng toàn bộ hệ sinh thái của mình, cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phòng chống Covid-19. Nhiều giải pháp phục vụ việc giãn cách xã hội như: phần mềm đào tạo trực tuyến VNPT E-Learning, phần mềm họp trực tuyến VNPT Meeting đã được Tập đoàn triển khai. Đặc biệt, VNPT đã xây dựng ứng dụng Khai báo y tế tự nguyện NCOVI giúp cho công tác kiểm soát tình hình dịch bệnh, ổn định các hoạt động kinh tế – xã hội.

Với Chuyển đổi số, Tập đoàn đã khẳng định được vai trò tiên phong khi triển khai thành công nhiều nền tảng lớn cho Chính phủ như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Cổng Dịch vụ công Quốc gia. VNPT cũng dựng và tích hợp thành công nền tảng Payment Platform để thực hiện thanh toán cho các dịch vụ công trực tuyến, chủ trì về công nghệ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho Bộ Công An, Cơ sở dữ liệu về cán bộ/công chức/viên chức và về các lĩnh vực khác như đất đai, y tế, giáo dục… Việc Tập đoàn được tin chọn triển khai hạ tầng thông tin cho hàng loạt các sự kiện quan trọng của đất nước đã khẳng định thêm năng lực mạng lưới và chất lượng dịch vụ của VNPT.


Đóng góp chuyển đổi số nền kinh tế

Đối với chuyển đổi số cho các địa phương, trong giai đoạn 2016-2020 Tập đoàn đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về VT-CNTT với 55/63 tỉnh/thành. Riêng với đề án đô thị thông minh, đã tiếp cận giới thiệu và tư vấn cho 28 tỉnh/thành, ký kết được với 12/63 UBND tỉnh/thành và chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025, Tập đoàn đã và đang xúc tiến ký kết hợp tác mới với tất cả các địa phương còn lại. Hiện Tập đoàn đã đưa hệ sinh thái số tiếp cận đến tất cả các lĩnh vực quản lý của 63 tỉnh/thành để phục vụ nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính của địa phương; Đã tổ chức giới thiệu về Đô thị thông minh và Trung tâm điều hành thông minh IOC tại 42/63 tỉnh/thành, trong đó đã khai trương tại 20 địa phương.

Đối với khối khách hàng doanh nghiệp, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, tư nhân cũng như khối ngân hàng, Tập đoàn đã tiếp tục khẳng định vị thế bằng việc duy trì thực hiện các hợp tác chiến lược về VT-CNTT đã ký kết, hợp tác trên quan điểm kết hợp sử dụng các dịch vụ là thế mạnh của mỗi bên để tạo ra sản phẩm mới phục vụ cho khách hàng. Theo kinh nghiệm của VNPT, chuyển đổi số cần phải xuất phát từ nhận thức về sự cần phải thay đổi, và các chiến lược thay đổi đồng bộ để thích nghi của doanh nghiệp không phải vấn đề của riêng bộ phận phụ trách CNTT, mà Chuyển đổi số cần phải được thực hiện xuyên suốt từ cấp lãnh đạo đến từng bộ phận, đến từng nhân viên. Ngoài ra, chuyển đổi số cần phải có tầm nhìn dài hạn nhưng lại bắt đầu từ những dự án nhỏ, được điều chỉnh theo các mục tiêu ngắn hạn của tổ chức. Tín hiệu mừng là ngày càng nhiều doanh nghiệp đã và đang coi VNPT không chỉ là đối tác cung cấp giải pháp hạ tầng số, mà còn là đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho đơn vị mình, từ hạ tầng số đến các giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp, tối ưu trải nghiệm khách hàng và các nền tảng công nghệ cao như AI, IoT, Big Data để giải quyết các bài toán chuyển đổi số cụ thể tại từng doanh nghiệp.

Công việc cụ thể mà Tập đoàn đã và đang tiến hành là: Tư vấn lộ trình chuyển đổi số cho bộ ngành, địa phương, tổ chức doanh nghiệp; Đi đầu, dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số trong các lĩnh vực mũi nhọn như y tế, giáo dục, nông nghiệp, quản trị đô thị, tài nguyên môi trường... VNPT không ngừng nghiên cứu, phát triển các nền tảng cho chuyển đổi số, đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp công nghệ, Startup; đồng thời triển khai, vận hành các giải pháp toàn diện từ hạ tầng, nền tảng đến các giải pháp chuyên ngành, bảo đảm an toàn thông tin cho chuyển đổi số.

Về nghiên cứu, triển khai các sản phẩm, công nghệ mới trong Cách mạng Công nghệ 4.0, Tập đoàn đã triển khai thành công các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao tốc độ 4G cũng như chính thức triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G mới đây. VNPT đã xây dựng và phát triển các nền tảng số như Big Data Platform, Video Platform, Payment Platform, Digital Platform đáp ứng phát triển các sản phẩm dịch vụ số mới đang gia tăng mạnh mẽ về loại hình và quy mô dịch vụ.

Để có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghệ như thế, qua năm 2020 Tập đoàn đã hoàn thành cơ bản kế hoạch phát triển hạ tầng mạng di động với quy mô cơ sở hạ tầng tăng 18%, thiết bị trạm 4G tăng 27% và vùng phủ sóng tăng hơn 5%, quy mô hiện đạt hơn 100.000 trạm BTS các loại. Nhờ đó chất lượng mạng dịch vụ đã không ngừng được nâng lên: Các dịch vụ cốt lõi như di động bang rộng cố định, MyTV và vệ tinh Vinasat đã đạt chỉ số chất lượng của các nhà mạng dẫn đầu trên thế giới; Tốc độ truy cập data mạng 4G trung bình tăng gần 10% trong khi thời gian mất liên lạc trung bình giảm trên 22%. Tập đoàn cũng đã xây dựng, ban hành “Quy hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 các lĩnh vực chủ chốt: mạng di động, 5G, hạ tầng CNTT, An toàn an ninh”.

Với chiến lược đầu tư, phát triển hệ sinh thái ở nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh phát triển các giải pháp, dịch vụ số và với tầm nhìn đến năm 2025 trở thành nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và vươn tầm khu vực Châu Á, VNPT đã thực sự là Tập đoàn kinh tế năng động, chú trọng phát triển những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp ICT sáng tạo, đột phá, kiến tạo nên những giá trị đích thực cho cuộc sống, đồng hành sát cánh cùng xây dựng hàng loạt giải pháp công nghệ, hiện thực hoá đề án Chính phủ điện tử, Chính phủ số và nền kinh tế số, đóng góp vào sự phát triển vững mạnh của đất nước trong xu thế đổi mới không ngừng trên thế giới.

Các tin khác

Tổng công ty truyền thông (vnpt-media)
GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP SỐ: 0106873188 DO SỞ KH&ĐT HÀ NỘI CẤP NGÀY 12/06/2015
Copyright © 2019 VNPT-Media. All Rights Reserved