VNPT với "Thành phố thông minh" Đà Lạt: Hiệu quả sau 6 tháng hoạt động

08:52, 01/07/2020

Là một trong những địa phương đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình thành phố thông minh, Trung tâm điều hành thông minh thành phố Đà Lạt – với sự hợp tác xây dựng của Tập đoàn VNPT – đã giúp cơ quan quản lý giám sát và kịp thời xử lý các sự việc từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trên địa bàn.

Hiệu quả trong giám sát xã hội

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) thành phố Đà Lạt khai trương từ tháng 12/2019, với mục tiêu cung cấp thông tin toàn diện về các hoạt động đang diễn ra tại 12 phường và 4 xã trên địa bàn Thành phố. Bước đầu, hiệu quả từ Trung tâm điều hành thông minh cho thấy, các chỉ đạo, xử lý công việc của cơ quan quản lý nhà nước đã nhanh hơn, hiệu quả hơn.

 

Một điểm nhấn hiện nay là Đà Lạt đã triển khai bước đầu về quản lý quy hoạch đô thị, đất đai. Đây là nội dung mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, người dân và doanh nghiệp khi được biết vị trí nào nằm trong quy hoạch, vị trí nào có thể chuyển đổi, được phép xây bao nhiều tầng. Hiện tại, hệ thống đang cập nhật và từng bước hoàn chỉnh các dữ liệu về quản lý đô thị, quản lý quy hoạch trên địa bàn. 

Theo đó, cơ quan quản lý có thể theo dõi trực tiếp phản ánh của người dân một cách khách quan và nhanh nhất. Thông qua ứng dụng Đà Lạt trực tuyến, người dân có thể phản ánh, nhận xét trực tiếp về thái độ, cách làm việc của nhân viên một cửa hoặc phản ánh bất kỳ sự việc nào diễn ra trên địa bàn như tai nạn giao thông, đổ rác bừa bãi, xây dựng trái phép... 

Một khi phản ánh của người dân được gửi đi, tất cả những người có nhiệm vụ chức năng xử lý vụ việc sẽ cùng một lúc nhận được. Những lãnh đạo đã nhận thông tin, chưa xử lý hoặc đang xử lý sự việc đến đâu đều được thể hiện công khai, minh bạch ngay trên hệ thống. Các ý kiến chỉ đạo, xử lý và báo cáo kết quả cũng được công khai. Những trường hợp đặc biệt thì ngay lập tức sẽ có chỉ đạo của lãnh đạo Thành phố.  Bên cạnh đó, ứng dụng này còn có tính năng lấy số thứ tự để đặt lịch làm việc với bộ phận một cửa, tra cứu, định vị hồ sơ, tra cứu thông tin quy hoạch và trở thành sổ liên lạc điện tử.
Thực tế, ngay trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, nhờ hệ thống camera an ninh có độ phân giải cao được lắp đặt tại các địa điểm trung tâm của Thành phố, những nơi thường tập trung đông người mà đơn vị chức năng đã kịp thời phát hiện nhiều người không đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, tập trung nhóm 2-3 người đi tập thể dục… Ngay sau đó, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền và yêu cầu người dân thực hiện. Những trường hợp cố tình không đeo khẩu trang, Thành phố cũng có biện pháp xử lý kịp thời. Hệ thống camera này có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống, như giám sát trực quan trên bản đồ số, xử lý phản ánh về bất cập đô thị, giám sát đô thị trực tiếp, quản lý thủ tục cấp phép xây dựng, tình hình giải quyết dịch vụ hành chính công…

 

Đến nay, đã có khoảng gần 300 camera được tích hợp vào Trung tâm điều hành. Sau đó, Thành phố cũng đã đưa ra quy chế cụ thể đối với các cơ quan quản lý về thời gian xử lý, giải quyết các vụ việc. Có vụ việc khi tiếp nhận phản ánh đến khi hoàn thành xử lý khoảng 2 tiếng đồng hồ, những vấn đề phức tạp hơn thì có thời gian 8 tiếng hoặc 24 tiếng, đối với những vụ việc như lấn chiếm vỉa hè… thì phải xử lý ngay thì mới có hiệu lực. Sau gần 6 tháng Trung tâm IOC đi vào hoạt động, mỗi ngày, lãnh đạo Thành phố Đà Lạt tiếp nhận trung bình khoảng 30-40 phản ánh của người dân về các lĩnh vực.

Từ khi triển khai Trung tâm IOC này, phần mềm dữ liệu kinh tế-xã hội của các đơn vị trên địa bàn Thành phố đều được tập trung tại đây. Trước kia, mỗi đơn vị phải có báo cáo bản cứng gửi lên lãnh đạo Thành phố và lãnh đạo phải ngồi đọc từng bản báo cáo, thì hiện nay các thông tin, báo cáo đều đã được cập nhật liên tục trên hệ thống này. Việc cập nhật đã giảm rất nhiều thời gian, công sức, công việc được giải quyết nhanh hơn, hiệu quả hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và cơ quan quản lý.

Nắm địa bàn trong lòng bàn tay

Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt sau 6 tháng đi vào hoạt động, hiện đã tích hợp với các hệ thống thông tin ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực du lịch, Trung tâm đã có dữ liệu liên tục được cập nhật từ 1.176 khách sạn và cơ sở lưu trú, 772 nhà hàng và địa điểm ẩm thực, 103 địa điểm du lịch, 75 địa điểm mua sắm, 489 điểm giải trí. Cổng thông tin du lịch dalat.vn và ứng dụng du lịch thông minh đã kết nối với Trung tâm IOC để cập nhật và theo dõi các số liệu từ hệ thống. Từ đó, du khách có thể tìm hiểu, cập nhật thông tin về Thành phố, đặt vé, phòng khách sạn trực tuyến hay tra cứu các sự kiện văn hóa, điểm đến, ẩm thực, giao thông, thời tiết.

Thành phố Đà Lạt cũng đã triển khai việc số hóa hồ sơ quy hoạch, đưa vào vận hành dữ liệu thông tin quy hoạch đất đai, kiến trúc xây dựng, quy hoạch khu đô thị - nhà ở thông qua nền tảng bản đồ số GIS. Đây là dữ liệu của 97.751 thửa đất ở 12 phường, dữ liệu quy hoạch cho 11 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố. Cùng đó, lớp dữ liệu hạ tầng giao thông với 207 đường, 577 cung đường và 625 hẻm, tạo thành một bức tranh toàn cảnh sinh động và cập nhật về hiện trạng thành phố trên giao diện số hóa. Người dân có thể truy cập vào địa chỉ quyhoach.dalatcity.org để tìm kiếm thông tin liên quan đến các quy hoạch được công bố.

 

Việc thành phố Đà Lạt cùng với Tập đoàn VNPT khởi xướng và xây dựng thành công Trung tâm điều hành thông minh Thành phố Đà Lạt được coi là một bước tiến lớn trên lộ trình tiến tới xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, nhằm tạo được những lợi ích thiết thực nhất trong phục vụ người dân, du khách, doanh nghiệp. Thời gian tới, Trung tâm sẽ được tích hợp thêm nhiều tính năng nữa như phân tích hành vi, mật độ giao thông, phân tích và cảnh báo về các hiện tượng mất an toàn về giao thông, cháy rừng, lấn chiếm rừng, xây dựng trái phép. Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, với những dự báo thông minh chuẩn xác để Thành phố Đà Lạt có thể đưa ra những quyết định xử lý một cách nhanh chóng, chính xác và đáp ứng nhanh, giải quyết kịp thời các nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp.

Chia sẻ về khả năng này, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt Nguyễn Văn Sơn dẫn ví dụ: Khi hệ thống phát hiện nơi nào có khói ở mức độ có thể gây cháy rừng thì ngay lập tức sẽ kích hoạt báo cháy về cơ quan chức năng, hoặc bất kỳ hoạt động nào liên quan đến phá rừng thì phần mềm sẽ lập tức phân tích dữ liệu và phát ra cảnh báo tới cơ quan chức năng, khi đó người có trách nhiệm sẽ mở camera phóng to để quan sát kỹ hơn. Còn Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Viết Vân thì cho biết thêm: Trong quá trình xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố thông minh, đơn vị triển khai chính là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, song ngoài ra các doanh nghiệp khác cũng tham gia vào một số hạng mục, modul hợp thành và hỗ trợ thêm. Điểm khác biệt khi phát triển mô hình thành phố thông minh của Đà Lạt so với các địa phương khác là ở đây bắt tay triển khai các ứng dụng trước, sau đó mới tập hợp để xây dựng thành Trung tâm điều hành chung.

Sau thành công hợp tác xây dựng mô hình Thành phố thông minh ở Đà Lạt, hiện tỉnh Lâm Đồng cũng đang xây dựng hoàn chỉnh đề án xây dựng thành phố thông minh tại Bảo Lộc, đây là thành phố thứ 2 trên địa bàn tỉnh cao nguyên này./.

VNPT