VNPT Pay là 1 trong 4 kênh thanh toán điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia

08:19, 10/12/2019

Chiều 9/12, tại Hà Nội, Cổng Dịch vụ công Quốc Gia đã chính thức khai trương và đưa vào vận hành tại dichvucong.gov.vn, góp phần làm minh bạch hóa, giảm thời gian và chi phí để người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính.

Với vai trò đầu mối kết nối với các Cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố, cơ sở dữ liệu...việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công Quốc Gia sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, tái sử dụng các thông tin. Từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khai trương Cổng DVCQG
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khai trương Cổng DVCQG

Theo tính toán từ Ban đề án, việc chuyển từ phương thức trực tiếp sang trực tuyến tại Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên, tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Có 4 đơn vị là kênh thanh toán điện tử của Cổng Dịch vụ công quốc gia gồm: VNPT Pay,Ví điện tử Momo, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Hiện, Cổng Dịch vụ công Quốc gia vẫn đang thí điểm thanh toán trực tuyến một số dịch vụ công thiết yếu như: Đổi giấy phép lái xe; Thông báo hoạt động khuyến mại; Cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp...Về lâu dài, khi Cổng Dịch vụ công Quốc gia đi vào ổn định thì với các tỉnh/thành phố đã kết nối với các cổng thanh toán trước đó thì dữ liệu của Cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố này sẽ được liên kết vào Cổng dịch vụ công Quốc gia, tập trung về một mối. Tuy nhiên, với những dịch vụ công mang tính đặc thù của từng địa phương thì vẫn do địa phương giải quyết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trải nghiệm Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Trước đó, theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019, Chính phủ đã chỉ đạo Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, trong đó yêu cầu Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh “Ban hành kế hoạch thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền ở cấp độ 4, đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, thu phí, lệ phí,... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ”, với thời hạn hoàn thành trước tháng 12 năm 2019.

Cổng Dịch vụ công Quốc gia bao gồm 6 cấu phần chính là cơ sở dữ liệu quốc gia về Thủ tục Hành chính (TTHC) và Bộ câu hỏi/trả lời liên quan TTHC; Nền tảng xác thực, đăng nhập một lần kết nối với các Cổng Dịch vụ công cấp Bộ, tỉnh; Nền tảng thanh toán trực tuyến; Hệ thống phản ánh, kiến nghị cho người dân, doanh nghiệp; Tích hợp các DVC trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; Hệ thống hỗ trợ trực tuyến và Tổng đài hỗ trợ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Cổng DVCQG là một trong những hợp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Cổng DVCQG là một trong những hợp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử

Trước mắt, Cổng dịch vụ công Quốc gia sẽ cung cấp 8 nhóm dịch vụ công thiết yếu nhất, bao gồm:

●  4 dịch vụ công thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố là: Đổi giấy phép lái xe; Thông báo hoạt động khuyến mại; Cấp lại thẻ Bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Nhóm dịch vụ cấp điện hạ áp phục vụ người dân và hộ gia đình, cấp điện trung áp phục vụ doanh nghiệp và tích hợp tiện ích thanh toán tiền điện.

●   4 dịch vụ công thực hiện tại cấp Bộ là: Cấp giấy phép lái xe quốc tế; Đăng ký khuyến mãi; Nhóm dịch vụ về cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; Nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp.